Triển vọng xuất khẩu gạo Việt Nam có “cơ” vượt Thái Lan
Xuất khẩu gạo tăng vọt giữa khó khăn COVID-19 / TP. Hồ Chí Minh tạm giữ gần 1.000.000 chiếc khẩu trang không rõ nguồn gốc
Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm 2020 đạt 890.000 tấn, đem về kim ngạch 410 triệu USD, tăng 27% về khối lượng và tăng 32,6% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù đang vụ thu hoạch lúa Đông Xuân, nhưng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 2 tăng gần 10% so với tháng 1 và hiện đang ở mức cao nhất trong vòng hơn một năm.
Lúa được mùa, được giá
So với cùng thời điểm này năm ngoái, hiện giá gạo xuất khẩu đã tăng trên 10% (khoảng 40 USD/tấn). Lý do bởi nhu cầu xuất khẩu mạnh, chủ yếu sang Philippines và Malaysia. Trong đó, giá gạo 5% tấm xuất khẩu tăng vọt lên 380 USD/tấn (giá giao tại cảng Việt Nam), mức cao nhất kể từ tháng 12/2018. Gạo IR 50404 vốn được coi là gạo phẩm cấp thấp, các năm trước rất khó tiêu thụ, thì năm nay giá xuất khẩu cũng đạt 360 USD/tấn, nhưng vẫn không đủ lượng cung cấp theo đặt hàng của đối tác.
Tại thị trường trong nước, mặc dù đang vụ thu hoạch lúa Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng giá bán lúa cũng tăng mạnh. Hiện, các doanh nghiệp trong vùng mua lúa ướt tại ruộng với giá dao động 4.400-5.400 đồng/kg, cao hơn đầu vụ 300-500 đồng/kg. Trong đó, giá lúa hạt dài cao hơn lúa thường 300-800 đồng/kg. Giá lúa thu mua tại kho của doanh nghiệp 5.400-6.400 đồng/kg, cao hơn mức bán lúa tươi tại ruộng của nông dân bình quân 1.000 đồng/kg. Nhiều thương lái, doanh nghiệp đã đến tận ruộng của nông dân đặt cọc và ký hợp đồng bao tiêu lúa dài với giá 5.000-5.200 đồng/kg.
Nhìn lại năm 2019, xuất khẩu gạo đạt 6,34 triệu tấn và 2,79 tỷ USD, tăng 3,9% về khối lượng nhưng giảm 9,7% về giá trị so với năm 2018. Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường tiêu thụ gạo của Việt Nam với 31,5% thị phần trong tổng lượng gạo xuất khẩu; tăng gấp 2,55 lần về khối lượng và gấp 2,34 lần về giá trị so với năm 2018. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là: Senegal tăng gấp 9,86 lần; Bờ Biển Ngà tăng 78,6%; Đài Loan tăng 31%; Hồng Kông tăng 28,3% và Tanzania tăng 26,6%.
Về chủng loại xuất khẩu trong năm 2019, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 45,5% tổng kim ngạch; gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 40,3%; gạo nếp chiếm 7,3%; gạo Japonica và gạo giống Nhật chiếm 6,5%. Các thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Phillipines (47,5%), Malaysia (12,1%) và Cuba (11,4%). Với gạo Jasmine và gạo thơm, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Phillipines (21,5%), Bờ Biển Ngà (17,7%) và Ghana (15,1%). Về gạo nếp, thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc (50,8%), Phillipines (18,1%) và Malaysia (11,8%). Với gạo Japonica và gạo giống Nhật, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Singapore (20,7%), Papua New Guinea (9,4%) và quần đảo Solomon (8,5%).
Nhiều thuận lợi về xuất khẩu
Theo nhận định của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), triển vọng xuất khẩu gạo năm 2020 đang vô cùng sáng sủa, bởi có nhiều thuận lợi.
Một là, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trên thế giới, nhu cầu dự trữ gạo tại các nước, đặc biệt là Trung Quốc sẽ tăng lên. Do đó, gạo Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu. Hiện Philippines, Indonesia đang thiếu gạo và phải nhập khẩu khối lượng rất lớn từ Việt Nam. Chưa kể, so với Thái Lan và Ấn Độ - hai đối thủ lớn, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn nên có lợi thế cạnh tranh, giành lại thị phần ở những thị trường lớn.
Hai là, năm 2020 xuất khẩu gạo của Việt Nam có nhiều triển vọng do tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cũng như yếu tố cung cầu của thị trường thế giới có sự thay đổi. Từ trước tới nay, gạo Việt Nam xuất khẩu sang EU phải chịu thuế 45%, thậm chí một số nước trong khối EU áp mức thuế lên tới 100%. Đây chính là nguyên nhân khiến gạo Việt khó đưa được vào thị trường này. Tuy nhiên, theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), dù mặt hàng gạo không được cắt bỏ thuế quan, nhưng gạo Việt Nam xuất sang EU sẽ được áp hạn ngạch 40.000 tấn – khối lượng này sẽ được miễn thuế nhập khẩu. Rõ ràng đây là cơ hội vàng cho xuất khẩu gạo Việt mở lối vào thị trường khó tính này.
Ba là, nguồn cung gạo trên thế giới giảm, nhu cầu tăng sẽ giúp gạo tăng giá. Mới đây, trong báo cáo công bố tháng 2/2020, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã hạ dự báo về sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2019/20 do dự báo sản lượng sẽ giảm ở Sri Lanka và Paraguay. Năm 2019, Hàn Quốc đồng ý hạn ngạch nhập khẩu riêng biệt với khối lượng 388.700 tấn. Nhiều thị trường Đông Á khác gần đây cũng tham gia mua gạo. Triều Tiên đã mua với khối lượng nhỏ trong năm 2018/19 và duy trì tốc độ mua kể từ giữa năm 2019, xu hướng này dự kiến sẽ tiếp diễn sang năm 2020. Ai Cập nổi lên là nhà nhập khẩu gạo lớn trong năm 2019 với 700.000 tấn. Đây vốn là nước sản xuất gạo (loại hạt vừa) lớn nhưng từ năm 2018 đến nay, sản lượng gạo sụt giảm hơn 1/3 so với năm trước do Chính phủ giới hạn diện tích lúa vì thiếu nước. Để đáp ứng nhu cầu trong nước, Ai Cập chuyển hướng sang nhập khẩu.
Bốn là, Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan – đối thủ cạnh tranh trực tiếp với xuất khẩu gạo của Việt Nam đã hạ mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2020 xuống chỉ còn 7 triệu tấn, mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua (trong khi sản lượng xuất khẩu gạo hàng năm của nước này 9-10 triệu tấn). Sở dĩ phải hạ sản lượng xuất khẩu bởi nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới này đang chịu thiệt hại lớn do hạn mặn. Sản lượng gạo của Thái Langiảm gần 2 triệu tấn. Trong khi đó, Việt Nam tuy cũng đang bị hạn mặn, nhưng chỉ diện tích nhỏ khoảng 28.000 ha lúa bị ảnh hưởng.
Bức tranh xuất khẩu gạo của Việt Namnăm nay dự báo sẽ tốt, tăng cả lượng và giá. Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan Charoen Laothamatat cũng nhận định, Việt Nam có thể soán ngôi Thái Lan về xuất khẩu gạo năm 2020 trong bối cảnh thị trường đang cạnh tranh vô cùng gay gắt, chi phí sản xuất gạo của Thái Lan ngày càng cao, tỷ giá đồng Bath biến động và hạn hán đang đe dọa. Trên thực tế, việc Việt Nam soán ngôi xuất khẩu gạo thứ hai thế giới của Thái Lan là hoàn toàn có cơ sở.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xuất khẩu gạo có nhiều cơ hội mới (Ảnh: Internet)