Thị trường

Việt Nam cần tận dụng cơ hội kết nối với doanh nghiệp Mỹ qua chuỗi giá trị

DNVN - Đó là nhận định của TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương khi trình bày báo cáo “Kinh tế thế giới 2023 – Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam” tại buổi “Gặp mặt hiệp hội doanh nghiệp và hội viên VCCI miền Trung – Tây Nguyên năm 2023” vừa được VCCI Đà Nẵng tổ chức chiều 21/3.

Quảng bá du lịch Đà Nẵng tại hội chợ lớn nhất Ấn Độ / Đà Nẵng: Mùa cạn 2023 rất khó khăn về nguồn nước

Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

Theo TS Lê Đăng Doanh, trong bối cảnh thị trường châu Âu còn gặp nhiều khó khăn thì xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đang tăng trưởng mạnh. Cụ thể, tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương Việt – Mỹ trong năm 2022 đạt xấp xỉ 124 tỷ USD (tăng 11% so với 2021); trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 109,4 tỷ USD (tăng 13,6% so với năm 2021).

TStrình bày báo cáo “Kinh tế thế giới 2023 – Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam” tại buổi “Gặp mặt do VCCI Đà Nẵng tổ chức chiều 21/3

TS Lê Đăng Doanh trình bày báo cáo “Kinh tế thế giới 2023 – Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam” tại buổi gặp mặt do VCCI Đà Nẵng tổ chức chiều 21/3.

Đáng chú ý, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta. Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ. Năm 2022, Việt Nam ghi nhận có 11 mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ đạt trên 1 tỷ USD. Trong đó mặt hàng xuất khẩu lớn nhất là máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng 16,8 tỷ USD, tăng 26%; hàng dệt may (chủ yếu là quần áo, phụ kiện đan móc và không đan móc) 14,8 tỷ USD, tăng 16%; máy vi tính, điện tử và linh kiện 13,2 tỷ USD, tăng 26%...

“Việt Nam mua máy bay Boeing của Mỹ, thì Mỹ mua hàng thủy sản, nông sản, máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng… của Việt Nam. Cơ cấu của hai nền kinh tế Việt – Mỹ bổ sung cho nhau chứ ít cạnh tranh với nhau. Đó là đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam và Mỹ hiện nay. Doanh nghiệp Việt Nam cần tận dung cơ hội này để kết nối với doanh nghiệp Mỹ qua chuỗi giá trị”, TS Lê Đăng Doanh nhận định.

Từ ngày 21 – 23/5 sẽ có đoàn đại diện của hơn 50 doanh nghiệp lớn của Mỹ, trong đó có các công ty quốc phòng, dược phẩm và công nghệ… sang Việt Nam để thảo luận về các cơ hội đầu tư và kinh doanh theo chương trình hàng năm do Hội đồng Kinh doanh Mỹ- ASEAN tổ chức. Trong số này có cả SpaceX, công ty đang tìm kiếm thị trường dịch vụ Internet vệ tinh tại Việt Nam và các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, điều khiến TS Lê Đăng Doanh lo ngại là: "Quy mô của doanh nghiệp Việt Nam hiện quá nhỏ. Họ sang đây muốn kết kết hợp tác với chúng ta, nhưng doanh nghiệp của chúng ta bé quá thì khó mà ký được. Vì vậy doanh nghiệp Việt Nam cần phải kết nối lại với nhau, tập hợp lực lượng để làm sao chúng ta có được những doanh nghiệp đủ lớn làm đối tác ký kết với họ”.

Sẵn sàng các biện pháp bảo vệ khi làm ăn với thị trường Mỹ

Bên cạnh đó, TS Lê Đăng Doanh cũng khuyến cáo việc xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ hoàn toàn không dễ dàng và có những khó khăn khi làm ăn với thị trường này. Nếu doanh nghiệp nước ta xuất khẩu sang Mỹ ít, không chiếm được thị phần lớn, không ảnh hưởng đến thị phần của doanh nghiệp Mỹ thì họ không gây khó. Nhưng nếu doanh nghiệp của ta xuất khẩu sang thị trường Mỹ mạnh thì các doanh nghiệp Mỹ sẽ tìm cách kiện doanh nghiệp của chúng ta bằng rất nhiều lý do.

Trên thực tế, tính đến tháng 11/2022, Mỹ là quốc gia khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất đối với Việt Nam, tổng cộng 51 vụ, chủ yếu là điều tra chống bán phá giá. Các sản phẩm bị điều tra khá đa dạng, từ nông – lâm – thủy sản như gỗ, cá tra – basa, tôm, mật ong tới các sản phẩm công nghiệp như thép, máy cắt cỏ,… thậm chí cả sản phẩm bìa kẹp hồ sơ.

Vì vậy, TS Lê Đăng Doanh khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam phải chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp bảo vệ mình khi ra thương trường quốc tế. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền như Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài hay VCCI, các hiệp hội doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ trong việc thông tin cảnh báo sớm về các nguy cơ để doanh nghiệp có sự chuẩn bị.

“Các cơ quan hữu quan của Việt Nam cũng cần tăng cường thông tin về pháp luật của nước nhập khẩu; hỗ trợ phối hợp hành động trong từng vụ việc; tăng cường đội ngũ có chuyên môn sâu nhất về phòng vệ thương mại để có thể đưa ra những khuyến nghị, hướng dẫn kịp thời cho doanh nghiệp”, TS Lê Đăng Doanh kiến nghị.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm