Đà Nẵng: Bảo vệ tài nguyên nước sông Cu Đê phải gắn bó mật thiết với bài toán sinh kế cộng đồng bản địa
Quảng bá du lịch Đà Nẵng tại hội chợ lớn nhất Ấn Độ / Đà Nẵng: Mùa cạn 2023 rất khó khăn về nguồn nước
Thưa ông, hiện Đà Nẵng phải đối mặt với những vấn đề nào trong việc giải quyết nguồn nước cung cấp cho thành phố?
Chuyên gia Huỳnh Vạn Thắng: Trong suy nghĩ của nhiều người, Đà Nẵng có nguồn tài nguyên nước dồi dào, bởi lẽ quanh TP đi đâu cũng dễ dàng bắt gặp ao hồ, sông suối và đường bờ biển trải dài từ chân đèo Hải Vân đến Non Nước - Ngũ Hành Sơn. Tuy nhiên, hiện nay 95% lượng nước cấp cho Đà Nẵng được khai thác tại hạ lưu sông Vu Gia, TP phụ thuộc hoàn toàn vào lượng nước đến từ thượng nguồn sông Vu Gia.
Ngoài ra, việc khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn lưu vực sông Vu Gia, xâm nhập mặn vùng cửa sông, chưa có giải pháp ứng phó ô nhiễm nguồn nước trên lưu vực cũng ảnh hướng lớn đến khả năng khai thác, cấp nước cho Đà Nẵng, gây nên tình trạng cạn kiệt nguồn nước vào mùa khô.
Đây là vấn đề Đà Nẵng phải đối mặt giải quyết trong suốt thời gian, cũng là mối quan tâm, thách thức chính trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông Cu Đê - kho dự trữ nước của TP. Theo quy hoạch, nguồn nước sông Cu Đê dự kiến sẽ được khai thác tới 400.000 m3/ngày đêm vào năm 2050, đảm bảo cung cấp đến 40% nhu cầu dùng nước của toàn TP. Bài toán đặt ra là phải đảm bảo về số lượng và chất lượng nguồn nước sông Cu Đê trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng cực đoan, diễn biến khôn lường.
Chuyên gia Huỳnh Vạn Thắng.
Các yếu tố tác động đến chất lượng nguồn nước sông Cu Đê trong khu vực khai thác?
Chuyên gia Huỳnh Vạn Thắng: Sông Cu Đê nằm ở phía Bắc TP Đà Nẵng, bắt nguồn từ phía Nam núi Bạch Mã, phía Bắc dãy núi Bà Nà. Dòng chính của sông được hợp lưu bởi sông Bắc và sông Nam thuộc địa phận xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), hướng chảy từ Tây sang Đông qua xã Hòa Bắc, Hòa Liên và phường Hòa Hiệp Bắc rồi đổ ra vịnh Đà Nẵng. Diện tích lưu vực tính đến cửa sông là 417,2 km2 (trong đó lưu vực sông Bắc 129,3 km2, lưu vực sông Nam 118,0 km2).
Trong các yếu tố tác động đến chất lượng nguồn nước sông Cu Đê trong khu vực khai thác, trước hết là hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Việc khai thác rừng trồng, đốt thực bì tại vùng đầu nguồn, canh tác tự do trên đất dốc của cư dân địa phương làm tăng sự rửa trôi, xói mòn đất, làm thay đổi độ che phủ rừng, đặc biệt là chất lượng lớp phủ rừng (độ tán che).
Đây là yếu tố có ảnh hưởng khá lớn đến khả năng điều tiết dòng chảy mặt, thời gian truyền lũ, mức độ chuyển tải vật liệu vào sông suối và đồng bằng hạ lưu. Ngoài ra hoạt động này cũng có thể làm tăng khả năng cuốn trôi các chất lơ lửng, bùn cát và các thành phần ô nhiễm khác gây bồi lắng lòng hồ và ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước.
Hoạt động canh tác nông nghiệp sử dụng phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật nên tác động gây ô nhiễm nguồn nước từ tồn dư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Hoạt động chăn nuôi trâu, bò thả rông, heo, gia cầm nuôi phân tán trong các hộ gia đình ở vùng thượng lưu hồ (thôn Giàn Bí và thôn Nam Mỹ) nên lượng xả thải do chăn nuôi cũng có ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước nếu không có giải pháp bảo vệ.
Bên cạnh đó là các hoạt động xây dựng, giao thông. Giai đoạn 2015-2019, tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan được xây dựng tại vùng thượng nguồn đập Nam Mỹ làm gia tăng lượng bùn cát bị cuốn trôi về sông Cu Đê. Hiện nay việc xây dựng đã hoàn thành, tuy nhiên đất đá xả thải chưa được nén chặt tự nhiên nên vẫn phát sinh quá trình cuốn trôi bùn cát do mưa, làm tăng hàm lượng TSS (chất rắn lơ lửng không hòa tan) tại nguồn nước thượng lưu đập Nam Mỹ.
Về việc xả nước thải, chất thải rắn tại các khu dân cư, vùng thượng lưu đập Nam Mỹ gồm các khu dân cư Giàn Bí, Tà Lang, Nam Mỹ. Lượng nước xả thải phân tán trong các khu dân cư, chủ yếu thấm vào đất, lượng nước chảy tràn về các sông suối và chảy về sông Cu Đê là không đáng kể, không có khả năng làm suy giảm chất lượng nguồn nước sông Cu Đê tại đập Nam Mỹ. Các chất thải rắn được thu gom và chôn lấp nên lượng xả thải xâm nhập về sông là không đáng kể.
Ở khu vực thượng lưu đập Nam Mỹ cũng không có các hoạt động dịch vụ, du lịch quy mô lớn. Tuy nhiên gần đây trong lưu vực phát triển các loại hình du lịch dã ngoại, thưởng ngoạn phong cảnh, vui chơi giải trí nhỏ lẻ dọc theo các sông suối tại thượng lưu sông Cu Đê. Nếu không quản lý tốt nguồn thải từ hoạt động này thì về lâu dài, đây có thể sẽ là một trong các yếu tố gây tác động đến chất lượng nguồn nước khu vực khai thác.
Hiện tại lưu vực thượng lưu đập Nam Mỹ không có khu công nghiệp (KCN) và các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Theo “Quy hoạch chung xây dựng TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” thì tại lưu vực thượng lưu đập Nam Mỹ cũng không phát sinh các KCN và tiểu thủ công nghiệp. Do đó, không phát sinh nước thải và chất thải do sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp thâm nhập vào nguồn nước của đập Nam Mỹ.
Ông có kiến nghị gì nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả của cư dân bản địa trong việc bảo vệ nguồn nước sông Cu Đê cho nhà máy nước Hòa Liên?
Chuyên gia Huỳnh Vạn Thắng:Bảo vệ và phát triển tài nguyên nước sông Cu Đê phải được gắn bó mật thiết với bài toán sinh kế của cộng đồng bản địa thông qua phát triển du lịch sông nước bền vững dựa vào cộng đồng. Hiện ở 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí đã thành lập 8 nhóm phục vụ du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng gồm: cồng chiêng, văn nghệ, ẩm thực, trekking, đan lát, hát lý, dệt thổ cẩm, thuyết minh với sự tham gia của 62 hộ dân.
Mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng ở 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí được thiết lập bài bản dựa trên sự hỗ trợ của các chuyên gia và kinh nghiệm, học tập tại miền Tây Bắc nước ta. Du khách sẽ thưởng thức ẩm thực, trekking, tắm thác, xem biểu diễn cồng chiêng, trải nghiệm dệt thổ cẩm và đan lát cùng 31 hoạt động hằng ngày của đồng bào Cơtu...
Đồng thời, chúng tôi kiến nghị chính quyền địa phương cần tiếp tục có những định hướng, kế hoạch để tập hợp lực lượng, thúc đẩy, huy động các nỗ lực chung tay hành động để bảo vệ nguồn nước sông Cu Đê, góp phần giữ gìn kho báu dự trữ nước của TP Đà Nẵng được trong xanh, ngọt lành cho hiện tại và cho muôn đời sau.
Cụ thể là cần sớm ban hành kế hoạch, tập trung vào các giải pháp chính sau để huy động sự cùng tham gia bảo vệ nguồn nước sông Cu Đê: Khẩn trương thành lập các nhóm, tổ cộng đồng dân cư bảo vệ nguồn nước sông Cu Đê; trong đó trọng tâm tại khu vực vùng bảo hộ vệ sinh khu khu vực cấp nước sinh hoạt của công trình khai thác nước mặt trên sông Cu Đê. Giám sát chặt chẽ việc xả chất thải từ các hoạt động dã ngoại, du lịch sinh thái đang phát triển khá sôi động trên phía thượng lưu đập Nam Mỹ trong thời gian qua;
Thúc đẩy các nỗ lực của cộng đồng bảo vệ nghiêm ngặt nguồn sinh thuỷ, bảo vệ rừng, chống xói mòn bề mặt trên lưu vực hồ chứa. Xây dựng quy chế phối hợp bảo vệ chất lượng nguồn nước sông Cu Đê và giám sát các các nguồn thải nguy hại có thể phát sinh từ hoạt động khai thác vàng trái phép phía thượng lưu. Tăng cường các hoạt động truyền thông về tài nguyên nước cho người dân bản địa để biết giá trị của nguồn nước sông Cu Đê để họ tự hào và chung tay bảo vệ.
Xin cám ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kết tinh cảm xúc đêm chung kết cuộc thi ‘Thước phim Đà Lạt’
Dalat Spring Concert mang huyền thoại âm nhạc thế giới biểu diễn thường niên tại Đà Lạt
Đà Nẵng khai mạc lễ hội đón giáng sinh, chào năm mới
Hàng trăm cây dừa được trồng, bãi biển Đà Nẵng thêm sức sống
Kiên Giang vận hành hệ thống camera giám sát giao thông