Xuất khẩu 7 tháng đầu năm: Lạc quan nhưng không chủ quan
Bến Tre cấp đông sầu riêng xuất khẩu / Lễ công bố xuất khẩu nhãn Sơn La năm 2019
Tín hiệu đáng mừng
Theo bà Nguyễn Thị Mai Linh - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu hàng nông - lâm - thủy sản - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hết tháng 7, kim ngạch XK hàng hóa đạt 145 tỷ USD, tăng 7,5%; nhập khẩu đạt 143,3 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2018; cán cân thương mại thặng dư 1,79 tỷ USD.
Hoạt động xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế |
Đáng chú ý, trong khi kim ngạch XK của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ tăng 5,7% thì kim ngạch XK của khối doanh nghiệp trong nước đã tăng đến 12,2%, cao hơn tốc độ tăng trưởng XK chung. Tăng trưởng XK của khối doanh nghiệp trong nước không đến từ khối nông sản mà đến từ các mặt hàng công nghiệp chủ lực như gỗ, dệt may, chất dẻo… Đây cũng là dấu hiệu đáng mừng cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu đã được cải thiện.
“Về thị trường, đa số thị trường XK của nước ta đã có tăng trưởng tốt như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, đặc biệt là các nước trong khối Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thể hiện những kết quả đáng ghi nhận bước đầu trong nỗ lực đa dạng hóa thị trường, tận dụng cơ hội từ hội nhập” - bà Nguyễn Thị Mai Linh cho hay.
Thông tin thêm về tình hình xuất nhập khẩu 7 tháng qua, ông Phan Sinh - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) - cho biết, trong bối cảnh thị trường thế giới gặp nhiều khó khăn, dự báo cả năm 2019, tăng trưởng XK sẽ khó có thể đạt mức đột phá như năm 2018. Thậm chí, trong vài năm tới, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cũng chỉ nằm trong phạm vi khoảng 7 - 9%, mức trên 10% là rất khó.
Tiếp sức cho các mặt hàng chủ lực
Riêng với mặt hàng gạo, 7 tháng qua, sự sụt giảm nhu cầu và giảm giá trên nhiều thị trường đã khiến XK gạo gặp không ít khó khăn. Do đó, thời gian qua, hoạt động điều hành XK gạo của các bộ, ngành đã bám sát mục tiêu tiêu thụ, kinh doanh XK gạo. Bộ Công Thương đã đồng thời hoàn tất kiểm tra năng lực cho 22 doanh nghiệp XK gạo theo yêu cầu của thị trường Trung Quốc, song song với đó, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận chính sách mở cửa của thị trường Philippines, từ đó gia tăng cơ hội XK. Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Mai Linh thông tin: “Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh XK gạo đã được thực thi nghiêm túc. Đến nay, Bộ Công Thương đã cấp giấy phép cho 177 doanh nghiệp kinh doanh XK gạo, tăng 44 doanh nghiệp so với thời kỳ thực hiện Nghị định 109/2010/NĐ-CP”.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường cung cấp thông tin thị trường, theo dõi các cam kết thương mại gạo đã ký với các quốc gia, khu vực như EU, EAEU, Mexico… từ các hiệp định thương mại tự do nhằm thúc đẩy tăng trưởng XK gạo.
Đối với mặt hàng đường, để chuẩn bị tốt thời điểm Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, đầu năm 2019, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Hiệp hội Mía đường để các thành viên hiệp hội có sự chuẩn bị phù hợp. Bộ Công Thương đã nhận được văn bản của Hiệp hội và các doanh nghiệp nêu rõ khó khăn khi thực thi ATIGA. Theo đó, Bộ Công Thương đã dự thảo văn bản gửi Văn phòng Chính phủ để góp ý về vấn đề này, trong đó có việc yêu cầu kiểm soát nhập khẩu, xin đấu giá thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN năm 2019. Năm 2019, hoạt động đấu giá thuế quan nhập khẩu đường dự kiến tổ chức vào quý IV để hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ đường trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Ông Phan Sinh chia sẻ thêm, cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đang dẫn đến nguy cơ gian lận xuất xứ hàng hóa, khiến các cơ quan chức năng giám sát chặt việc cung cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho hàng xuất khẩu ra nước ngoài có biểu hiện gian lận về xuất xứ. Riêng thị trường Trung Quốc đang siết chặt nhập khẩu biên mậu nên doanh nghiệp cũng cần lưu ý kiểm soát chặt về chất lượng và hợp đồng XK.
7 tháng đầu năm đã có 4 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm hơn 50% tổng kim ngạch gồm: Điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện, dệt may, giày dép. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo