Xuất khẩu bơ: Tiềm năng lớn nhưng phát triển chưa tương xứng
Xuất khẩu nông sản sang Anh: Doanh nghiệp Việt phải sản xuất theo Global GAP hoặc Euro GAP / Xuất khẩu nông sản có 'bắt' được đà phục hồi của thế giới?
Bơ sẽ là trái cây xuất khẩu nhiều nhất năm 2030
Theo báo cáo triển vọng nông nghiệp 2021-2030 của OECD-FAO, trên thị trường toàn cầu, quả bơ được dự báo là trái cây được xuất khẩu nhiều nhất vào năm 2030, đạt 30,9 triệu tấn, sẽ vượt qua dứa và xoài.
Trong đó, Mexico là thị trường sản xuất và xuất khẩu bơ lớn nhất thế giới. Dự báo sản lượng quả bơ của Mexico tăng trưởng bình quân 5%/năm trong vòng 10 năm tới. Xuất khẩu quả bơ của Mexico tăng là nhờ nhu cầu tiêu thụ mạnh tại Mỹ.
Bất chấp sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các quốc gia khác, Mexico dự kiến sẽ tiếp tục tăng tỷ trọng xuất khẩu quả bơ trên toàn cầu lên 63% vào năm 2030. Trong đó, Mỹ và EU là thị trường xuất khẩu chính của quả bơ của Mexico.
Tỷ trọng nhập khẩu bơ của Mỹ dự kiến chiếm 40% và EU chiếm 31% tổng trị giá nhập khẩu quả bơ trên toàn cầu vào năm 2030. Bên cạnh đó, nhập khẩu quả bơ cũng đang tăng nhanh ở nhiều thị trường khác như ở Trung Quốc và một số nước ở Trung Đông.
Dự báo vào năm 2030, bơ sẽ là trái cây được xuất khẩu nhiều nhất với tổng sản lượng đạt khoảng 30,9 triệu tấn.
Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
Bơ là loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao của nước ta, được trồng chủ yếu ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên và hiện nông dân vẫn tiếp tục mở rộng vùng trồng. Trong nhưng năm gần đây, diện tích trồng bơ ngày càng tăng, theo thống kê có khoảng 3.500ha, nhưng thực tế diện tích trồng bơ đã đạt khoảng 4.000ha.
Đắk Nông là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng bơ lớn của cả nước với diện tích gần 2.600 ha. Cây bơ dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí chăm sóc chỉ bằng 1/3 các loại cây lâu năm khác và với giá bơ ổn định như nhiều năm qua, mỗi hécta cho thu hoạch từ 300 - 500 triệu đồng/năm.
Theo các chuyên gia kinh tế, trái bơ Việt Nam không thua kém cả về chất lượng lẫn sản lượng so với các nước xuất khẩu bơ lớn của thế giới. Mặc dù có nhiều dư địa để phát triển song câu chuyện xuất khẩu cho trái bơ tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất vẫn là khâu bảo quản.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Sơn Hà - Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, hầu hết quả bơ tại Mỹ được tiêu thụ qua các siêu thị, với khối lượng lớn, do đó phải đáp ứng yêu cầu rất cao. Các công ty cung cấp quả bơ phải chịu trách nhiệm và có khả năng kiểm soát các khâu trong chuỗi cung ứng, từ sản xuất tới phân phối. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần bảo đảm có đủ các chứng chỉ chất lượng. Do quả bơ là một loại trái cây dùng để ăn liền, nên các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến các yếu tố an toàn thực phẩm.
Thời gian qua, công nghệ HPP (High pressure processing – Xử lý áp suất cao) mới được áp dụng thành công tại Mỹ, sẽ giúp các sản phẩm chế biến từ bơ giữ nguyên hương vị, chất dinh dưỡng, độ tươi ngon, đồng thời kéo dài thời gian sử dụng của sản phẩm. Nếu công nghệ này được áp dụng tại Việt Nam sẽ giải quyết được bài toán xuất khẩu cho quả bơ.
Theo ông Hồ Gấm- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông, nếu làm tốt công tác sản xuất, có sự đầu tư và cách tiếp cận thị trường phù hợp, quả bơ có thể sẽ nhanh chóng trở thành cây trồng có doanh thu xuất khẩu cao của nước ta.
Tuy nhiên, ngoài công nghệ tiên tiến, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các vùng trồng, người nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ bơ Việt Nam từ các quốc gia trên thế giới là rất lớn nhưng sản lượng bơ nước ta lại chưa đủ để cung ứng và chưa thể xuất khẩu số lượng lớn. Nếu khắc phục được những vấn đề trên thì lĩnh vực trồng và xuất khẩu bơ sẽ là một dư địa thị trường đầy tiềm năng cho ngành Nông nghiệp Việt Nam.
Để quả bơ Việt Nam có thể phát huy hết thế mạnh của mình, rất cần có các doanh nghiệp, đầu tư chế biến quả bơ, có biện pháp sơ chế, bảo quản để xuất khẩu. Công nghệ hiện đã có nhưng chưa có nhà đầu tư chế biến quy mô lớn, chưa có doanh nghiệp đầu tư chuyên sâu cho quả bơ. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố như hệ thống thu mua ở cơ sở, người hướng dẫn thu gom bài bản, xây dựng liên kết chuỗi sản xuất – tiêu thụ… nếu hội đủ các điều kiện trên thì mới giúp quả bơ vươn xa hơn nữa. Đối với sản phẩm không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sẽ bán giá thấp hơn dùng để chế biến thành bột bơ, dầu bơ, kem bơ và nhiều sản phẩm khác…
"Thời gian qua, phần lớn quả bơ được xuất khẩu đi Trung Quốc, thị trường châu Âu còn bỏ ngỏ bởi số lượng xuất đi không đáng kể", ông Hồ Gấm chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo