Văn hóa

Thứ đặc sản ở Thanh Hóa không dành cho người nhát gan

Những món ăn làm từ sâu rừng, chuột đồng, hay các loại côn trùng đã đủ khiến nhiều thực khách sởn gai ốc, nhưng người Mường ở miền Tây Thanh Hóa lại có một món ăn “độc” hơn, gây “sốc” hơn mà chỉ khách quý mới được thết đãi. Đó là đặc sản nòng nọc.

Miền Tây xứ Thanh đã quá nổi tiếng với các đặc sản như sâu măng chiên, chuột đồng nướng trui, nhái rừng… Nhưng ít ai biết rằng, món ăn mà người Mường ở vùng này yêu thích nhất chính là các món làm từ nòng nọc.

Theo tiếng địa phương, nòng nọc được gọi là bu bu hoặc bâu bâu. Những con nòng nọc béo mẫm, to bằng ngón tay chỉ để đãi khách quý hoặc chế biến khi trong nhà có việc gì đó trọng đại.

Ít ai nghĩ nòng nọc cũng có thể trở thành đặc sản. (Ảnh: Dammedulich365).

Vào khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 11 Âm lịch hàng năm, người địa phương thường vào rừng từ đầu giờ sáng hoặc lúc chiều muộn để bắt nòng nọc. Lúc này, nước ở các con suối mát và khá yên tĩnh, nòng nọc thường lượn lờ kiếm ăn ở các khe đá nhỏ. Nòng nọc tại đây có hương vị rất ngon bởi chúng là con do ếch đá sống trong rừng đẻ ra.

Dụng cụ dùng để bắt nòng nọc rất đơn giản, chỉ cần một chiếc dậm và một chiếc rỏ tre cùng lá khoắn làm mồi nhử. Người có kinh nghiệm chỉ cần khéo léo thả nhẹ từng chiếc lá khoắn vào một chiếc dậm đặt bên khe suối. Sau khi “ngửi” được hơi lá khoắn, hàng loạt nòng nọc từ trong các khe đá sẽ kéo nhau đến tìm ăn. Lúc này chỉ cần nâng nhẹ chiếc dậm, hứng ngược dòng suối là có thể bắt được vô số nòng nọc.

Công đoạn bắt nòng nọc rất đơn giản. (Ảnh: Internet).

Nòng nọc sau khi bắt về được rửa qua, dùng mũi dao nhọn gẩy nhẹ vào bụng, lôi phần lòng ruột cho ra ngoài rồi rửa sạch. Sau đó để cho ráo mới mang đi chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như: nấu canh với rau rừng; ướp với sả, ớt để xào, nướng… Nhưng món được yêu thích nhất phải kể đến nòng nọc om măng.

Tất cả nguyên liệu đều phải được chế biến ở dạng tươi mới tạo được vị ngon cho món ăn. Chế biến nòng nọc om măng không đòi hỏi nhiều công đoạn cầu kỳ, ngay nguyên liệu cũng rất đơn giản gồm mẻ, hành, mùi tàu và đặc biệt không thể thiếu măng rừng tươi.

Sau khi xào măng với mẻ cho chín tới, người ta đổ nước sôi vào nồi rồi trút bát nòng nọc vào đun sôi lại. Cuối cùng rắc hành, răm, mùi tầu lên trên, đợi vài giây là có thể bắc xuống ăn nóng cùng cơm hoặc làm mồi nhắm rượu.

 

Những vị khách ở xa thường có cảm giác hơi ghê khi được mời ăn nòng nọc lần đầu. (Ảnh: Dulichthanhhoa).

Những chú nòng nọc bụng trắng tinh, béo mẫm và mềm mại nằm ngon lành trên bát măng om nghi ngút khói là thứ đặc sản làm không ít người phải ngại ngần khi lần đầu thưởng thức. Nhưng nếu can đảm nếm thử, gắp một chú nòng nọc cho vào miệng, bạn sẽ thấy một mùi thơm đặc trưng, ăn vào thấy mềm ngọt, phảng phất đâu đó chút vị đắng nhẹ của măng rừng và nước dùng béo ngậy, đậm đà.

Người đồng bào khẳng định: “Các loại thịt gà, vịt, trâu, bò…cũng không thể ngon và bổ dưỡng bằng nòng nọc. Ngoài ra, các đồng ruộng được bà con không sử dụng thuốc hóa học nên nòng nọc rất sạch”. Số lượng bắt được ít và không phải lúc nào cũng có để bắt nên nòng nọc được coi là “đặc sản” của đồng bào nơi đây.

Nòng nọc rất được ưa chuộng vì hương vị thơm ngon và bổ. (Ảnh: Dammedulich365).

Nếu có dịp đến với bản Mường ở Thanh Hóa mùa nòng nọc, bạn đừng ngại ngần thưởng thức món ăn đậm chất núi rừng bên ly rượu cay cùng chủ nhà. Bạn cũng có thể mua mang về tại chợ họp ở khu vực huyện Thạch Thành, suối Vó Ấm chảy từ Vườn quốc gia Cúc Phương hoặc chợ phiên cửa khẩu quốc tế Na Mèo với giá từ 40.000 đến 50.000 nghìn một kg. Tuy nhiên khi về nấu dưới xuôi thì hương vị không thể sánh bằng.

Thực khách còn có thể thưởng thức các món ăn từ nòng nọc ở một số địa danh như Ba Tơ (Quảng Ngãi), Lâm Đồng hay Nghệ An…

Nên đọc
Theo Dân trí
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo