Văn hóa

Thú vị các món cá cúng đầu năm mới của người Thái ở Nghệ An

Người Thái ở miền Tây Nghệ An ăn Tết từ ngày 25 tháng Chạp đến hết ngày 10 tháng Giêng. Có nhiều tục độc đáo trong ngày Tết của người Thái, trong đó không thể thiếu tục cúng cá trong mâm cơm đầu năm mới.

Tết là dịp để người dân đồng bào Thái chưng diện những bộ váy thổ cẩm tự dệt đẹp nhất, tham gia vào nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ như đánh đu, ném còn, vũ hội rượu cần… Là dịp để các cụ già ngồi lại bên nhau hàn huyên, ôn lại những kỉ niệm đẹp của mình cùng con cháu, là cơ hội để trai làng gái bản hẹn hò, giao duyên, đây cũng là dịp để trẻ con được thỏa thích ăn no, mặc đẹp tung tăng khắp bản...

Họ bắt đầu ngưng các công việc nương rẫy và đi rừng vào cuối ngày 24, đến ngày 25 tháng Chạp. Mọi thành viên trong gia đình quây quần trong nhà, kiêng làm những công việc nặng, người phụ nữ lớn tuổi nhất được giao trọng trách xuống chợ, các thành viên còn lại trong gia đình chung tay sửa sang nhà cửa, hàng rào, cột cờ… chuẩn bị đón Tết.

Ngày Tết của đồng bào Thái ở Tây Nghệ  An có nhiều hoạt động văn hóa. Đặc biệt nhất vẫn là văn hóa ẩm thực. Các món ăn trong mâm cỗ ngày tết của người Thái được chuẩn bị rất bài bản, cầu kì và kĩ lưỡng. Những ché rượu cần đã được ủ từ 9 tháng trước, rượu nếp được nấu bằng men lá do chính đồng bào tự tay làm, ủ và chưng cất tỉ mỉ. Thức ăn chủ yếu là những sản vật núi rừng như sóc, chuột, thịt rừng giàng (gác bếp), măng khô, thịt chua, lạp xường, nếp rẫy… Nhưng trên các mâm cơm cúng ngày Tết của đồng bào dân tộc Thái không thể thiếu thịt lợn, thịt gà và đặc biệt là cá.

Mâm cúng tổ tiên trong ngày Tết của người Thái Tày Mường ở Nghệ An. Ảnh: Quốc Phòng.

Vào thời khắc giao thừa, các gia đình làm thịt gà cúng mời ông bà tổ tiên về nhà ăn tết. Sáng mồng 1 Tết là ngày quan trọng nhất, nên các gia đình đều  mời thầy mo đến nhà cúng gia tiên. Tùy theo phong tục và điều kiện của từng gia đình và địa phương, gia chủ chế biến những sản vật ngon nhất của gia đình để làm lễ cúng tạ ơn tổ tiên, cầu may phúc cho năm mới. Những gia đình khá giả thường làm hẳn một con lợn. Thịt lợn được chế biến thành nhiều món khác nhau, riêng thủ lợn được làm sạch sẽ luộc chín để dâng lên tiên tổ.

Cá được xem là món ăn không thể vắng mặt trên mâm cơm cúng tết của người Thái. Cá được đánh bắt từ sông suối hoặc mua về và chế biến kĩ càng thành nhiều món ăn khác nhau. Những con cá to được cắt thành khoanh, xông trên bếp 3 ngày, sau đó đem hông  thành món “pá giàng” (cá gác bếp) thơm ngon, dễ bảo quản.

Những con cá nhỏ đươc trộn cùng sả, rau thơm, nếp rẫy, mắc khẻn, gia vị…gói lá chuối hông lên thành món “pá moọc” (mọc cá), là đặc trưng văn hóa ẩm thực của người Thái. Cá được thái mỏng, ướp gia vị, nhúng vào nước lá du da rừng làm nên món lạp cá thơm ngọt. Cá cho vào ống nứa lam, nấu canh lá xồm lôm (giang), cá kho…

Phụ nữ đồng bào Thái ở bản Lườm, xã Yên Thắng, huyện Tương Dương chuẩn bị thức ăn trong ngày Tết. Ảnh: Hồ Phương.

Riêng món cá nướng được chế biến rất cầu kì, phải tuân thủ những quy định chặt chẽ theo phong tục từ xa xưa để lại. Cá nướng khi mổ tuyệt đối phải xẻ dọc theo sống lưng chứ không mổ bụng như ngày thường, rồi lấy ruột rửa sạch. Sau khi mổ, cá được banh rộng ra, kẹp tre nướng chín thành món “pá phẻ” (cá chẻ), hoặc cho các loại gia vị, lộc thơm vào bụng cá nướng thành món “pá tộp”(cá gấp), hay được khứa dọc sườn ướp muốn nướng thành món “pá pính diệt”. Cá không yêu cầu phải to, nhưng bất cứ gia đình nào cũng phải có ít nhất 7 con cá và 3 món cá nướng trong mân cơm cúng ngày Tết.

Sau khi cúng xong, cả gia đình quây quần bên mâm cơm đầu năm, từ trẻ nhỏ đến người già, ai cũng được thưởng thức món cá để cầu may. Ăn uống xong, các thành viên trong gia đình mới bắt đầu đi chơi tết.

 

Cụ Hà Vĩnh Hoa, một người già bản Khe Choăng, Châu Khê, Con Cuông cho biết, phong tục cúng cá đầu năm là truyền thống lâu đời xuất phát từ lòng tưởng nhớ và biết ơn tổ tiên nguồn cội xa xưa, khi những bản làng dân cư người Thái bắt đầu hình thành ven những con sông, con suối.

Với người Thái, ngoài cúng ngày mồng 1, còn có một ngày khác không kém phần quan trọng đó gọi là ngày “làm tết”. Mỗi gia đình người Thái thường chọn một ngày tổ chức ăn uống linh đình nhất trong dịp tết. Vào ngày này, gia đình sẽ chuẩn bị các món ăn theo phong tục, mời thầy cúng, anh em, bạn bè, xóm giềng đến ăn uống, chung vui rượu cần.

“Bắt nhịp với nếp sống mới, nhiều phong tục cũ đã dần dần mai một, riêng tục cúng cá đầu năm vẫn được duy trì trong mỗi gia đình người Thái, như một nét đẹp văn hóa bản địa sống mãi với đồng bào Thái chúng tôi” - Cụ Hoa cho biết thêm.

Nên đọc
Theo Báo Nghệ An
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo