Văn hóa

Thực hư chuyện cây gạo biết kêu đau ở Đồ Sơn

Nhiều năm nay, người dân ở làng Quý Kim, phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn, Hải Phòng vẫn coi cây gạo ở miếu Chân Kim là nơi linh thiêng, nơi trú ngụ của thần thánh.

Cây gạo phát ra tiếng kêu

Ngay đầu làng Quý Kim có miếu Chân Kim, bên cạnh miếu là gốc cây gạo lá xanh, tán rộng, giữa khoảng thân cây cao gần 2m có một vết đen và trên vết đen đó mọc ra một cây bồ đề rất lạ. Có lẽ vì thế mà người trong địa phương đồn thổi nhiều câu chuyện li kỳ xung quanh cây gạo này.

Làng Quý Kim vốn là làng thuần nông. Dù thay tên đơn vị hành chính nhưng ở đây vẫn đậm chất thuần nông. Người dân vẫn kể với nhau những câu chuyện tâm linh, văn hóa trong đó có gốc cây gạo ở ngay đầu làng.

Bà Phạm Hiện, một vị cao niên của phường Hợp Đức kể lại rằng, ngày trước cây gạo này nằm ở giữa khu đất trống, người dân thưa thớt nên gốc gạo luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người dân đi qua. Từ ngày bà còn bé, không ai bảo ai, mỗi lần đi qua cây gạo này ai cũng chạy cho thật nhanh vì cây gạo phát ra tiếng kêu.

Chuyện được cụ ông có tên Thân kể lại rằng người dân trong thôn cũng như cả phường Hợp Đức không ai dám động vào cây gạo vì sợ bị báo oán. Câu chuyện không biết thực hư như thế nào, không được sử sách ghi lại mà họ truyền tai có một người đàn ông tên Trìu từng sinh sống ở làng Quý Kim. Gia đình quá nghèo, nhà ông Trìu đến củi đun cũng không đủ. Nghĩ cây gạo như các loại cây khác, ông cầm rìu ra chặt cành lá về phơi khô đun. Đúng một năm sau, vợ ông sinh một đứa con dị dạng. Mặt mày không ra mặt người mà như một cục thịt. Mồm, mắt, mũi đều không có. Chân tay dính chặt vào nhau tròn vo như Sọ Dừa. Từ đó, người dân trong làng tin rằng do ông Trìu đã chặt cành cây gạo nên vợ ông mới đẻ ra cục thịt.

Gốc cây gạo trở thành ám ảnh với người dân, không ai dám động vào. Người ta không thể tính được tuổi của nó mà chỉ biết rằng theo năm tháng những câu chuyện thần linh gắn vào gốc gạo và miếu Chân Kim ngày càng nhiều lên.

Cách đây vài chục năm, gốc gạo bị sét đánh cháy đen. Củi cây gạo không ai dám động vào. Người dân ai cũng nghĩ cây gạo khó sống tiếp được. Chưa đầy 1 năm sau, từ những vết sẹo đen đó, cành lá mọc ra sum suê che kín cả một khu vực. Ở giữa thân cây một cây đề mọc ra và bám chặt vào thân cây gạo. Cây đề sống ký sinh ở cây gạo xanh tốt và lá đề hòa vào lá gạo. Người lạ đến khó nhận biết được cây nào.

Từ sau khi có sự cộng sinh đó, người dân trong vùng lại thêu dệt thêm câu chuyện mới, cây gạo bị ông trời đánh nên trời trả lại người dân Quý Kim cây đề. Sau đó, người dân còn kể rằng vào một đêm trời mưa, có đàn lợn khoảng hơn chục con chạy quanh gốc gạo kêu nhưng không ai bắt được. Người dân không biết lợn từ nhà nào chạy ra. Nhà ai có lợn con kiểm tra chuồng đều không thấy mất. Sợ lợn bỏ đi mất, người ta đã dùng lưới quây. Nhưng đến sáng ra, lưới còn nguyên nhưng lợn không thấy đâu. Từ sau ngày đó, dưới gốc cây gạo được xây thêm một miếu thờ nhỏ.

Gốc gạo ở đền Mõ được người dân xem như có cùng niên đại với gốc gạo ở làng Quý Kim. Ảnh: TL.

Xin vỏ cây khô về chữa bệnh

Ngôi miếu thờ được người dân lập nên để thờ bà chúa cây gạo. Những năm trước, người dân sống quanh đây còn ít, nhiều trai làng đi chơi khuya về kể rằng họ gặp người phụ nữ tóc dài bay từ xa về đậu ở ngọn cây gạo. Chính vì thế, hình ảnh bà chúa gạo được người dân Quý Kim tin rằng có thật. Họ cẩn thận nên khi khách lạ đến làng đều kể cho nghe câu chuyện về gốc gạo để không ai động chạm đến thần linh kẻo bị thần linh quở.

Không chỉ những câu chuyện li kỳ về cây gạo báo oán, những người dân xung quanh làng Quý Kim còn truyền tai nhau bài thuốc quý từ gốc cây gạo. Hàng tháng vào những ngày như Rằm, Mồng Một, người dân vẫn đến gốc gạo cầu an, cầu tài, cầu tự. Ngoài ra, gia đình nào có người ốm đau, đau xương khớp, bong gân, gãy chân... họ ra cầu xin một ít vỏ cây khô của gốc gạo rồi mang về rang khô, giã nhỏ đắp vào vết thương là sẽ không còn đau đớn.

Bài thuốc chữa bệnh bằng vỏ cây gạo không có trong cuốn sách đông y nào nhưng người dân nơi đây tin rằng “cây thần, cây thánh” nên họ coi đó là bài thuốc quý. Họ nói, ai muốn xin thuốc phải cầu cúng, xin cẩn thận nếu tự ý lấy mang về có khi bệnh còn nặng hơn.

Cây gạo của làng Quý Kim được người dân coi là cây gạo thứ hai ở Hải Phòng có thờ bà chúa gạo vì người dân so sánh với cây gạo ở đền Mõ, tại xã Ngũ Phúc huyện Kiến Thụy nơi thờ công chúa Quỳnh Trân nổi tiếng xinh đẹp, hiền đức dưới thời nhà Trần. Chán cảnh cung cấm, dù sống trong nhung lụa, nhưng đầy nỗi cô đơn, phiền muộn, công chúa Quỳnh Trân thường cùng người hầu cải trang đến nhiều vùng, tìm thú vui nơi cuộc sống dân dã. Một hôm, khi qua làng Nghi Dương thuộc huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn (nay là xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy), thấy mảnh đất “địa linh nhân kiệt” hình con nhạn đang bay, có núi non, sông nước mênh mông, liền xin với vua cha cho lập am tu hành. Thương con chẳng nỡ xa, nhưng trước sự quyết tâm của công chúa, vua cha ngậm ngùi mà gật đầu đồng ý.

 

Di tích đền Mõ và gốc gạo của đền cũng được trồng từ ngày đó nên người dân ở làng Quý Kim cho rằng gốc gạo của họ cũng cùng thời với gốc gạo ở đền Mõ. Họ thêu dệt nên những câu chuyện xung quanh gốc gạo này như chuyện đàn lợn không cánh mà bay, chuyện chặt gốc gạo về đẻ ra cục thịt, chuyện bà chúa gạo bay về ngự ở gốc gạo hay như lấy vỏ cây nghiền ra chữa bệnh.

Hiện nay, phường Hợp Đức đang lên kế hoạch mời các nhà nghiên cứu sử học về đo tuổi của gốc gạo này và nghiên cứu thực về giá trị của cây gạo. Đền Chân Kim cũng được cấp bằng di tích lịch sử cấp TP và coi đây là nơi gìn giữ nét văn hóa tâm linh của người dân địa phương chứ không phải là nơi để người dân đồn đoán về những câu chuyện li kỳ đó.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Đình Luận – Chủ tịch UBND phường Hợp Đức cho biết, cây gạo ở miếu Chân Kim thuộc tổ dân phố Quý Kim bị sét đánh là có thực. Cây gạo ở đó có niên đại ngang với cây gạo ở đền Mõ huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Gốc cây cũng to như thế nên một số người đồn thổi những câu chuyện mê tín dị đoan.

Nên đọc
Theo Pháp luật & Xã hội
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo