Văn hóa

Thực hư “lời nguyền tử thần” ở hồ Đá làng đại học Thủ Đức

Từ lâu, người dân và sinh viên làng đại học Thủ Đức vẫn thường gọi khu vực hồ Đá là “hồ ma ám”, “hồ tử thần”, bởi hầu như năm nào cũng có người bỏ mạng tại đây.

Lạ một điều, dù đã có rất nhiều lời cảnh báo nguy hiểm, thậm chí cơ quan chức năng còn làm hàng rào chắn xung quanh nhưng vẫn có rất đông người tìm đến hồ Đá để vui chơi giải trí. Và cứ thế “lịch sử hồ Đá” lại tiếp tục ghi thêm nhiều cái chết “bất đắc kỳ tử”, khiến người ta đồn đại rằng những oan hồn nơi đây đã quyến dụ người dương gian tìm xuống đáy hồ lạnh lẽo.

“Xoáy nước bí ẩn” giữa lòng hồ

Hồ Đá thuộc địa bàn thị xã Dĩ An, Bình Dương, nằm trong Làng đại học Thủ Đức, cách trung tâm TP.HCM gần 15 km. Xưa kia, nơi đây là vùng đất hoang vu, dân cư thưa thớt và là công trường thác đá cung cấp cho ngành xây dựng. Đến năm 1993, công ty khai thác đá di dời đi và để lại 3 hố sâu hoắm không hề san lấp. Sau vài năm, nước mưa đọng lại, cộng với các mạch nước ngầm re rắt chảy vào đã biến 3 hố sâu trở thành vùng chứa nước ngọt rộng lớn. Do bờ hồ có rất nhiều vách đá cao, xung quanh đá nhô lên lởm chởm… nên dân trong vùng quen gọi nơi đây là hồ Đá.

Trước kia, người dân thường đến hồ Đá để lấy nước ngọt về sinh hoạt, nhưng đã có rất nhiều trường hợp “một đi không trở lại” do sẩy chân rơi xuống hồ rồi bỏ mạng giữa dòng nước thẳm sâu, lạnh lẽo. Lạ một điều, là hầu như ít có ai rơi xuống hồ này mà sống sót nổi. Mặc dù thoạt nhìn hồ Đá có vẻ như rất an toàn bởi mặt hồ phẳng lặng như tờ, nước trong vắt, không hề có dòng chảy mạnh, hay xoáy nước nguy hiểm.

Do quá nguy hiểm, chính quyền địa phương đã dựng rào chắn, đóng biển cấm tại hồ Đá.

Nhưng càng ngày, người chết tại hồ Đá lại càng nhiều, khiến người dân vô cùng khiếp sợ. Do có quá nhiều vụ tai nạn chết đuối, cũng như sự hiểm nguy ẩn mình sau cái vẻ thơ mộng, yên bình của hồ Đá đã khiến người dân nơi đây đồn đại rằng khu vực này là “hồ ma ám”. Rằng, do có quá nhiều người chết oan nên vong hồn không siêu thoát được mà cứ lởn vởn bên hồ và “kéo” người dương gian xuống nước. Số khác lại cho rằng, giữa lòng hồ có nhiều “xoáy nước bí ẩn”, nên dù người rơi xuống có bơi giỏi đến đâu cũng không thoát nổi, rồi đành phải xuôi tay “làm mồi” cho hà bá. Từ đó, không ai dám bén mảng đến hồ nước mang “lời nguyền tử thần” này nữa.

Cho đến khi làng Đại học Thủ Đức được hình thành, cư dân cũng như sinh viên đổ về đây ngày càng đông đúc hơn thì hồ Đá lại trở thành nơi vui chơi, giải trí nhộn nhịp bậc nhất nơi đây. Và tin đồn về “lời nguyền tử thần” tại hồ Đá lại rộ lên, bởi hầu như năm nào cũng có rất nhiều người chết đuối giữa hồ. Nạn nhân đa phần là sinh viên, công nhân sinh sống xung quanh, mỗi buổi tối thường tìm ra hồ Đá vui chơi, hóng mát, tâm sự rồi trượt chân té xuống hồ. Không ít trường hợp người chết do nhảy xuống hồ tắm bị đá ngầm va vào đầu, bị chuột rút không bơi được vào bờ…

Càng rùng mình hơn, khi “hồ tử thần” còn là nơi chứng kiến nhiều vụ tự vẫn vì tình của sinh viên, để lại nỗi ám ảnh khôn nguôi cho người ở lại. Trong đó, đáng buồn nhất phải kể đến kết cục bi thảm của Lê Quang H. chàng sinh viên năm cuối của trường đại học Nông Lâm. H. thầm yêu cô gái cùng trường, học sau anh 1 khóa. Tình yêu càng nồng thắm khi H. lấy hết can đảm tỏ tình với người trong mộng và được cô gái e lệ gật đầu.

Như những đôi lứa sinh viên tại Làng đại học Thủ Đức, H. cũng hay đưa người yêu ra hồ Đá để dạo gió, tâm sự. Hồ Đá trở thành nơi lưu dấu rất nhiều kỷ niệm yêu đương, cũng như bao lời thề nguyền tình tự của đôi trai gái trẻ. Nhưng cũng chính hồ Đá lại là nơi H. kết liễu đời mình vì một phút nông nổi của kẻ đau tình. Hôm ấy, như thường lệ, H. cùng người yêu ngồi bên bờ hồ tâm sự. Do còn mấy tháng nữa là ra trường, nên H. ngỏ lời cưới. Cô gái không đồng ý, vì cho rằng hai người còn quá trẻ, tương lai chưa tới đâu, cưới xin sẽ khiến cuộc sống sau này thêm khó khăn.

Do bất đồng quan điểm, đôi tình nhân bắt đầu lời qua tiếng lại với nhau. Cô gái giận dỗi bỏ về, còn H. cương quyết ở lại bên bờ hồ. Ngay sau đó, H. đã để lại tư trang cá nhân trên bờ, kể cả những tập vở còn dở dang nét mực, rồi lao xuống hồ tự vẫn. H. không phải là trường hợp cá biệt, rất nhiều cô cậu sinh viên, tuổi đời còn phơi phới, do vô tình hay cố ý đã nằm lại dưới đáy hồ sâu hun hút này.

 

Năm nào cũng có người chết tại hồ Đá, có lần, người ta còn vớt được thi thể của 4 cô công nhân chết đuối trong tư thế ôm chặt lấy nhau… 4 cô gái này cuối tuần rủ nhau ra hồ Đá chụp hình làm kỷ niệm, 2 cô không may trược chân rơi xuống hồ, 2 cô còn lại nhảy xuống tìm cách cứu bạn và cả 4 đều bị dòng nước “tử thần” kia nuốt chửng.

Xác định hồ Đá là nơi nguy hiểm, cơ quan chức năng đã dựng rào chắn, biển cảnh báo nhưng sinh viên và người dân vẫn cứ đổ về, và tai nạn chết người bên “hồ tử thần” lại xảy ra.

Giải mã “lời nguyền tử thần”

Càng nhiều cái chết oan khuất tại hồ Đá thì lại càng nhiều tin đồn rùng rợn về “hồ tử thần” được dựng lên. Vì quá tin vào lời đồn đại, nhiều sinh viên lẫn người dân đã tìm đến bên bờ hồ cầu cơ, cầu hồn, xin số. Có người còn dám khẳng định đã từng thấy “hồn ma bóng quế” lẩn khuất nơi này và chỉ chực chờ người dương trần đến gần, sẽ quyến dụ, hoặc “đẩy” họ rơi xuống nước để “thế mạng” cho mình. Sở dĩ, lời đồn nhảm nhí trên hình thành là bởi người ta khó có thể giải thích tại sao có quá nhiều cái chết tại khu vực hồ Đá.

Trên thực tế, nhiều người dân sống lâu năm tại đây cho biết, họ hoàn toàn không tin vào chuyện ma quỷ ám tại hồ Đá. Và cũng không có gì là khó hiểu khi hồ Đá lại gây ra nhiều cái chết “bất đắc kỳ tử” đến như vậy. Ông Phan Văn Hai, ngụ phường Bình An, Dĩ An, Bình Dương cho biết: “Chuyện về “lời nguyền tử thần” cũng là cách để người dân quanh đây hù dọa con trẻ, nhằm ngăn chúng đến gần hồ Đá. Năm nào cũng có trẻ nhỏ chết ở đó, nên việc bịa chuyện ra để dọa tụi nhỏ dễ hiểu thôi mà”.

 

Dù biết nguy hiểm tiềm tàng, rất nhiều sinh viên vẫn leo lên các vách đá để vui chơi.

Theo người dân nơi đây, cũng như quan sát của chúng tôi thì quanh bờ hồ có rất nhiều dốc đá lởm chởm, cheo leo, mũi đá nhọn hoắt… Chỉ cần bất cẩn, rất dễ vấp phải đá và rơi xuống lòng hồ.

Ông Nguyễn Tấn Tài, 54 tuổi, ngụ tại Dĩ An, Bình Dương, là thợ lặn có thâm niên cho biết: “Nếu mà rớt xuống hồ, may mắn không bị đập đầu vào đá thì cũng khó lòng mà sống sót nổi, vì nhìn mặt hồ yên vậy thôi, chứ nguy hiểm vô cùng”. Ông Tài giải thích, nước tại Hồ Đá quá lạnh, do bị bao quanh bởi những bức tường đá, nên khi rơi xuống, người ta khó thể thích ứng ngay được với nhiệt độ và dễ dàng bị chuột rút. Vì mặt nước hồ là “nước đứng”, nghĩa là không có dòng chảy, nên người bị chuột rút khó lòng nương theo dòng chảy để từ từ bơi vào bờ. Nếu không bình tĩnh xử lý thì càng vùng vẫy lại càng dễ bị chìm sâu xuống đáy.

Đây cũng là nguyên do khiến người dân hay đồn đại về những “xoáy nước bí ẩn” nuốt chửng người ở giữa lòng Hồ Đá. Hơn nữa, dưới đáy hồ là đá nhọn lởm chởm và vô số các hố lớn nhỏ, độ nông sâu khác nhau. Ông Tài lắc đầu nói: “Tôi đã bao nhiêu năm làm nghề lặn, mà chưa thấy chỗ nào nguy hiểm tiềm tàng như cái hồ Đá này. Nhìn mặt nước yên ả nhưng dưới đáy nước lạnh như đá, trong bán kính chừng 3 mét mà có nơi nước chỉ đến đầu gối, ngang hông, còn có chỗ hố sâu đến hơn hai chục mét. Bởi vậy, mấy đứa sinh viên cứ tưởng gần bờ là cạn, nhảy xuống tắm, sập hố một cái hụt chân là chỉ có chết”. Cũng theo ông Tài ước tính, thì chỗ sâu nhất của hồ có thể hơn 50m.

Do hồ Đá có địa thế quá nguy hiểm, nên ngoài rào chắn, biển báo, chính quyền địa phương còn tăng cường thêm dân phòng, lực lượng bảo vệ ngày đêm túc trực tại đây. Thế nhưng, tai nạn thương tâm vẫn cứ xảy ra, nguyên nhân chính chỉ vì người dân, các em sinh viên quá chủ quan, coi thường tính mạng. Và dù nguyên nhân của những cái chết tại hồ Đá đã được lý giải cặn kẽ nhưng tin đồn về “lời nguyền tử thần”, “xoáy nước nuốt người” lại có sức lan tỏa nhanh hơn, rộng rãi hơn.

Điều này khiến người dân không tận tường được sự nguy hiểm của khu vực hồ Đá, cũng như tạo tâm lý tò mò, muốn tìm đến khám phá xem nơi đây “bí ẩn” kiểu gì, “ma ám” ra sao. Vì thế, sau bao nhiêu cái chết trước mắt vì xem thường hồ Đá mà vẫn có kẻ liều mạng nhảy xuống tắm, bơi thi… để rồi bỏ mạng vĩnh viễn dưới lòng “hồ tử thần”.

 

Nên đọc
Theo Xã hội
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo