Doanh nghiệp - Doanh nhân

Tỉ phú nông dân Sài Gòn: Đưa hoa kiểng ra nước ngoài

Dù nông nghiệp TP.HCM chịu áp lực của xu hướng đô thị hóa, không có lợi thế về đất đai nhưng vẫn có rất nhiều nông dân sáng tạo, áp dụng khoa học kỹ thuật, tổ chức những mô hình sản xuất hiệu quả, trở thành những tỉ phú giữa đô thị phồn hoa.

Ông Trịnh Minh Tân không ngừng tìm cách nâng cao giá trị cây cảnh - Ảnh: C.N

 
Thu nhập từ hoa kiểng vài tỉ đồng mỗi năm nhưng ông Trịnh Minh Tân chưa muốn dừng lại mà lên kế hoạch xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
 
Ông Tân tiếp chúng tôi trong khu vườn ở xã Tân Phú Trung (H.Củ Chi, TP.HCM). Nơi đây mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng chục ngàn sản phẩm hoa kiểng các loại.
 
Khoảng 20 năm trước, ông Tân chọn nơi này làm vườn ươm cây kiểng, diện tích ban đầu là 2 ha. Công việc làm ăn thuận lợi, ông dần mở rộng diện tích lên 5 ha, sau đó thuê thêm 3 ha. Hiện ông đang trồng trên 100.000 sản phẩm hoa kiểng với nhiều chủng loại khác nhau. “Vườn của tôi ngoài số lượng lớn còn có vài thứ khá đặc biệt mà người ta chưa có. Như cây cam Nhật, đặc biệt vì nó đòi hỏi kỹ thuật cao và người trồng phải am hiểu đặc tính sinh trưởng của cây. Tôi nhập về từ năm 2004 và đang tiếp tục nhân giống đến khi đạt số lượng lớn sẽ cung cấp ra thị trường”, ông Tân tự hào.
 
“Bán mà không buông”
 
Từ năm 2005, Hội Nông dân TP.HCM đã mời ông Tân mở lớp dạy nghề trồng hoa kiểng cho nông dân, mỗi năm 2 - 3 lớp. Ông cũng làm giám khảo trong các cuộc thi hoa kiểng lớn. Tính ông lúc nào cũng say mê học hỏi, nghiên cứu những cách làm mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Gần đây, ông đã đầu tư dây chuyền tưới nhỏ giọt cho hoa kiểng thay cho hệ thống tưới phun kiểu cũ. “Làm nghề gì cũng cần phải thường xuyên học hỏi, là nông dân lại càng phải học nhiều hơn chứ không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm như trước đây”, ông Tân tâm sự.
 
Vào thời điểm này, cũng như nhiều nhà vườn trồng hoa kiểng khác, ông Tân đang gấp rút chuẩn bị sản phẩm để tung ra thị trường dịp tết sắp tới. Không chỉ đưa sản phẩm tiêu thụ ở các cửa hàng hoa kiểng, ông còn mở trang web www.cuahangcaycanh.com bán hàng trực tuyến. “Khoảng 2 năm nay, việc bán hàng qua mạng chiếm 60 - 70% tổng số lượng sản phẩm xuất vườn. Thật sự tôi cũng không ngờ việc bán hàng qua mạng lại thành công như vậy. Cũng nhờ mấy đứa con tôi hỗ trợ”, ông Tân bật mí.
 
Một nguyên tắc giúp ông kinh doanh thành công là “bán mà không buông”, có nghĩa là bán xong tiếp tục bảo hành, chăm sóc khách. Ông Tân còn cung cấp dịch vụ thiết kế vườn, cây công trình, tường xanh... cho khách.
 
Tự đi tìm thị trường ngoại
 
Xuất thân trong gia đình có nghề làm cây giống, cây cảnh ở Cái Mơn (H.Chợ Lách, Bến Tre), nhiều lần mang sản phẩm lên TP.HCM bán, ông Tân nhận thấy nếu ở quê một sản phẩm giá chỉ có 500 đồng thì ở thành phố này tới 5.000 đồng. Vì vậy, ông quyết định lên Sài Gòn lập nghiệp. Sau 30 năm, giờ “chắc chân” ở Sài Gòn, ông lại nghĩ đến các thị trường nước ngoài, nơi hoa kiểng có giá rất cao. Vậy là năm ngoái, ông khăn gói sang Mỹ để tìm hiểu thị trường.
 
Ông Tân kể: “Một cây thuộc loại trung bình ở mình giá khoảng 200.000 đồng thì bên đó có giá cả ngàn đô la là hết sức bình thường”. Tuy nhiên, ông nhận thấy việc xuất khẩu vào thị trường này không phải dễ, luật lệ mỗi bang lại khác nhau, có nơi cho nhập, nơi không. Thế là ông quay sang tìm hiểu thị trường Úc. “Thị trường này khá dễ, họ chỉ loại trừ những cây có múi vì sợ lây bệnh cho cây ăn trái bản địa. Nhu cầu chơi hoa kiểng ở đây đang phát triển, giá thành cũng rất tốt, nếu đưa được hàng qua đó bán chắc chắn sẽ có lời không thua kém ở Mỹ. Tôi đang nhờ luật sư tư vấn, hỗ trợ về thủ tục pháp lý để thực hiện kế hoạch của mình. Dự định đầu năm sau tôi sẽ sang đó tìm hiểu kỹ về thị trường một lần nữa rồi quyết định”, ông Tân nói.
 
 

 Đang hình thành lớp nông dân đô thị

 

Theo ông Trần Trường Sơn, Phó chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, trong những năm gần đây, có thể thấy thay đổi lớn nhất của bà con nông dân thành phố chính là sự tiến bộ về tư duy. “Bà con rất tích cực học tập để nâng cao kiến thức và liên kết với nhau để tiêu thụ sản phẩm. Bắt đầu đầu tư sản xuất quy mô lớn theo hướng hàng hóa thay cho cách làm nhỏ lẻ truyền thống, không ngừng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất và gắn sản xuất với thị trường, cung cấp những cái mà thị trường cần”, ông Sơn nói.
Theo Thanh niên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo