Tiệc “ngoại” cho khán giả Việt: Săn tìm “món ngon”
Nhìn vào danh mục các sự kiện văn hóa - giải trí hằng tuần tại hai thành phố lớn của VN, không khó nhận ra rất nhiều chương trình - từ điện ảnh, âm nhạc đến mỹ thuật - là do các cơ quan văn hóa của nước bạn tại VN tổ chức. Khán giả Việt cũng hình thành một thói quen mới trong thưởng thức văn hóa.
Săn tìm “món ngon”
Theo số lượng thống kê tổng hợp từ Viện Pháp, Hội đồng Anh, Viện Goethe, Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, trong năm 2014 có tổng cộng gần 300 chương trình biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, hòa nhạc, triển lãm...
Trong đó, Viện Pháp có 15 buổi biểu diễn, 4 triển lãm, 14 buổi giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật, sách văn học, lịch sử... Hội đồng Anh trình diễn 6 chương trình nghệ thuật, thời trang, cùng với đó là hàng chục buổi chiếu phim ở nhiều tỉnh thành trên toàn quốc.
Riêng Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc đã tổ chức đến 68 chương trình biểu diễn nghệ thuật, 14 triển lãm, 45 buổi tổ chức chiếu phim cùng với 3 liên hoan phim trong năm. Hầu hết đều được đầu tư kỹ lưỡng về chất lượng.
Dù các chương trình giao lưu văn hóa không quảng cáo rầm rộ, băngrôn, biểu ngữ, các cơ quan giao lưu văn hóa nước ngoài tại VN cho hay khác với cảnh èo uột, trống trải người xem của các năm trước, một vài năm trở lại đây khán giả VN bắt đầu chủ động săn tìm, đón nhận nồng nhiệt các chương trình của nước bạn.
Lượng khán giả trẻ tìm đến ngày một đông, hằng tháng nhiều người còn điện hỏi lịch để biết theo dõi. Nhiều buổi biểu diễn, hòa nhạc, chiếu phim miễn phí lẫn thu vé đều chật kín ghế ngồi. Có chương trình dù lịch diễn hai ba buổi cũng “cháy vé”.
Ðiều đặc biệt, chính các bữa tiệc ấy đã hình thành nên một bộ phận khán giả VN có thói quen săn “món ngon” từ các nước.
Công chúng yêu thích chương trình nước ngoài ở TP.HCM đã quen thuộc với sự xuất hiện của anh Trần Quang Hưng (Q.10, TP.HCM) tại nhiều chương trình biểu diễn hòa nhạc, múa kịch hay chiếu phim của Hội đồng Anh, Viện Goethe, Viện Pháp...
Anh thường xuyên theo dõi Facebook, trang web của các tổ chức này để không sót chương trình. Qua hàng trăm chương trình đã xem, anh Hưng cảm nhận mỗi chương trình mang một nét đặc sắc riêng, giúp anh hiểu nhiều nền văn hóa ngay ở VN.
Bản thân nghệ sĩ đến từ những vùng đất xa xôi thật sự đầu tư kỳ công. Họ cháy hết mình trong mỗi buổi diễn. Có những vở múa, buổi hòa nhạc đương đại tỏa năng lượng, cảm xúc mê hoặc khán giả đến phút cuối cùng.
Mỗi buổi diễn anh đều chia sẻ thông tin qua Facebook cá nhân để kéo bạn bè cùng thưởng thức. Hầu hết bạn bè anh tham gia một vài chương trình đã thật sự bị lôi cuốn, trở thành fan ruột như anh.
“Mời được các đoàn nghệ sĩ đẳng cấp đến VN biểu diễn thật sự là cơ hội may mắn, hiếm hoi cho khán giả VN. Bởi ngay trên đất nước của họ, nhiều khán giả còn khó mua được vé bởi lượng fan lớn và giá vé rất cao” - anh Hưng bày tỏ.
Nếu một năm trước nhiều khán giả còn đặt câu hỏi tại sao bán vé ở các chương trình giao lưu văn hóa, hiện giờ sự đắn đo đã dần mất bởi những chương trình mang tới hoàn toàn xứng đáng để bỏ tiền ra xem.
Nguyễn Thị Hạnh, sinh viên năm 3 Trường đại học Hà Nội, cho biết: “Mình thường xuyên theo dõi và tham gia các sự kiện văn hóa diễn ra tại Hà Nội qua trang web Hanoi Grapevine cũng như đăng ký nhận tin tức của các trung tâm văn hóa nước ngoài ở VN qua email.
Thường những chương trình văn hóa, nghệ thuật của nước ngoài từ châu Âu đến châu Á mình đều rất quan tâm đón xem. Bản thân mình cũng bỏ tiền ra mua vé để tham gia nhiều sự kiện vì đó đều là những chương trình đáng xem.
Chương trình ấn tượng gần đây mà mình vẫn nhớ là buổi hòa nhạc của đoàn trống Bati - Holic của Nhật Bản, chương trình Tuần văn học Nhật Bản ở VN”. Với nhiều khán giả Việt, xem nghệ sĩ nổi tiếng ở nước ngoài biểu diễn với mức vé 100.000-200.000 đồng thì quá hời.
Chọn mặt gửi vàng
Ðể mang đến VN những chương trình hấp dẫn, đặc sắc đại diện một vùng văn hóa xứ sở là sự chọn lọc đầy kỹ lưỡng, công phu của những người được giao nhiệm vụ “sứ giả” văn hóa.
Ðó là một nhiệm vụ không dễ dàng, bởi nói như bà Lê Anh Thơ - phó giám đốc Hội đồng Anh tại VN, phải “luôn nghĩ đến mức độ đón nhận của khán giả”.
Bà Anh Thơ cho biết hằng năm, Hội đồng Anh phải cập nhật danh sách nghệ sĩ đoạt giải trong và ngoài nước, sau đó tuyển lựa qua nhiều vòng, làm sao để chương trình vừa thể hiện một nước Anh đương đại vừa phù hợp thị hiếu, thói quen tiếp nhận nghệ thuật của công chúng VN mới giới thiệu.
“Tất cả đoàn nghệ thuật đưa sang VN là những đoàn tinh túy, đặc sắc, độc đáo nhất đại diện cho Vương quốc Anh đương đại (Bắc Ireland, Anh, Xứ Wales, Scotland)” - bà Thơ khẳng định.
Ông Nicolas Bergeret - trưởng Văn phòng văn hóa và hợp tác Pháp tại TP.HCM - cũng chia sẻ khi xây dựng chương trình mang đến VN, Viện Pháp chủ ý lồng ghép nhiều loại hình, thể loại đặc sắc khác nhau trải đều trong một năm diễn.
Ngoài những đoàn nghệ sĩ do Viện Pháp ở Paris và các nước khác giới thiệu, chọn lọc hằng năm, có cả những nghệ sĩ yêu quý VN tự gửi đề nghị. Sự khuyến khích, tạo điều kiện từ phía các cơ quan văn hóa VN cũng đã tạo động lực để Viện Pháp đưa sang ngày càng nhiều đoàn nghệ sĩ tên tuổi danh tiếng khắp thế giới.
Ông Bergeret còn hứng khởi nhìn nhận việc bạn trẻ VN ngày càng cởi mở, sẵn sàng tiếp nhận cái mới lạ đã khiến VN là mảnh đất hứa hẹn của nhiều nghệ sĩ Pháp.
Và tiếc nuối...
Thế nhưng không phải tất cả đều thuận lợi để VN trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều nghệ sĩ trong các chương trình giao lưu văn hóa.
Ông Park Nark Jong - giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại VN - cho biết hiện nhiều chương trình biểu diễn của Hàn Quốc gặp khó khăn khi cơ sở vật chất ở VN chưa đáp ứng được.
Ở VN hiếm có những nhà hát đủ tiêu chuẩn hay những thiết bị đạt chuẩn để phục vụ biểu diễn, nên các buổi biểu diễn thường bị phát sinh kinh phí.
Không hẹn mà gặp, bà Anh Thơ cũng cho rằng hạ tầng nhà hát ở VN rất khó để các đoàn biểu diễn. Mỗi lần có đoàn múa diễn, Hội đồng Anh phải thuê thêm thảm chuyên dụng cho sân khấu nên kinh phí đội lên cao.
Có những đoàn phía Hội đồng Anh rất muốn mời về nhưng khi đọc yêu cầu kỹ thuật của họ quá cao nên đành lỡ hẹn đáng tiếc. Bà cũng cho biết thêm:
“Thực tế rất nhiều loại hình nghệ thuật đang được công chúng yêu mến tại châu Âu nhưng đưa sang VN thời điểm này vẫn chưa phù hợp”.
Cả bà Thơ và ông Park Nark Jong đều hi vọng những khó khăn đó sớm được khắc phục để có thể đem tới công chúng VN nhiều chương trình đặc sắc hơn trong năm 2015.
2015: đa dạng các chương trình
Chưa kể đến rất nhiều chương trình hỗ trợ nhiều nghệ sĩ đương đại VN có thêm không gian sáng tạo, trưng bày, trình diễn..., mỗi viện, trung tâm giao lưu văn hóa đều để lại một hai dấu ấn rất riêng với các chương trình “ngoại”.
Nếu Hội đồng Anh để lại ấn tượng cho công chúng VN bằng những đêm múa đương đại, Viện Pháp lại trở thành một địa chỉ quen thuộc cho khán giả yêu điện ảnh với những buổi chiếu phim giá “rẻ như cho” thứ bảy hằng tuần tại Hà Nội, TP.HCM lẫn Huế.
Viện Goethe đều đặn cùng phối hợp, mang đến những Liên hoan phim Đức và Liên hoan phim châu Âu đặc sắc với đầy đủ thể loại. Giới trẻ học đường trong năm qua đã rất thích thú với liên hoan phim khoa học mang đề tài Công nghệ tương lai do viện này tổ chức.
Năm 2015 tiếp tục là năm hứa hẹn nhiều chương trình đặc sắc của các viện, trung tâm giao lưu văn hóa nước bạn trình diễn tại VN.
Đây là năm kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt - Đức nên Viện Goethe sẽ tổ chức nhiều chương trình mang đậm dấu ấn Đức. Họ sẽ mời đến VN nhiều đoàn nghệ sĩ nổi tiếng, trẻ trung hơn.
Trước mắt, để chào mừng năm mới 2015 là chương trình triển lãm bộ sưu tập áo dài của nhà sưu tập Thái Kim Lan. Song song đó là chương trình triển lãm sắp đặt nghệ thuật áo dài diễn ra giữa tháng 1.
Tiếp đó, khoảng cuối tháng 3 sẽ tổ chức chương trình hiphop quy mô, quy tụ nhiều biên đạo múa, nghệ sĩ cả hai nước Đức - Việt. Ngoài ra, liên hoan phim khoa học năm nay của Viện Goethe sẽ lấy chủ đề dựa theo Năm quốc tế ánh sáng hứa hẹn nhiều trải nghiệm thú vị cho khán giả.
Trong khi đó, Hội đồng Anh sẽ tiếp tục thế mạnh múa đương đại của mình để mời sang VN nhiều đoàn múa tên tuổi từ xứ sở sương mù.
Còn Viện Pháp sẽ tổ chức một số hội thảo về marketing, về các chủ đề văn học mà giới trẻ đang quan tâm. Ngoài ra còn có sự lưu diễn của một số đoàn DJ, âm nhạc.
Mặt khác, Viện Pháp cũng dự kiến kết hợp với BHD để mở rộng, giới thiệu rộng rãi tới công chúng VN những bộ phim Pháp vừa mới ra mắt.
Lồng ghép trong các buổi chiếu phim sẽ là hoạt động giới thiệu cụ thể từng bộ phim để khán giả có góc nhìn tường tận về nền điện ảnh cũng như văn hóa Pháp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo