Thị trường

Tiết kiệm nghìn tỷ nhờ không in mới tiền lẻ dưới 5.000 đồng

(DNVN) - Riêng năm 2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tiết kiệm được khoảng 580 tỷ đồng từ việc không in mới các đồng tiền mệnh giá nhỏ dưới 5.000 đồng.

Đây là thông tin được Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tại buổi họp báo thông tin về việc đáp ứng nhu cầu tiền mặt và đảm bảo hoạt động ATM dịp Tết Nguyên đán Bính Thân của hệ thống ngân hàng diễn ra sáng 12/1, tại Hà Nội.

Tại buổi họp báo, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân, Ngân hàng Nhà nước sẽ không in thêm và chỉ đưa các loại tiền mệnh giá nhỏ (5.000 đồng, 2.000 đồng, 1.000 đồng, 500 đồng) đã sử dụng vào lưu thông.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ tại buổi họp báo.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết từ năm 2013 cơ quan này đã thực hiện chủ trương không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ vào lưu thông và việc không in thêm tiền có mệnh giá nhỏ đã tiết kiệm được khá nhiều tiền của.

Cụ thể, ông Tú cho biết, năm 2013 Ngân hàng Nhà nước thực hiện không in mới tiền 500 đồng và đã tiết kiệm được khoảng 95 tỷ đồng ( tiết kiệm từ chi phí in, vận chuyển, đóng gói, phân loại, kiểm đếm…). Năm 2014 không in tiền mới mệnh giá dưới 1.000 và 2.000 đồng tiết kiệm hơn 340 tỷ đồng.

Năm 2015 không in tiền mới mệnh giá dưới 5.000 đồng tiết kiệm 580 tỷ đồng. Năm 2016 không in tiền mệnh giá dưới 5.000 đồng tiết kiệm 416 tỷ đồng. Theo tính toán của cơ quan này, việc không phát hành mới tiền lẻ qua 4 năm (2013, 2014, 2015, 2016) tiết kiệm cho ngân sách khoảng 1.500 tỷ đồng. 

Cũng tại buổi họp báo, Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn thị trường, giá cả, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Thống đốc đã yêu cầu các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại trên địa bàn có kế hoạch tiền mặt để đáp ứng nhu cầu cho các đơn vị, tổ chức và cá nhân, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tiếu tiền mặt dẫn đến phải khất, hoãn chi. Đặc biệt, chi tiền mặt cho các đối tượng trả trợ cấp xã hội, trả lương, thưởng cho cán bộ, công nhân viên của các cơ quan, doanh nghiệp.

Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, giám sát các NHTM đảm bảo chi đủ cơ cấu các loại mệnh giá tiền cho khách hàng. Kiểm tra, xử lý các NHTM trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động của các máy ATM. Thống nhất kế hoạch thu chi tiền mặt trong những ngày nghỉ Tết với các NHTM đảm bảo đủ tiền mặt cho máy ATM và nhu cầu thu, chi tiền mặt đột xuất khác.

 

Đối với các NHTM, Thống đốc NHNN yêu cầu chủ động xây dựng phương án, kế hoạch tiền mặt phù hợp, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiền mặt về cả giá trị và cơ cấu mệnh giá cho khách hàng; Tăng cường chất lượng dịch vụ ATM, thường xuyên giám sát tồn quỹ máy ATM để bổ sung kịp thời, đảm bảo việc rút tiền của người dân trong dịp Tết không bị ách tắc; đảm bảo công tác an ninh, an toàn bảo vệ máy ATM.

Tại các tỉnh, thành phố lớn có các khu công nghiệp, khu đông dân cư có nhu cầu rút tiền mặt lớn, NHTM cần tổ chức các hình thức thanh toán, chi trả linh hoạt như hướng dẫn khách hàng đến trực tiếp các chi nhánh, phòng giao dịch gần nhất để rút tiền mặt, thống nhất với các đơn vị,doanh nghiệp... tránh tình trạng tập trung quá đông người cần rút tiền cùng một lúc tại các điểm ATM dẫn đến tình trạng quá tải...

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo