Tìm hiểu lễ hội Căm Mường của người Lào ở Điện Biên
Người Lào ở Núa Ngam theo tín ngưỡng đa thần, tin vào vạn vật hữu linh và những thần lực tác động đến cuộc sống của con người. Họ thường thực hiện nhiều nghi lễ để cầu mong sự phù hộ của các đấng siêu nhiên cho mùa màng tốt tươi, người an, vật thịnh… Đó là tiền đề cho sự hình thành và nuôi dưỡng các lễ hội truyền thống như lễ Căm Mương, lễ cầu mùa, lễ cầu mưa, lễ mừng nhà mới…
“Căm Mương” theo tiếng Lào nghĩa là kiêng bản, kiêng mường (cấm mường). Căm Mương cũng là tết năm mới của người Lào tính theo Phật lịch từ 15/3 đến 20/3 âm lịch, cũng là lúc chuẩn bị bước sang một mùa vụ mới. Nghi lễ cúng tế bắt đầu vào 13h chiều ngày 15/3 Âm lịch hàng năm. Chảu sửa (người cao tuổi), chảu chẳm (thầy cúng) cùng với những người giúp việc mang đồ lễ lên lông sân, theo sau họ là một số người khiêng chiêng, trống vừa đi vừa đánh từ nhà chảu sửa lên đến nơi thờ cúng.
Khi các lễ vật đã chuẩn bị xong, chảu chẳm khấn: “Mời thần cai quản bản mường, thần bảo trợ vùng, thần sông, thần suối, thần rừng, những người đã mất, những linh hồn cù bất cù bơ không nơi nương tựa… về chứng kiến và hưởng lễ vật mà dân bản dâng lên, nếu tất cả đã tụ tập về đầy đủ thì hãy cho hai mảnh gỗ tung lên, rơi xuống một nửa úp một nửa ngửa”. Khi các thần linh đã hội tụ đầy đủ, mọi người bày và đặt mâm lễ vào nơi cúng. Chảu chẳm đốt hai ngọn nến sáp ong gắn lên bệ cúng to nhất (pan luông) và cúng. Trước khi cúng chính thức, chảu chẳm sẽ phai lảu (mời rượu) các thần linh, tổ tiên rồi mới đến bên mâm lễ to nhất để cúng mời tất cả các thần đến hưởng lễ. Bài cúng gồm bốn phần với nội dung mời các vị thần linh cai quản, những người đã hi sinh để bảo vệ cuộc sống cho bản về dự hội. Vào năm mổ bò, thầy cúng mời rượu bảy lần, năm cúng lợn thì chỉ mời năm lần.
Tiếp đến, người Lào tổ chức các nghi lễ: Lễ tạ ơn - nghi lễ chính của Căm mương với vật hiến tế là bò (hoặc lợn) để dâng lên người có công sáng lập nên bản (Xen Kẻo, Xen Cang - người Khơ mú), tổ tiên, ông bà, những người đã mất, thần cai quản và giữ bình yên cho bản làng; trong lễ tạ ơn cũng có một phần của lễ cầu an. Lễ vật là mâm cúng thứ hai, sau pan luông. Đây là mâm cúng các thần cai quản bản làng, thổ địa, các linh hồn không nơi nương tựa, các ma lành… để cầu mong sự bình yên, che chở của các thần cho dân bản được khoẻ mạnh, không ốm đau, các ma xấu, linh hồn không nơi nương tựa không về làm hại người sống. Cúng xong, mọi người lạy tạ ơn thần linh dưới sự điều khiển của Chảu chẳm. Sau đó Chảu chẳm, Chảu sửa cùng mọi người ăn uống no say tại lông sân để cầu mong một năm mới no đủ, hạnh phúc.
Kết thúc buổi lễ, những người khiêng và đánh chiêng, trống đi trước để rước thần về chung vui, kiêng khem với dân bản tại nhà Chảu sửa. Khi chiêng trống treo ở xà nhà Chảu sửa là lúc cả bản bắt đầu kiêng cữ. Mọi người sẽ thay phiên nhau đánh chiêng, trống hết ngày lễ. Ngoài các nghi lễ trên, diễn ra đồng thời với lễ cầu mưa (ý lúm, ý lang) do phụ nữ thực hiện.
Ngày thứ hai của lễ (16/3 Â lịch), từ tối đến gà gáy sáng, họ tập trung đến nhà chảu sửa ăn uống và hát giao duyên. Hát giao duyên được chia thành hai đội một bên nam, một bên nữ, mỗi bên sẽ cử một người ra hát và đối đáp lại, nếu thấy mình không thể trả lời được câu đố của đối phương thì người khác trong đội đối lại cho đến khi tan cuộc. Nhiều đôi trai gái đã nên duyên qua những đêm hát giao duyên đó. Nếu thanh niên nam nữ hát giao duyên với nhau, thì tầng lớp trung niên, người già hát chúc mừng nhau một năm qua mùa màng bội thu và cầu chúc cho năm tới mọi người đều mạnh khỏe, được nhiều thóc lúa... Múa là phần không thể thiếu trong lễ hội, chủ yếu là điệu múa truyền thống của người Lào ở “đất nước triệu voi” mà họ mang theo khi di cư. Sau khi đủ ba người đánh trống, đánh chiêng, đánh ché, một số người gõ ống nứa… tất cả những người còn lại sẽ nhảy múa theo nhịp chiêng, trống, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, mọi người chia từng đôi cùng múa điệu “lăm vông”. Các trò chơi dân gian được tổ chức vào ngày thứ 3 (ngày 17/3 Âm lịch).
Lễ Căm Mương của người Lào ở Núa Ngam thường diễn ra nhiều trò chơi dân gian thu hút sự tham gia nhiệt tình của người dân, như trò mác ý tò (cầu mây), phăn viêng (một hình thức đấu võ), tó lasa (rùa ấp trứng), tó má lẹ (trò chơi bằng hạt đậu rừng), tó mác sáng (chơi đánh cù/quay), Ngu kin khiết (trò chơi rắn bắt ếch), Tọt con (ném còn)… Trò chơi của người Lào không đơn thuần là giải trí, rèn luyện sức khỏe mà còn mang ý nghĩa phồn thực, cầu mong mùa màng tốt tươi, dân làng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Quỳnh Nga xuất sắc trở thành Nữ hoàng Bước nhảy hoàn vũ 2024
Vợ chồng Bình An gặp sự cố ‘dở khóc dở cười’ ngày cuối năm, CĐM bình luận ‘kiếp nạn vẫn chưa hết’
Hành trình rực rỡ của Hoàng Yến Chibi tại "Chị đẹp đạp gió 2024"
Nữ ca sĩ nổi tiếng bị ‘yêu râu xanh’ sàm sỡ ngay giữa chốn công cộng, bị ám ảnh tâm lý nhiều năm
Hai chương trình nổi bật của Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng mừng xuân Ất Tỵ 2025
Đàm Vĩnh Hưng bất ngờ nhập viện ngày cận Tết, tình hình sức khỏe hiện tại của nam ca sĩ ra sao?