Tìm hiểu luật tục hôn nhân của người Mạ ở Lâm Đồng
Người Mạ (còn có tên gọi khác là Châu Mạ và các nhóm địa phương, Mạ Xốp, Mạ Tô, Mạ Krung, Mạ Ngắn), cư trú hiện nay ở Lâm Đồng, Gia Lai, Đăk Lắk và Đăk Nông. Tuy nhiên, người Mạ sống tập trung ở Lâm Đồng là chủ yếu. Trải qua quá trình phát triển của dân tộc, cuộc sống người Mạ có nhiều đổi thay, mặc dù vậy người Mạ vẫn duy trì được bản sắc văn hóa độc đáo của mình trong cộng đồng dân tộc Việt.
Cũng giống như người Kinh, chế độ hôn nhân ở người Mạ cấm ngặt việc lấy nhau trong dòng họ gần như con chú, con bác ruột và con dì. Nếu vi phạm sẽ phải chịu trừng phạt rất nghiêm.
Trước kia, chế độ hôn nhân ở người Mạ thường có quan hệ hôn nhân trong bộ tộc, ngày nay trong quan hệ hôn nhân người Mạ đã cho phép con gái trong làng được lấy chồng xa. Con trai thuộc dân tộc khác hoặc dân tộc Mạ nhưng ở buôn khác muốn cưới vợ trong buôn, phải đến ở nhà gái, vừa làm việc với dân làng để sinh sống, vừa giúp đỡ nhà gái. Sau hai hoặc ba năm, khi nhà gái và buôn làng có cảm tình tốt với chàng trai, thì gia đình nhà gái với già làng mới cho phép tổ chức cưới. Thường sau khi cưới vợ, chàng trai ở hẳn bên buôn của vợ và gia đình mới được gây dựng này trở thành thành viên của buôn làng.
Vợ chồng người Mạ gắn bó với nhau không chỉ vì tình cảm yêu thương đơn thuần. Họ quan niệm vợ chồng lấy nhau được xem như chuôi dao với lưỡi dao, như lửa với tro, nên ít có tình trạng chồng hoặc vợ ngoại tình, để dẫn đến li dị nhau. Ngoại tình được coi như một trọng tội và bị luật tục trừng phạt.
Ở người Mạ, vợ chồng li dị nhau là một vấn đề rất hệ trọng đối với đôi vợ chồng và cả hai họ thông gia. Tình trạng ly hôn ít xảy ra trong các làng người Mạ, khi vợ chồng ly hôn phải được chủ làng chấp thuận mới hợp thức theo phong tục Mạ. Những lý do thường dẫn đến li dị như vợ hoặc chồng ngoại tình, bỏ bê nhiệm vụ trong gia đình, hay một trong hai người tuyệt đường sinh sản, có những bất hòa dẫn đến chửi mắng đánh đập nhau… Người gây ra việc li dị bị xử phạt rất nghiêm, nhất là trong trường hợp đã có con. Ngoại tình bị coi là trọng tội. Kẻ gian dâm vừa phải phạt vạ để tạ tội với thần linh, vừa phải bồi thường cho người bị phụ tình một số tài sản theo sự xét xử của tòa án phong tục.
Nếu người chồng bỏ vợ thì theo luật lệ của buôn làng người chồng phải để lại tất cả của cải, nhà cửa, ruộng vườn cho người vợ và ra đi tay không, về với gia đình cha mẹ của mình. Trường hợp hai vợ chồng đã có con với nhau, đứa con sẽ quyết định, nó thích sống với ai và người cha hoặc mẹ phải có trách nhiệm nuôi nấng. Đứa bé còn nhỏ thì nhất định phải sống với mẹ. Nếu vợ quyết định bỏ chồng, người vợ cũng phải để lại tất cả tài sản cho chồng và ra về nhà cha mẹ tay không như trường hợp chồng bỏ vợ. Sau khi chia tay nhau, hai người đều có thể tự do tiếp tục cuộc hôn nhân mới.
Ngày nay, hôn nhân của người Mạ có những thay đổi cho phù hợp với tình hình mới, các tập tục lạc hậu bị loại bỏ, những tập tục tiến bộ được lưu giữ và phát huy.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thuỷ Tiên tái xuất đẹp “đỉnh nóc” nhưng cảm giác cô đơn, lạc lõng bao trùm, phải chăng bị “ăn bơ”?
“Hoàng tử mắt hí” của màn ảnh Việt: Chưa lấy vợ, bất ngờ thông báo lên chức bố ở tuổi 42
Hoa hậu Việt có thói quen kỳ lạ: 12 năm không ăn cơm, vóc dáng gây bất ngờ ở tuổi 35
Sinh nhật tuổi 43 bất ổn của Song Hye Kyo
Thu nhập một đêm của Ngân 98 gây choáng: Cát xê hàng trăm triệu, tiền bo xếp thành cọc
Hàng trăm ngôi sao hội tụ tại '’Bước chân di sản 2'’ của siêu mẫu Hạ Vy và Hoàng Công Cường