Tìm hiểu nghề làm kẹo Sìu Châu ở Nam Định
Gần hai thế kỷ nay, thương hiệu Sìu Châu đã trở nên nổi tiếng. Không chỉ người dân thành Nam mà du khách mọi miền đất nước, những người xa quê hương hàng chục năm, mỗi lần nhớ về Nam Định đều nhớ đến hương vị mộc mạc mà thanh tao của kẹo Sìu Châu. Về Nam Định để tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng và thưởng thức đặc sản văn hóa ẩm thực đất thành Nam, đó là kẹo Sìu Châu.
Kẹo Sìu Châu gần giống với kẹo lạc nhưng thơm và ngon hơn. Ngay cái tên kẹo Sìu Châu cũng gây cho nhiều người sự tò mò, thích thú. Nhắc đến kẹo Sìu Châu, có người cho rằng, đây là một sản phẩm do người Hoa kiều làm ra vì đã có thời gian họ sống trên đất Nam Định (tại khu phố Cửa Đông, Hoàng Văn Thụ, Bến Ngự…).
Nhưng thực ra không phải vậy. Kẹo này vốn là của một người họ Đỗ (Đỗ Phúc Nhật) quê ở Hưng Yên sang lập nghiệp ở Nam Định làm và nổi tiếng từ những năm 60 của thế kỉ XIX. Cửa hàng ở phố Hàng Sắt dưới là phố có rất nhiều người Thiều Châu; xế cửa đền Thiều Châu, mỗi khi mách nhau cách tìm mua kẹo người ta chỉ đến gần đền Thiều Châu, ban đầu gọi là “kẹo ở gần đền Thiều Châu” dần dần cho gọn, cho dễ nhớ người ta gọi là “kẹo Thiều Châu”, “kẹo Sìu Châu” và cuối cùng là “kẹo Sìu”.
Có thông tin khác nói năm 1880, khi xây cửa hiệu thành nhà hai tầng, cụ Đỗ Phúc Nhật mới đặt tên hiệu là Nguyên Hương với ý giữ gìn được hương vị gốc. Nhưng cái tên “kẹo Sìu” đã thành quen rồi, vả lại, Nguyên Hương thì đâu mà chả có, thứ bánh kẹo nào, của ai mà chẳng đặt tên như thế được, còn “kẹo Sìu” thì chỉ có một, chỉ cần nói “kẹo Sìu” không thôi là đủ.
Mỗi thanh kẹo xù xì quăn queo được bao trong vỏ bột nếp hương của đất Quần Liêu có tác dụng vừa chống ẩm vừa để ủ cho kẹo lên hương. Có người cầu kỳ đã thử độ giòn tan của kẹo Sìu Châu khi thời tiết hanh khô, thả rơi kẹo xuống mặt bàn đá hoặc gỗ lim ở độ cao 0,7m – 1m, miếng kẹo vỡ tan ra từng mảnh. Một đặc điểm nữa của kẹo Sìu Châu Nguyên Hương, do kỹ thuật độc đáo của nhà chế biến đã khử được chất hôi của dầu lạc và để được khá lâu không ỉu.
Để làm được thứ kẹo Sìu thơm ngon, tinh khiết như vậy là cả một nghệ thuật lắm công phu. Nguyên liệu làm kẹo Sìu châu rất dễ kiếm, gồm lạc, vừng, đường, mạch nha. Lạc chọn làm kẹo phải được chọn lọc cẩn thận từ những hạt lạc to, mẩy, bóng vỏ và tròn, khi rang chín phải giòn, thơm bùi, vỏ săn lại. Vừng có thể là vừng trắng hoặc vừng đen, mỗi loại vừng sẽ làm cho kẹo Sìu ngon một vị và màu sắc cũng khác nhau. Sau khi vừng và lạc rang chín sẽ được tách vỏ, sẩy cho thật sạch.
Khâu tiếp theo là nấu lạc với mạch nha, chảo “đồng điếu”, cắt thành miếng khi còn đang nóng, bọc bằng bột nếp, ủ cho lên hương. Để nấu được kẹo Sìu Châu, người thợ cần có đôi tay tinh tế, phải “dẻo tay” để giữ nhiệt độ ổn định của bếp và khó nhất là biết ước lượng tỷ lệ đường, lạc, mạch nha phù hợp với mỗi mẻ nấu. Kẹo nấu trong thời gian ngắn, thao tác nhanh nên người thợ kinh nghiệm phải nắm được bí quyết hoán đường đến độ nào thì mới cho đường vào. Kẹo ra lò có sắc nâu hồng và trong như hổ phách, ăn giòn tan, thơm lừng, ngọt đậm để lại dư vị khó quên. Kẹo Sìu Châu còn độc đáo ở kỹ thuật khử mùi hôi của dầu lạc, để lâu không ỉu.
Bước cuối cùng là đổ hỗn hợp kẹo còn nóng lên khay có bột nếp để kẹo chống ẩm và nhanh tay cán mỏng kẹo để cắt thành phên hay chia thành từng miếng vuông nhỏ cho vừa miệng. Những thanh kẹo được cắt ngắn, dường như chỉ vừa hai miếng cắn, không mấy mịn màng, thậm chí còn hơi cùn quằn nữa, bám đầy một lớp bột trắng ngà, ăn vào là cứ thấy nó giòn tan đi, rất giòn mà lại rất dễ nhai; cái bùi của lạc hòa quyện với cái ngọt thanh, sắc của mạch nha trộn đường kính, cái thơm của lạc rang hòa quyện cùng với cái thơm của mạch nha, bột nếp...
Người ta hay nói đến ưu điểm dễ nhận thấy của kẹo Sìu Châu là khi ăn không hề dính răng; cái hương của nó là một thứ hương thầm, rất kín đáo và tinh khiết. Ai đã từng biết đến cái ngon của kẹo Sìu Châu thì không muốn ăn những thứ kẹo lạc khác nữa.
Những người xa quê hương Nam Định hàng chục năm, mỗi lần nhớ về quê hương sông Vỵ đều nhắc đến hương vị đậm đà, mộc mạc mà thanh tao của kẹo Sìu Châu Nguyên Hương cùng với những vần thơ bất hủ của cụ Tú Xương:
"Kẹo chú Thiều Châu đâu sánh được,
Bánh bà Hanh Tụ cũng thua xa!"
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tại sao Lưu Diệc Phi không có ai theo đuổi khi còn đi học? Sau khi xem ảnh sinh viên, cư dân mạng cho rằng: Không xứng đáng
Con gái út nhà Quyền Linh khoe loạt ảnh đón mùa đông nhẹ nhàng, ái nữ đậm chất 'điện ảnh' khiến netizen mê mẩn
Huyền Lizzie tung ảnh diện bikini, body hiện tại 'đỉnh nóc'
Đâu là bức ảnh đáng xấu hổ của nam tài tử Lee Min Ho khiến anh muốn xoá nhất?
Cô được ví 'Marilyn Monroe của Hồng Kông', là người tình trong mộng của Lưu Đức Hoa và Thành Long, dù đã góa chồng 17 năm vẫn nhiều người si mê
NSƯT Chí Trung nói về chuyện ly hôn vợ đầu: 'Tôi sốc toàn tập'