Tìm hiểu phong tục cưới của người Cống
Đối với các chàng trai người Cống đến tuổi trưởng thành và muốn lập tổ ấm của riêng mình, chàng trai sẽ tìm hiểu và lựa chọn người thiếu nữ khác họ mà mình thầm yêu trộm nhớ. Khi đã tìm được người ưng ý, buổi tối chàng trai sẽ đến chọc sàn và rủ cô gái đó ra ngoài để trò chuyện tâm sự. Qua trò chuyện, nếu có sự đồng cảm và yêu nhau nhưng chưa công khai thì đôi trai gái vẫn chỉ được tâm sự với nhau ở dưới nhà sàn hoặc ở ngoài sàn. Khi đã bén duyên cô gái phải thưa chuyện với bố, mẹ. Sau đó người con trai đến nhà người yêu mình thì lên tiếng từ cầu thang. Không ưng, họ sẽ không ra mở cửa và chàng trai sẽ hiểu rằng gia đình không bằng lòng với tình yêu của hai người. Còn ngược lại, nếu đồng ý, bố mẹ cô gái sẽ mở cửa cho vào nhà. Sau khi nhận được tín hiệu chấp thuận, chàng trai mới được vào nhà trò chuyện cùng gia đình cô gái.
Nếu thuận thì một thời gian sau sẽ làm lễ đặt rể. Đây là lễ để chàng trai đi ở rể nhà người yêu. Lễ này thường được tổ chức vào tháng 1 Âm lịch. Khi tổ chức lễ đặt rể, bên nhà trai gồm: bố, mẹ, anh em họ hàng (cũng có khi cả bản) đến nhà gái. Trong lễ này nhất thiết bố, mẹ chàng trai phải cùng đi, nếu một trong hai người đã mất thì phải mượn vợ chồng bác hoặc vợ chồng chú hoặc cô ruột (những người ngang hàng với cha mẹ chàng trai) đi thay và phải đi cả đôi, không được đi lẻ bởi đồng bào Cống quan niệm rằng đi lẻ là không hạnh phúc, không may mắn.
Khi đã có người đến ở rể nhà mình, cô gái bắt đầu búi tóc ngược lên đỉnh đầu, đó là dấu hiệu của người con gái Cống đã có chồng. Thời gian ở rể, họ có quyền sinh con đẻ cái, khi hết thời gian ở rể mới được làm lễ cưới để đưa cô dâu về nhà chồng. Thời gian ở rể là thời gian thử thách chàng rể phải cố gắng thể hiện mình trên phương diện đối nhân xử thế, trong lao động sản xuất để đến khi cưới cha mẹ chia của cho.
Trước khi tổ chức cưới, người Cống còn làm lễ đặt hỏi. Đây là lễ xin chọn một ngày tốt để cưới cho đôi vợ chồng đã hết thời gian ở rể. Việc chọn ngày để làm lễ đặt hỏi cũng thường vào những ngày tốt và những ngày tháng giáp Tết (do việc đi ở rể cũng vào những ngày tháng giáp tết và ở rể thường tròn năm). Cũng giống như nhiều tộc người khác, mùa cưới của người Cống thường được tổ chức vào tháng 11, 12 Âm lịch là thời điểm nông nhàn đồng thời cũng là thời điểm sửa sang nhà cửa để đón năm mới và dựng vợ gả chồng cho con cái.
Như nhiều cộng đồng dân tộc ít người vùng Tây Bắc, đám cưới người Cống đặc biệt coi trọng phần nghi lễ: Làm lý. Trước khi tiễn con gái về nhà chồng, nhà gái sẽ làm lý với những nghi thức trang trọng và thiêng liêng nhất. Ý nghĩa chính của việc làm lý ở nhà gái là “Cắt hóng” cô gái khỏi bàn thờ của gia đình nhà gái (tức là cô gái không còn thuộc bàn thờ tổ tiên, gia đình nữa). Sau khi đón con dâu về, nhà trai cũng phải làm lý “Nhập hóng” để “nhập” cô dâu vào bàn thờ gia đình, tổ tiên nhà chú rể...
Có thể nói, trong thời gian nửa đầu buổi sáng, trung tâm của đám cưới người Cống diễn ra tại nhà gái, vì toàn bộ nhà trai đã thành đoàn rước dâu đến nhà gái chờ lý và ăn cơm mừng chung vui với nhà gái. 8h sáng, căn nhà sàn của nhà gái đã chật kín người chờ làm lý. Trưởng lý, cô dâu, chú rể cùng với những người thân thiết trong gia đình nhà gái đã ngồi quây quần quanh mâm lý được chuẩn bị sẵn, với ánh mắt và tâm trạng thể hiện sự tôn nghiêm hết mực. Mọi người ngồi quanh mâm lý hầu như không nói chuyện. Không gian trong nhà khá trật tự, chỉ có tiếng nói uy linh của Trưởng lý xen lẫn tiếng nức nở không ngừng của người con gái trong ngày vu quy...
Trước khi kết hôn, chàng trai phải trải qua 3 năm ở rể và sống như vợ chồng với cô gái. Sau 3 năm ấy, nếu hai người có con trai, thì mâm lý nhà trai mang đến sẽ là một con gà. Nếu hai người sinh con gái, thì mâm lý nhà trai mang đến sẽ là 9 đôi cá suối.
Lễ làm lý bắt đầu khi Trưởng lý tung 2 đồng bạc trắng vào một chiếc bát đặt trên mâm lý. Hai chiếc đồng bạc xoay tít với những âm thanh sắc lẹm khi va vào nhau và va vào thành bát. Sau khi đếm tiền lý xong, Trưởng lý đọc bài khấn tổ tiên, trời đất chứng giám cho lễ kết duyên của đôi trai tài, gái sắc của bản.
Kết thúc bài khấn, Trưởng lý đưa tay vào bụng gà, lấy ra một lát nhỏ thịt, rồi nhón một phần xôi nhỏ bằng hạt gấc... pha trộn vào nhau thành một dúm đặt lên một góc trống trên mâm lý. Đây chính là nghi thức mời tổ tiên thưởng thức trước, khi về chứng giám lễ kết duyên của người con gái trong họ. Làm lý kết thúc, cô dâu, chú rể cùng nhau uống rượu cần bằng 2 ống hút có sẵn trước đó.
Khi mọi người kết thúc bữa cơm mừng cưới với những chén rượu lý cũng là lúc chuẩn bị cho lễ rước dâu. Trước khi về nhà chồng, dâu quỳ lạy bố mẹ đẻ 3 lần. Đây cũng là nghi thức cuối cùng của cô gái khi vu quy. Khoảng thời gian trầm lắng của giây phút làm lý trôi qua, không gian bỗng trở nên ồn ào náo nhiệt bất ngờ. Tiếng cười nói vang vang làm nóng cả không khí mùa đông giá lạnh nơi bản làng vùng cao Tây Bắc. Các trai làng, gái bản tuy đã nồng nàn men rượu cưới, song vẫn hướng sự tập trung về phía cầu thang nhà gái với ánh mắt và dáng điệu sẵn sàng đón chờ một lễ rước dâu sôi động nhất...
Nhà gái té rượu, nước, đồ ăn thức uống trên mâm cỗ vào đoàn rước dâu là một tập tục đã có từ xa xưa của người Cống. Tục té rượu này không những để xua đuổi những điều rủi ro trước đó mà còn mang theo điềm may mắn những ai tham gia rước dâu và cho cả đôi vợ chồng trẻ. Trước kia, người ta còn sử dụng cả bùn, đất nhão... để ném vào đoàn rước dâu. Nhưng bây giờ, vì giữ gìn vệ sinh, nên họ chỉ té rượu, nước và đồ ăn thức uống. Khi đoàn rước dâu nhà trai vừa bước chân xuống cầu thang, là lúc những cơn “mưa” rượu, nước từ trái nhà té ra. Dùng tay che chắn cho cô dâu lúc này vẫn đang nghẹn ngào khóc, mọi người nhanh chân bước xuống cầu thang trong tiếng mừng vui, phấn khích tột độ của tất cả mọi người.
Khi đoàn nhà trai về đến nhà, trước tiên cô dâu được dẫn vào bếp, dúm một ít gạo lên rồi lại bỏ xuống, còn chú rể cũng sẽ làm tương tự như vậy đối với muối. Việc làm này của cô dâu chú rể là thể hiện cho việc đã làm chủ được hũ gạo, âu muối tức là làm chủ gia đình.
Thực hiện xong nghi thức này, cô dâu được đưa đến ngồi trước giường của bố mẹ chồng - giường chính của gia đình, nằm ở phía trái ngôi nhà. Chiếc giường này cũng là nơi đặt bàn thờ của gia đình. Tại đây, trưởng lý nhà trai sẽ làm lễ “Nhập hóng” cho cô dâu. Khi ấy, cô dâu chính thức trở thành một thành viên trong gia đình nhà trai. Từ đây, cô gái sẽ không được về ngủ qua đêm ở nhà bố mẹ đẻ, tuy vẫn có thể thăm nom bình thường vào ban ngày.
Có thể nói, lễ cưới hỏi truyền thống của dân tộc Cống mang đầy những nghi thức tốt đẹp thể hiện sự quan tâm của cộng đồng đến hạnh phúc nam nữ. Sau khi kết thúc các nghi lễ cưới hỏi, đôi vợ chồng trẻ sẽ bắt đầu một cuộc sống mới. Từ nay trở đi đôi vợ chồng trẻ sẽ tự lo làm ăn và vun đắp cho hạnh phúc của mình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo