Tìm hiểu trò chơi dân gian của người Chăm ở Ninh Thuận
Tỉnh Ninh Thuận là nơi có đông đồng bào dân tộc Chăm sinh sống. Người Chăm cư trú lâu đời ở đây lưu giữ nhiều lễ hội và nét văn hóa đặc sắc, trong đó nhiều trò chơi dân gian truyền thống vẫn được lưu truyền tới ngày nay. Những trò chơi dân gian này không chỉ nhằm mục đích giải trí mà còn giúp người Chăm hiểu nhau hơn, thắt chặt thêm tình cảm đoàn kết trong cộng đồng.
Trải qua bao biến động của lịch sử, đời sống kinh tế khó khăn từ những thập niên trước, thế nhưng cho đến nay người Chăm vẫn bảo tồn được những di sản văn hóa vô cùng độc đáo, trong đó phải kể đến “Kaya Mâ-In”- trò chơi dân gian lễ hội.
Theo ông Châu Văn Huynh, người đã bỏ công sức hơn 10 năm nghiên cứu văn hóa dân tộc Chăm, thì trò chơi dân gian của người Chăm là sản phẩm xuất phát từ lao động sản xuất, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và được lưu truyền bằng miệng, truyền tay, được trình diễn, thi đấu…
Ông Châu Văn Huynh cho biết: “Qua khảo sát, thì người Chăm có hơn 100 trò chơi dân gian với nhiều thể loại khác nhau. Có thể loại chơi có thưởng phạt, chơi đơn, chơi đôi… có trò chơi có kèm theo lời hát, câu vè… nhưng ở thể loại này chỉ chơi trên khâu, chơi trong lễ hội mà thôi”.
Các trò chơi dân gian của người Chăm không chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu giải trí, giải tỏa những căng thẳng của con người sau thời gian lao động, mà con là động lực tinh thần để tăng thêm sự sảng khoái, lao động thêm hăng say và yêu đời. Những trò chơi của trẻ nhỏ người Chăm khá đơn giản. Chỉ cần vài viên sỏi, cây que, cây gậy, trái cây, bông cỏ, tổ kiến là có thể các em đã có những trò chơi vui vẻ.
Theo ông Châu Văn Huynh thì: "Tất cả các trò chơi đều phản ánh xã hội và cuộc sống lao động, chẳng hạn, người Chăm có nhiều trò chơi ở ngoài đồng ruộng như là: trò chơi đánh chặn, trẻ con đi tắm ở dưới mương, dưới sông có trò chơi bắt con rái cá với 5-6 người chơi.. Các trò chơi này phản ánh đời sống thường ngày của người Chăm".
Trò chơi dân gian của người Chăm cùng không cầu kỳ, có thể chơi ở mọi lúc mọi nơi. Nếu như trò chơi diều hâu bắt gà con, cướp cờ, thả bò rèn luyện phản xạ nhanh nhẹn, tinh thần đoàn kết, thì kéo co giúp rèn luyện thể lực hay trò “giấu vật” luyện sự mẫn cảm của bộ não, học hỏi tinh thần thượng võ…Với trò chơi ô ăn quan, chuyền lại trau dồi về kỹ năng tính toán, sự khéo léo của đôi tay… Ngoài ra, có rất nhiều trò chơi gắn với dấu vết văn hóa như: trò bỏ vật chắp tay lạy, hay trò cướp tù binh… Thậm chí có trò chơi còn gắn với những nghi thức ma thuật cổ xưa như trò say roi hay trò đạp lửa.
Mỗi một trò chơi và hình thức chơi đều phản ánh đời sống của người Chăm.Tuy nhiên, trò chơi dân gian thường chỉ có hai loại chủ yếu, một là chơi phổ thông, ở mọi không gian, còn một loại nữa chơi mang tính tín ngưỡng tâm linh chỉ được chơi trong không gian văn hóa lễ nghi của lễ hội, thậm chí còn bị cấm kỵ nếu chơi theo cách phổ thông. Một trong những trò chơi mang tính tâm linh của người Chăm là trò thả diều. Trò này gắn với câu chuyện tổ tiên của dòng họ, dong tộc. Thả diều, do gió mạnh, diều bị đứt dây kéo theo tổ tiên của dòng họ đó đi. Để tưởng nhớ tổ tiên thì dòng họ đó cứ đến ngày hội, ngày lễ, phải có con diều, một phần để tưởng nhớ đến tổ tiên, một phần cầu chúc cho sự an lành sẽ đến với cả dòng tộc.
Một trò chơi khác là đấu vật. Trò chơi này chỉ được người Chăm thực hiện mỗi khi có lễ hội chung của cả cộng đồng. Lễ xong là đến phần hội vật, các thanh niên khoe tài, khoe sức khỏe trước những cô gái. Những trò chơi này hoàn toàn thực hiện trong phần nghi lễ, không được chơi khi chưa được chủ lễ cho phép, thậm chí không được chơi ở bất kỳ đâu ngoài không gian lễ hội.
Ngoài trò chơi mang tính lễ nghi thì có những trò chơi lại theo tập quán hoặc bắt chước theo ngành nghề của từng địa phương như nghề làm gốm ở làng Bàu Trúc hoặc nghề dệt thổ cẩm ở làng Mỹ Nghiệp. Trò chơi dân gian đã góp phần hình thành nên ý chí kiên cường, sự dẻo dai và ý thức vươn lên giành chiến thắng của mỗi con người, mỗi cộng đồng và tạo nên bản sắc riêng của người Chăm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo