Văn hóa

Tìm thấy giếng cổ tại di sản thành nhà Hồ

Thực hiện nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể xung quanh khu vực di sản thế giới thành nhà Hồ, một số cán bộ của trung tâm đã phát hiện chiếc giếng cổ tại làng Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, cách khu vực nội thành Tây Đô khoảng 300m.

Giếng có hình tròn, đường kính rộng 2m, sâu 6m, thành giếng cao 1m (tính từ mặt đất). Quá trình xây dựng, người xưa dùng gạch bìa thành nhà Hồ để thi công lòng giếng và khu vực sân. Vào khoảng năm 1946 - 1947, giếng  được dân làng cải tạo lại trên cơ sở giếng cũ bằng gạch bìa lấy về từ trong thành nhà Hồ.

Trải qua hàng trăm năm, gạch làm giếng vẫn giữ màu hồng tươi, chín đều khẳng định kỹ thuật cao trong việc nung gạch của người xưa. Ở bề mặt nhiều viên gạch có khắc chữ Hán Nôm ghi nguồn gốc làng quê sản xuất như: Đại An xã; Kẻ Nưa xã Thạch; Cổ Lôi xá thuộc huyện Thọ Xuân.

Nước giếng rất trong và có vị ngọt nên trong các dịp hội hè của làng đều lấy nước hãm chè. Cụ Trịnh Văn Hiềng cho biết: Xưa dưới đáy giếng còn có rất nhiều mạch nước ngầm phun lên làm cho nguồn nước luôn luôn trong xanh.

Ông Nguyễn Xuân Toán - Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ - cho biết: Về niên đại chính xác liên quan đến sự ra đời của giếng cổ ở làng Xuân Giai cần có quá trình khảo sát điều tra tư liệu. Trung tâm bảo tồn di sản đang tiếp tục nghiên cứu và phối hợp cùng chính quyền địa phương lập hồ sơ trình cơ quan chức năng công nhận di sản đặc biệt cho cụm di sản ở làng Xuân Giai; trong đó có đình làng và chiếc giếng cổ.

 

 

Thụy Khuê (Theo Lao Động)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo