Văn hóa

Tín ngưỡng thờ Neak Tà trong đời sống văn hóa của người Khmer ở Trà Vinh

Người Khmer sinh tụ ở Trà Vinh nói riêng, Nam Bộ nói chung từ rất lâu đời, có tiếng nói và chữ viết riêng, cùng với các lễ hội truyền thống đặc sắc đã kiến tạo nên một nền văn hóa rực rỡ. Tôn giáo chính của người Khmer là đạo Phật phái Nam Tông (Therevada). Toàn tỉnh Trà Vinh hiện có 141 ngôi chùa Khmer với nhiều kiến trúc nghệ thuật rất độc đáo. Văn hóa dân gian của người Khmer Trà Vinh mang nhiều nét độc đáo, trong đó có tín ngưỡng thờ Neak Tà.

Người Khmer có tục thờ Neak Tà (còn gọi là Nạk Tà) trong các phum sóc của họ và xem đó là thần bản thổ. Neak Tà còn được gọi là ông Tà, là vị thần bảo hộ phum sóc - giống như thần Thành hoàng ở các làng của người Việt. Trong các miếu thờ, Neak Tà thường được tượng trưng bằng vài hòn đá dạng bầu dục nhẵn bóng tự nhiên. Theo ý kiến của một số vị sư Khmer thì Neak Tà được tượng trưng bằng những hòn đá thể hiện cho sự thanh khiết, giản dị tự nhiên, trong sạch, cứng rắn và khỏe mạnh để che chở, bảo vệ con dân trong phum sóc. Về tên gọi, Neak hay Nak là chỉ con người nói chung và Tà là người đàn ông đứng tuổi.

Ở Trà Vinh, có nhiều dạng Neak tà như: Neak Tà Dom Chey (Cây Đa), Neak Tà Xam rôn (Cây Trôm), Neak Tà Kompong Luông, Neak Tà bến đò. Ngoài ra, còn có một số miếu Neak Tà ở ngã ba, ngã tư đường hay Neak Tà Wọt thì được thờ trong khuôn viên của các chùa. Bên cạnh đó, ở một số nơi như: ấp Qui Nông A, Qui Nông B (xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành); xã Hàm Giang (Trà Cú) thì Neak Tà được đắp tượng và thể hiện là một ông già tay cầm gậy hoặc cầm chày, cối giã thuốc. Điều này phản ánh sự thay đổi quan niệm tư duy của con người, cụ thể là từ trừu tượng chuyển sang cụ thể của người Khmer ở những nơi này. Lúc này, Neak Tà ở đây không còn là một vị thần chung chung, mà đã mang một dáng dấp cụ thể và thể hiện được sự giao lưu tiếp biến văn hóa một cách có chọn lọc.

Lễ cúng Neak Ta tại Qui Nông A, Hòa Lợi, Châu Thành, Trà Vinh.

Neak Tà đối với người Khmer ở Trà Vinh không chỉ là thần bảo hộ mà còn là vị thần chữa bệnh, xét xử. Trước kia, khi có mâu thuẫn xảy ra họ thường đến miếu Neak tà để giải quyết bằng cách thề thốt trước sự chứng giám của ông Tà. Mỗi phum sóc có thể có nhiều miếu Neak Tà, trong đó Neak Tà Méchas Srok (ông Tà chủ xóm) là thần bảo hộ có địa vị cao nhất.

Ở Trà Vinh thì huyện Trà Cú có đông đồng bào Khmer sinh sống nhất và cũng tại đây có số lượng miếu thờ Neak Tà nhiều nhất so với các huyện khác trong tỉnh. Tính đến cuối năm 2011, toàn huyện Trà Cú có khoảng 60 miếu Neak Tà chia đều khắp 17 xã và 2 thị trấn của huyện. Cấu tạo miếu Neak Tà ở Trà Vinh có nhiều loại. Ngày nay, do điều kiện kinh tế phát triển nên người dân xây dựng miếu Neak Tà bằng cột bê tông, tường gạch, mái lợp tôn rất khang trang. Riêng miếu Neak Tà tại ấp Mồ Côi, xã Đôn Châu, huyện Trà Cú vẫn được xem là cổ nhất vì được tạo lập, xây dựng từ lâu đời, miếu được lợp bằng lá, cột trụ bằng gỗ, có sàn làm bằng tre.

Hằng năm, người Khmer ở Trà Vinh thường cúng Neak Tà một lần vào đầu mùa mưa (sau Tết Chol Chnam Thmây của dân tộc Khmer khoảng một tháng). Theo nghi thức truyền thống, lễ cúng Neak Tà được kéo dài từ 2-3 ngày, tùy theo khu vực nhưng ngày nay do điều kiện sản xuất kinh tế, lao động nên nghi thức cúng có phần đơn giản hơn, có nơi chỉ tổ chức cúng trong ngày. Trước lễ cúng khoảng 10 ngày thì có người trong phum sóc đại diện đến từng nhà thông báo ngày giờ tổ chức cúng Neak Tà và vận động vật chất, gạo, muối, tiền để tổ chức lễ cúng. Vật cúng quy định thường là: 1 đầu heo, 1 con gà, 1 nải chuối xiêm, 1 trái dừa, cơm, muối, dầu dừa, chỉ đỏ, hoa quả, bánh trái, có nơi có cả heo quay và heo trắng (tùy theo vùng và kết quả sản xuất vụ mùa hàng năm).

Miếu thờ Neak Ta trong khuôn viên chùa Dơi (phường 3, TP Sóc Trăng).

Bên cạnh đó, còn có những vật phẩm do người dân mang đến cúng trả lễ ông Tà. Trong nghi thức cúng thường thỉnh các vị sư đến tụng kinh cầu nguyện, kế đến là người đại diện con dân trong phum sóc  báo cáo với ông Tà tình hình sản xuất vụ mùa của dân làng trong năm vừa qua, dâng vật phẩm cúng trả lễ ông Tà và cầu xin ông tiếp tục che chở, bảo vệ dân làng khỏe mạnh, phù hộ cho họ sản xuất vụ mùa sau đạt hiệu quả cao. Sau các nghi thức cúng là thỉnh các vị sư thọ thực (dùng cơm), kế đến là bà con trong phum sóc cùng nhau dùng cơm, bữa cơm này người Khmer gọi là bữa cơm đoàn kết (Samaki). Đặc biệt, tính cộng đồng được thể hiện rõ trong buổi lễ này. Trước đây, trong nghi thức cúng Neak Tà còn có nhiều nghi thức như: có đội múa Sadam, có dàn nhạc ngũ âm, cồng, chiêng và có “tục Tống tàu”. Tống tàu hay thả tàu là nghi thức thể hiện niềm tin của con người vào thiên nhiên, thả bỏ những điều không may, thả bỏ những ưu phiền, bệnh tật.

Tín ngưỡng thờ Neak Tà của người Khmer ở Trà Vinh là yếu tố liên kết, tập hợp cư dân trong phum sóc. Thông qua thời gian cộng cư sinh sống, giao lưu văn hóa với người Việt, người Hoa nên lễ cúng Neak Tà có sự tham gia của toàn cộng đồng.

 

Tóm lại, tín ngưỡng thờ Neak Tà là một loại hình tín ngưỡng dân gian không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh của người Khmer ở Trà Vinh. Loại hình tín ngưỡng dân gian này như đã khẳng định, mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Khmer, thể hiện niềm tin của con người vào thiên nhiên, thể hiện tính cộng đồng cao, là sợi chỉ kết nối 3 dân tộc Kinh-Khmer - Hoa lại với nhau. Đây cũng được xem như là một di sản văn hóa phi vật thể nên cần phải bảo tồn, tôn tạo và phát huy. Bên cạnh đó, cần phải chỉnh trang những cơ sở tín ngưỡng tiêu biểu của phum sóc gắn liền với lễ hội truyền thống của dân tộc để phục vụ cho việc phát triển du lịch ở Trà Vinh hiện nay.

Nên đọc
Theo Thế giới di sản
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo