Theo Tờ trình của Bộ Nội vụ, mức lương cơ sở 1.390.000 đồng/tháng hiện nay còn chênh lệch quá nhiều so với mức lương tối thiểu vùng của khu vực DN và chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động. Cụ thể, mức lương cơ sở 1.390.000 đồng/tháng mới đạt 41,62% so với mức lương tối thiểu vùng bình quân năm 2018 (3.340.000 đồng/tháng), dẫn đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang còn nhiều khó khăn.
Tuy điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn nhưng để cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 70/2018/QH14 ngày 9/11/2018, trong đó quy định thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.390.000 đồng/tháng lên 1.490.000 đồng/tháng (tăng thêm 7,19%), thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2019. Vì vậy, việc xây dựng Nghị định điều chỉnh mức lương cơ sở là cần thiết để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.
Dự thảo Nghị định nêu rõ, mức lương cơ sở dùng làm căn cứ: Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Đối tượng áp dụng bao gồm: Cán bộ, công chức từ T.Ư đến cấp huyện quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008; cán bộ, công chức cấp xã quy định tại Khoản 3, Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008; viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010;
Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP; người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động;
Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam;
Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân;
Người làm việc trong các tổ chức cơ yếu; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.
Về kinh phí thực hiện, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở T.Ư sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm theo dự toán được cấp có thẩm quyền giao năm 2019 của các cơ quan, đơn vị; sử dụng một phần nguồn thu được để lại theo chế độ của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập…
Các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2019 tăng thêm so với dự toán năm 2018 được cấp có thẩm quyền giao; sử dụng nguồn 50% tăng thu ngân sách địa phương thực hiện so với dự toán năm 2018 do Thủ tướng Chính phủ giao; sử dụng 50% phần ngân sách nhà nước giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 157/2018/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở DN từ ngày 1/1/2019 như sau: Vùng I: 4.180.000 đồng/tháng; vùng II: 3.710.000 đồng/tháng; vùng III: 3.250.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.920.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng 160.000 - 200.000 đồng/tháng. Mức lương tối thiểu vùng quy định nêu trên là mức thấp nhất làm cơ sở để DN và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm: Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất; cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định. |