An Giang nổi bật với tiềm năng thu hút đầu tư
Hậu Giang kỳ vọng tạo điểm sáng thu hút đầu tư từ giải marathon quốc tế / Bộ trưởng Công Thương làm việc với tỉnh Tiền Giang
Mới, đây UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang với chủ đề “An Giang: Không gian mới - Giá trị mới”, tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 26/11.
Tiềm năng, lợi thế đầu tư tại tỉnh
Ông Hồ Văn Mừng -Chủ tịch UBND tỉnh An Giang.
Nhờ sự quan tâm của Chính Phủ, Đảng và Nhà nước nên vấn đề về giao thông ở An Giang đã được tháo gỡ. Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đang hoàn thiện, kết nối thông suốt nội tỉnh, liên vùng thông qua các tuyến Quốc lộ 91, N1, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Ngoài ra, tỉnh An Giang có cửa ngõ giao thương quan trọng của quốc gia, của vùng ĐBSCL với Campuchia cũng như các nước vùng sông Mekong nói chung. An Giang có 97km đường biên giới giáp Campuchia và có 5 cửa khẩu gồm 2 cửa khẩu quốc tế, và 2 cửa khẩu chính và 1 cửa khẩu phụ. Hiện nay đang nâng cấp cửa khẩu chính Khánh Bình thành cửa khẩu quốc tế. Như vậy, đây cũng là một lợi thế về kinh tế cửa khẩu, logistics,...
Bên cạnh đó, An Giang có rất nhiều di tích văn hoá lịch sử, là điều kiện thuận lợi phát triển du lịch. Trong năm 2024 An Giang thu hút khoảng 9 triệu lượt khách, tuy nhiên thời gian lưu trú của khách du lịch chưa nhiều. Đây là vấn đề cần quan tâm tháo gỡ thời gian tới.
Theo dữ liệu dân cư quốc gia An Giang có 2,7 triệu người là một trong 8 tỉnh có dân số lớn nhất cả nước và dân số An Giang đứng đầu ĐBSCL. Đây là một nguồn nhân lực dồi dào, khi các nhà đầu tư đến với tỉnh An Giang có thể có được nguồn nhân lực phát triển cho doanh nghiệp của mình. Bên cạnh đó, Đại học An Giang là trường đại học trực thuộc Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh, là nơi đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.
Tỉnh An Giang còn là trung tâm vùng nguyên liệu nông - thủy sản của cả nước. Nằm ở thượng nguồn sông Cửu Long, nước ngọt quanh năm, đất đai màu mỡ, An Giang là tỉnh sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, với diện tích đất nông nghiệp là 278.423,3 ha.
Chiến lược phát triển và định hướng thu hút đầu tư
Hội nghị còn là nơi quảng bá các sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Thực hiện theo Quyết định 1369/QĐ-TTg 2023 về việc phê duyệt quy hoạch của tỉnh An Giang đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng tỉnh An Giang là tỉnh phát triển khá trong vùng ĐBSCL có kinh tế phát triển năng động hài hoà và bền vững. Còn là trung tâm phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao, trung tâm du lịch sinh thái của vùng, đầu mối giao thương hợp tác với vương quốc Campuchia.
Về cơ cấu kinh tế của tỉnh, đến 2030 sẽ có sự chuyển dịch tương đối mạnh mẽ. Thứ nhất, đối với ngành nông nghiệp, hiện nay trong cơ cấu kinh tế chiếm 34,5% và đến năm 2030 sẽ còn 20%, và tập trung nâng cao chất lượng cao. Đặc biệt là thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải.
Thứ hai, ngành công nghiệp có 15% trong tỉ trọng nền kinh tế, đến năm 2030 thì sẽ là 25%. Dịch vụ du lịch chiếm tỉ trọng trong cơ cấu kinh tế là 45% đến năm 2030 chiếm 50%. Đó là các không gian mới để các nhà đầu tư tìm hiểu.
Thứ ba, về lĩnh vực đầu tư, định hướng tập trung đầu tư của tỉnh là vào kinh tế số - kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi xanh. Đây là những định hướng mà tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư vào thời gian sắp tới.
Trong đó, đối với nông nghiệp, tập trung thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Thực hiện đề án 1 triệu ha lúa cũng như các sản phẩm công nghệ cao để phục vụ với giá trị gia tăng cao. Sản xuất các mặt hàng nông sản, thuỷ sản xuất khẩu.
Về công nghiệp tỉnh sẽ tập trung thu hút công nghiệp chế biến sâu các mặt hàng nông - thuỷ sản, sản xuất các mặt hàng như may mặc,... Công nghiệp năng lượng như năng lượng tái tạo, trong đó có việc thu hút đầu tư nhà máy điện sinh khối 50 MW (Megawatt) đã được quy hoạch trong quy hoạch điện VIII. Song song đó, công nghiệp công nghệ cao sản xuất các phần mềm theo hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI.
Về du lịch, định hướng thu hút đầu tư các khu du lịch chất lượng cao, khu du lịch vui chơi giải trí chất lượng cao, các sân golf, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch sông nước.
“Đối với tỉnh An Giang rất có tiềm năng về du lịch sinh thái, du lịch sông nước, tuy nhiên 2 loại hình này chưa được khơi dậy mạnh mẽ. Mỗi năm An Giang thu hút 9 triệu lượt khách nhưng doanh thu của ngành du lịch chỉ khoản 10 tỷ (1 triệu - 1,1 triệu/mỗi du khách)”, ông Hồ Văn Mừng chia sẻ.
Ngoài việc đầu tư vào du lịch nghỉ dưỡng hệ thống khách sạn để khi du khách đến thì có thêm nhiều ngày để lưu trú, vui chơi giải trí, thưởng thức các ẩm thực đặc sắc của tỉnh thì cũng cần quan tâm đầu tư các trung tâm mua sắm hiện đại.
Với lợi thế là khu vực gần biên giới Campuchia, việc đầu tư các trung tâm mua sắm lớn không chỉ phục vụ cho khách hàng của An Giang mà còn phục vụ cho khách du lịch quốc tế.
“Hiện nay cả nước có viện hải dương học, thủy cung về các loài sinh vật biển. Nhưng các thủy cung về các loài ở sông Mê Kong nước ngọt chưa có, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đến với An Giang đầu tư vào mô hình thủy cung nước ngọt, tạo điểm đến cho du khách”, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang mong muốn.
An Giang cam kết luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư. Hội nghị lần này tổ chức tại TP Hồ Chí Minh thể hiện quan điểm “An Giang đến với nhà đầu tư”. Qua đó, có thể chứng minh rằng An Giang sẽ đồng hành chia sẻ với nhà đầu tư từ việc tìm hiểu tại hội nghị hôm nay đến việc nhà đầu tư quan tâm, trực tiếp đến tìm hiểu, tiến hành các thủ tục để đầu tư vào tỉnh An Giang.
Với phương châm tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật, phải nhanh chóng giải quyết các thủ tục đầu tư. Cam kết xử lý các thủ tục trong thời hạn tối thiểu, nhanh nhất, sớm nhất. Đồng thời, xử lý các vấn đề “sách nhiễu”, “vòi vĩnh”, tiêu cực trong đầu tư để nhà đầu tư an tâm, thoải mái nhất tin tưởng đến đầu tư.
Sau hội nghị này không chỉ là cơ hội giới thiệu về tiềm năng mà còn hy vọng các nhà đầu tư đến trực tiếp, quan tâm thực hiện các bước tiếp theo đó là đến đầu tư cho những dự án của tỉnh An Giang.
End of content
Không có tin nào tiếp theo