Cán cân xuất nhập khẩu gỗ Việt Nam- Trung Quốc sắp cân bằng
DNVN - Các ý kiến tại Tọa đàm “Thương mại gỗ Việt Nam - Trung Quốc: Cơ hội, thách thức và phát triển ngành gỗ Việt bền vững trong tương lai”, chiều 3/12 đều chung nhận định: Cán cân xuất nhập khẩu gỗ Việt Nam-Trung Quốc sắp cân bằng.
Ngành gỗ cầu cứu Thủ tướng tháo gỡ khó khăn để duy trì sản xuất / Những rừng gỗ đỏ ban mai rực rỡ ở Trung Quốc
Kim ngạch xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc giảm tốc
Theo thông tin cập nhật tình hình thương mại gỗ và sản phẩm gỗ giữa Việt Nam và Trung Quốc từ năm 2018 đến hết tháng 9/2021 của nhóm nghiên cứu các Hiệp hội gỗ và Forest Trends cho hay, thương mại về các mặt hàng gỗ giữa hai nước liên tục được mở rộng trong những năm gần đây. Ở chiều Việt Nam xuất khẩu, Trung Quốc là một trong ba thị trường quan trọng nhất của Việt Nam (sau thị trường Mỹ và Nhật Bản). Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh từ khoảng 1 tỷ USD năm 2018 lên trên 1,2 tỷ USD năm 2019, sau đó giảm nhẹ vào năm 2020.
Hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang bị cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc tại ngay sân nhà. Điển hình là mặt hàng ván bóc. Xuất khẩu mặt hàng ván bóc sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây. Ván bóc được làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất các loại ván. Hiện đang có sự cạnh tranh trực tiếp giữa các doanh nhân Trung Quốc và các đơn vị thu mua ván bóc của Việt Nam tại chính thị trường Việt Nam
Trong số các mặt hàng xuất khẩu, dăm gỗ, sản phẩm gỗ và ván bóc là các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Trong đó, dăm gỗ quan trọng nhất. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này chiếm 70-80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm.
Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc có nhiều thay đổi trong thời gian gần đây. Các mặt hàng như sản phẩm gỗ, gỗ tròn, gỗ xẻ giảm mạnh trong khi dăm gỗ và ván bóc tăng mạnh. Trong đó, mặt hàng ván bóc có lượng xuất khẩu tăng đột biến. Lượng xuất năm 2020 tăng 126% so với lượng xuất của năm 2019. Lượng xuất trong 9 tháng đầu năm 2021 cao hơn 116% so với tổng lượng xuất của cả năm 2020.
Ở chiều ngược lại, các mặt hàng gỗ Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc đa dạng hơn các mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu sang quốc gia này. Trừ mặt hàng gỗ tròn, các mặt hàng nhập khẩu còn lại có sự tăng trưởng rất nhanh trong thời gian vừa qua. Ba mặt hàng có lượng nhập tăng nhanh nhất là gỗ dán, ván bóc/lạng và ván sợi.
Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc có dấu hiệu giảm tốc.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Tô Xuân Phúc- chuyên gia Tổ chức Forest Trends nhấn mạnh: Kim ngạch thương mại 2 chiều về các mặt hàng gỗ giữa Việt Nam và Trung Quốc rất lớn, với thặng dư hiện tại đang nghiêng về phía Việt Nam. Tuy nhiên, quy mô của thặng dư đang dần bị thu hẹp. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc có dấu hiệu giảm tốc, thậm chí sụt giảm nhẹ từ năm 2020 đến nay trong khi kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng gỗ vào Việt Nam từ thị trường này đang tăng rất mạnh. Nếu động lực xuất - nhập khẩu giữa 2 quốc gia duy trì như hiện nay, cán cân thương mại sẽ đạt tới vị trí cân bằng trong tương lai không xa.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nhóm gỗ nguyên liệu. Doanh nghiệp Việt Nam đang bị cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc tại ngay sân nhà. Bởi vậy, cần có các cơ chế, chính sách mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt. Hiện Việt Nam đang nỗ lực tạo nguồn gỗ rừng trồng là gỗ lớn. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp chế biến sâu của Việt Nam có thể tiếp cận với nguồn nguyên liệu này trong tương lai.
Cùng chung dự báo trên, ông Đỗ Xuân Lập- Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam khẳng định: Bình quân mỗi năm kim ngạch thương mại song phương của Việt Nam và Trung Quốc về các mặt hàng gỗ đạt khoảng 2 tỷ USD, với cán cân thương mại nghiêng về phía Việt Nam. Kim ngạch song phương đang tiếp tục mở rộng từ cả chiều xuất và nhập.
“Năm 2018 kim ngạch các mặt hàng gỗ của Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam tương đương dưới 50% kim ngạch các mặt hàng gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Hai năm sau đó, năm 2020, con số này là 70%. Nếu động lực tăng trưởng và cơ cấu mặt hàng xuất - nhập khẩu giữa 2 quốc gia được duy trì như hiện nay, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ đạt cân bằng trong 2-3 năm tới. Điều này đặt ra một số câu hỏi lớn đối với ngành gỗ của Việt Nam”, ông Lập nói.
Đòi hỏi các cơ quan quản lý tích cực vào cuộc
Khẳng định nhập khẩu nguyên liệu gỗ là nhu cầu thực sự và chính đáng của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Ông Đỗ Xuân Lập cũng cho rằng, giảm rủi ro về gian lận thương mại trong các mặt hàng gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc có vai trò quan trọng nhằm duy trì và phát triển ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tích cực phối hợp với các hiệp hội gỗ và các bên liên quan trong việc xác định rủi ro và đưa ra các chế tài xử phạt đối với các công ty vi phạm.
Tuy nhiên, theo ông Lập, các biện pháp và chế tài này cần được ưu tiên và tăng cường nhằm hạn chế các rủi ro trong luồng gỗ nhập khẩu.
Điều này đòi hỏi sự quan tâm sát sao từ các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật, đặc biệt là các cơ quan kiểm soát cửa khẩu.
Cùng với đó là sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan này với các hiệp hội gỗ và các bên liên quan khác cho phép định vị được các rủi ro trong các mặt hàng nhập khẩu một cách kịp thời, từ đó đưa các các biện pháp chế tài xử lý phù hợp.
Hà Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Cột tin quảng cáo