Hỗ trợ doanh nghiệp

Ngành gỗ cầu cứu Thủ tướng tháo gỡ khó khăn để duy trì sản xuất

DNVN - Ngày 7/9/2021, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành kiến nghị 6 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) ngành gỗ để duy trì sản xuất và tái phục hồi.

Miễn, giảm thuế: “Vaccine” cứu doanh nghiệp lúc khó khăn do dịch bệnh / ĐBSCL: Cần tháo gỡ điểm nghẽn logistics để tăng sức cạnh tranh cho nông sản

Ngày 25/8/2021, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) đã tổ chức họp với các Hiệp hội gỗ địa phương và đại diện DN nhằm đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 tới hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành, bao gồm các khó khăn DN đang phải đối mặt. Các doanh nghiệp cũng thảo luận về các biện pháp chống dịch tại DN và đề xuất kiến nghị với các cơ quan quản lý nhằm giảm tác động tiêu cực của đại dịch, giúp DN duy trì sản xuất, chuẩn bị phục hồi khi dịch được kiểm soát.

Khó khăn “bủa vây” ngành gỗ khi thực hiện mục tiêu kép

Sau cuộc họp nói trên, VIFOREST đã tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp ngành gỗ. Theo kết quả khảo sát nhanh của các Hiệp hội địa phương vào trung tuần tháng 8/2021 đối với 360 DN tại Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Định cho thấy, bình quân có trên 50% DN dừng sản xuất, nhưng những DN này đang đối diện nguy cơ phá sản do vẫn phải trả chi phí thuê mặt bằng, các khoản thuế, phí, lãi suất ngân hàng... Những DN còn hoạt động theo 3T, 2T (ba tại chỗ, 2 tại chỗ) hoặc phương thức khác thì cũng chỉ duy trì được khoảng 50- 60% số lao động, công suất giảm từ 30-50% so với điều kiện bình thường.

Chi phí để duy trì sản xuất theo phương thức 3T, 2T đã tăng khoảng 20- 30%, do phải chi phí ăn, ở tại chỗ, test nhanh COVID-19, xét nghiệm PCR cho người lao động (tăng thêm khoảng từ 5-6 triệu đồng/tháng/1 lao động, thậm chí cao hơn tùy theo địa phương), với thực tế này thì DN rất khó cầm cự và cũng không đủ nguồn lực để trả các khoản vay đến hạn. Ngoài ra, DN còn phải đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, phí công đoàn chiếm khoảng 15% chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh, đây cũng thực sự là gánh nặng cho DN.

Tỷ lệ lao động ngành gỗ được tiêm vaccine rất thấp, người lao động phải chờ đợi vaccine quá lâu trước khi được tiêm phòng để có thể quay lại nhà máy. Điển hình như ở Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định là những địa phương thuộc vùng dịch, nhưng đến cuối tháng 8/2021 mới có khoảng từ 15-20% người lao động được tiêm vaccine.

Chủ DN không có chuyên môn về lĩnh vực y tế, nhưng đang chịu áp lực do việc quy trách nhiệm nếu DN để lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 trong phạm vi DN của mình khi tổ chức sản xuất. Nhiều DN khi có ca F0 phải tự bố trí cách ly trong thời gian dài, đây thực sự là những khó khăn, cản trở đối với doanh nghiệp khi thực hiện mục tiêu kép vừa sản xuất vừa phòng chống dịch bệnh.

Mặc dù các ngân hàng đã công bố mức giảm lãi từ 0,3-1,5% cùng các gói tín dụng ưu đãi khác, nhưng với mức giảm này là không đáng kể so với thiệt hại và DN hiện cũng chưa được hưởng bất cứ ưu đãi nào khác. Trong khi đó, có trường hợp do phí gửi chứng từ, tài liệu tăng cao, ngân hàng còn từ chối gửi hồ sơ L/C cho đối tác để mở thanh toán (như trước đây) mà yêu cầu DN tự gửi, điều này ngoài phát sinh tăng thêm chi phí thì doanh nghiệp sẽ gặp rủi ro rất cao.

Chi phí thuê container và giá cước vận tải biển tăng quá cao (từ 2-4 lần), điển hình giá cước vận tải tới các cảng bờ phía Đông nước Mỹ đã lên tới 18 – 20 ngàn USD/1 container, với mức cước này, đã có một số nhà nhập khẩu sản phẩm gỗ từ Việt Nam phải tìm kiếm nguồn cung ứng khác có cước phí vận tải thấp hơn.

Với những khó khăn trên, hầu hết các DN không hoàn thành các đơn hàng đã nhận, hoặc phải giãn thời gian giao hàng. Dự báo trước mắt cũng như trong trung hạn và dài hạn, nếu tình hình không được cải thiện thì DN ngành gỗ có thể phải đối diện với nguy cơ mất khách hàng, mất các thị trường chiến lược và mất khả năng tham gia hiệu quả vào các chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ đã có uy tín trên thị trường thế giới trong nhiều năm qua.

Ngành gỗ đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất do dịch bệnh COVID-19.

Ngành gỗ đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất do dịch bệnh COVID-19.

6 kiến nghị để cứu ngành gỗ

Để duy trì sản xuất, giảm thiểu đứt gãy chuỗi cung và mất các đơn hàng, VIFOREST kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan như sau:

Về hỗ trợ DN duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh

Đề nghị nâng hạng ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động ngành gỗ từ mức 13/16 lên mức 8/16 trong bảng xếp hạng của Bộ Y tế. Các địa phương tạo điều kiện nhanh nhất và đảm bảo nhu cầu tiêm vaccine cho công nhân ngành gỗ, trước tiên ưu tiên 100% cho lao động vùng dịch và các nhà máy đang duy trì sản xuất cả ở trong và ngoài các khu công nghiệp.

 

Đề nghị các địa phương cho phép doanh nghiệp tự lựa chọn áp dụng phương thức 3T hoặc 2T tùy theo tình hình thực tế. Nâng cao hơn nữa vai trò của phường, xã trong việc phòng chống dịch COVID -19, các Sở Y tế nên nhanh chóng tổ chức hướng dẫn đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp những kiến thức cơ bản ban đầu trong phòng chống dịch. Cho phép người lao động của doanh nghiệp được di chuyển đến các tỉnh khác để làm việc sau khi đã tiêm đủ 2 hoặc 1 mũi vaccine và thực hiện nghiêm túc 5K.

Cho phép các DN tự test COVID-19 đối với người lao động của mình và được các cơ quan chức năng công nhận kết quả test của DN. Không hình sự hóa đối với chủ DN trong trường hợp phát sinh các F0. Hỗ trợ chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp và kịp thời đưa các ca F0 được phát hiện ra khỏi nhà máy đến các cơ sở y tế để điều trị sớm nhất.

Cần có quy định về phân loại F0 để có cơ sở bố trí cách ly và chữa trị tại nhà hoặc tại công ty, nhằm giảm tải cho hệ thống y tế Nhà nước hiện nay. Công bố thành phần túi thuốc y tế và các loại thuốc đặc trị COVID-19 đang lưu hành, đồng thời hướng dẫn sử dụng để nhân dân và các công ty có thể tự điều trị cho F0 tại gia đình và tại công ty.

Về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và phí công đoàn

Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Chính phủ đã quy định giảm 0,5% mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng và Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hữu trí và tử tuất cho người lao động và người sử dụng lao động trong thời hạn từ 6 tháng tới 12 tháng tùy đối tượng (điểm 2 Mục II). Tuy nhiên, tại Nghị quyết và Quyết định chưa quy định rõ ràng thời gian phải đóng bù khi hết thời gian tạm dừng đóng.

 

Đề nghị ban hành quy định cụ thể về thời gian mà người lao động và người sử dụng lao động phải đóng bù vào quỹ hữu trí và tử tuất. Do khoản phí này hiện chiếm rất cao, đặc biệt trong bối cảnh các DN phải đóng cửa hoặc giảm quy mô, người lao động mất việc làm, DN và người lao động không có khả năng đóng khoản kinh phí này làm một lần. Đồng thời cho phép DN được đóng chậm và đóng làm nhiều lần và không áp dụng lãi suất đối với khoản phí này.

Đề nghị miễn đóng phí công đoàn cho tới ngày 30/6/2022 và cho phép DN sử dụng nguồn kinh phí này nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người lao động. Cho phép DN phối hợp với công đoàn cơ sở sử dụng quỹ công đoàn đang kết dư tại DN để chi trả cho các khoản chi phí xét nghiệm cho người lao động, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn.

Về lãi suất và vốn vay

Nghị quyết số 68 của Chính phủ đã quy định cho vay trả lương ngừng việc, cho vay trả lương phục hồi sản xuất với mức lãi suất 0% (điểm 11, Mục 2). Tuy nhiên, chỉ được thực hiện với Ngân hàng Chính sách xã hội. Đề nghị Chính phủ chỉ chỉ đạo cho phép tiếp tục thực hiện các chính sách như đã quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/03/2021 của Ngân hàng Nhà nước và ban hành một số chính sách:

Giảm lãi suất đối với nguồn vốn vay hiện tại và vốn vay mới, với mức giảm lãi suất xuống còn từ 4-4,5%/năm thay vì mức lãi suất quá cao như hiện nay. Đồng thời giãn nợ gốc và trả lãi từ 6 tháng tới 12 tháng để DN có đủ thời gian ổn định sản xuất.

 

Hỗ trợ vốn ngắn hạn ít nhất 6 tháng theo đơn hàng có L/C, hỗ trợ DN gửi hồ sơ sau khi đã kiểm tra L/C, DN sẽ đảm nhận các chi phí như cách làm của ngân hàng trước dịch.

Hỗ trợ cho DN được tiếp cận với nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất từ 3 -6 tháng áp dụng đối với ngân hàng thương mại, với mức lãi suất thấp từ 2-3%..

Về chính sách thuế và phí

Bộ Tài chính có tờ trình số 123/TTr-BTC ngày 23/7/2021 về “Đề xuất thực hiện một số giải pháp về thu ngân sách trong năm 2021 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19”. Trong đó, đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2021, nhưng chỉ áp dụng đối với các đối tượng có tổng doanh thu không quá 200 tỷ đồng (điểm 1, mục II) và giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 (điểm 5, mục II).

VIFOREST đề nghị, bổ sung đối tượng giảm thuế TNDN đối với toàn bộ các DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nằm trong vùng áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, thay vì chỉ áp dụng chung đối với DN có tổng doanh thu không vượt quá 200 tỷ đồng.

 

Giảm 50% thuế TNDN phải nộp trong năm 2021 và giảm 30% thuế TNDN trong 2 năm tiếp theo để DN có thời gian phục hồi.

Miễn 50% tiền thuê đất năm 2021, giảm 25% tiền thuê đất trong 2 năm tiếp theo, không điều chỉnh tăng giá thuê đất vượt quá 10% trong 5 năm giai đoạn sau so với giá thuê đất mà DN đã thuê ở 5 năm giai đoạn trước.

Hỗ trợ cho các DN được phép hoàn thuế GTGT nhanh nhất trong thời gian giãn cách, được phép hoàn trước, kiểm sau nhằm giúp các DN có thêm nguồn vốn để duy trì sản xuất và trả lương người lao động.

Về hỗ trợ cước phí vận chuyển

Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan có liên quan làm việc với các hãng tàu lớn yêu cầu có lộ trình giảm cước phí vận tải biển; có giải pháp khuyến khích phát triển các đội tầu trong nước hoặc và khuyến khích vận tải bằng các hình thức khác như đường sắt liên vận.

 

Về tạo mối liên kết trong sản xuất trong cộng đồng doanh nghiệp

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương bố trí quỹ đất để quy hoạch các khu, cụm công nghiệp tập trung ở các địa phương có nhiều DN ngành gỗ, nhằm tạo điều kiện để DN liên kết sản xuất tốt hơn, có hệ thống kho bãi chứa hàng và dự trữ nguyên liệu sản xuất đáp ứng như cầu mở rộng, phát triển sản xuất và kịp thời ứng phó trong bối cảnh bất thường khi hoạt động xuất, nhập khẩu gặp khó khăn.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm