Cảnh giác với vi khuẩn "ăn thịt người" gây bệnh Whitmore
Bất cập quy hoạch cao tốc - Bài cuối: Không chỉ tính đến hiệu quả ngắn hạn / Chuyển đổi xanh và thách thức tăng trưởng kinh tế trung hạn
BSCKI. Đồng Minh Hùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai cho biết, con đường xâm nhập vào cơ thể người của vi khuẩn Whitmore thường gặp là qua da bị trầy xước khi tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm, chứa hóa chất, chất thải, nhất là ở vùng ao hồ, đầm lầy, đồng ruộng, cống rãnh… Hay khi hít phải các hạt bụi đất hoặc giọt nước li ti trong không khí có chứa vi khuẩn, nhất là vào mùa mưa thì nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Whitmore rất cao.
Bệnh Whitmorehay xảy ra ở những người thường xuyên tiếp xúc với bùn và nước như người làm ruộng, công nhân xây dựng, người làm vườn, người nạo vét cống rãnh… Những người có một hoặc nhiều bệnh nền như đái tháo đường, nghiện rượu, bệnh phổi, thận mạn tính, trong đó đặc biệt là bệnh đái tháo đường nếu không được kiểm soát tốt đường huyết thì nguy cơ nhiễm bệnh và dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm, khó lường.
Các giai đoạn và dấu hiệu của bệnh
Theo BS Hùng, tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh, có khi phải mất từ 2 - 4 tuần các triệu chứng mới xuất hiện sau khi tiếp xúc với vi khuẩn. Ở một số trường hợp cá biệt, triệu chứng có thể xảy ra ngay sau vài giờ hoặc có khi nhiều năm sau khi nhiễm khuẩn. Cũng có một số ít người mắc bệnh mà không có biểu hiện nào.
Bệnh Whitmorethường trải qua 4 giai đoạn với các dấu hiệu điển hình sau:
- Nhiễm trùng cục bộ: Trong giai đoạn này, trên da bệnh nhân sẽ nổi những nốt sần đỏ, mưng mủ gây loét da, đau đớn và đi kèm cùng với một số triệu chứng như: Sốt, sụt cân, đau bụng hoặc đau ngực, đau cơ hoặc đau khớp, đau đầu, co giật, đồng thời các vết loét cũng xuất hiện ở nhiều cơ quan trong cơ thể như gan, phổi, lá lách và tuyến tiền liệt. Thậm chí, tình trạng nhiễm trùng còn xảy ra ở khớp, xương, hạch bạch huyết hoặc não.
- Nhiễm trùng phổi: Thường khi vi khuẩn Whitmore xâm nhập vào phổi, người bệnh mới nhận thấy những triệu chứng rõ ràng và đi khám. Các triệu chứng đó thường là: Ho có đờm hoặc không có đờm, đau ngực khi thở, sốt cao, nhức đầu và đau nhức cơ, sụt cân…
- Nhiễm trùng máu: Nếu không được điều trị nhanh chóng và đúng phác đồ, tình trạng nhiễm trùng phổi ở bệnh nhân sẽ tiến triển thành nhiễm trùng máu, còn gọi là sốc nhiễm trùng. Đây là biến chứng nghiêm trọng của bệnh Whitmore. Khi bệnh đã ở vào giai đoạn này, nguy cơ tử vong rất cao. Sốc nhiễm trùng thường diễn tiến nhanh với các triệu chứng như: Sốt cao, kèm theo rùng mình và đổ mồ hôi, đau đầu, đau họng, khó thở, suy hô hấp, đau bụng trên, tiêu chảy, đau khớp và cơ, mất phương hướng. Vết loét có mủ trên da, bên trong gan, lá lách, cơ hoặc tuyến tiền liệt.
- Nhiễm trùng toàn thân: Khi bệnh tiến đến giai đoạn cuối cùng, tình trạng nhiễm trùng toàn thân sẽ xảy ra, gây nên những triệu chứng: Đau hoặc sưng ở tuyến mang tai; đau cơ, khớp; gan, phổi, lá lách, hạch bạch huyết, tuyến tiền liệt… bị tổn thương; sốt cao, động kinh, co giật; xuất hiện vết loét hoặc áp xe trên da và khắp các cơ quan trong cơ thể. Những nốt này khởi nguồn là nốt cứng, màu xám hoặc trắng, sau đó trở nên mềm và bị viêm, trông giống như vết thương do vi khuẩn ăn thịt người gây ra.
Bệnh Whitmore có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm não cuống não, thường có liệt dây thần kinh sọ não (đặc biệt dây VII), yếu vận động ngoại vi, đôi khi có liệt mềm. Đối với những người đang mắc một số bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, suy thận, suy gan, thalassemia… thì có nguy cơ cao bị nhiễm trùng máu. Bên cạnh đó, người trên 40 tuổi, người bị nhiễm trùng phổi mãn tính (như xơ nang, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), giãn phế quản), ung thư hoặc một tình trạng khác ảnh hưởng đến chức năng hệ miễn dịch cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết.
Chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh
Gần đây bệnh Whitmore có nguy cơ tái bùng phát trở lại ở Việt Nam, nhiều địa phương đã ghi nhận số ca mắc bệnh Whitmore tăng đột biến, trong đó có nhiều ca tử vong. Bên cạnh đó, có nhiều loài động vật cũng dễ bị bệnh Whitmore như: Cừu, dê, heo, ngựa, mèo, chó… Tuy nhiên, căn bệnh này rất hiếm khi lây truyền từ người sang người, hoặc từ động vật sang người qua đường không khí mà chủ yếu lây truyền qua da bị trầy xước.
"Cho đến nay, bệnh Whitmore vẫn chưa có vaccine phòng bệnh, do đó nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì nguy cơ tử vong là rất cao, đặc biệt là đối với những người có bệnh nền như: đái tháo đường hay bệnh gan mạn tính. Đây là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, cần thời gian điều trị lâu dài, trung bình từ 8-12 tuần, một số trường hợp có thể kéo dài đến 6 tháng hoặc 1 năm tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh mà chi phí điều trị trong thời gian dài cũng ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế của gia đình" - BS Hùng chia sẻ.
Để chủ động phòng bệnh Whitmore hiệu quả, BS Đồng Minh Hùng khuyến cáo người dân không nên chủ quan với căn bệnh nguy hiểm này, để bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân được tốt hơn, cần lưu ý những vấn đề sau đây:
- Hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng;
- Sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao;
- Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh;
- Những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn;
- Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei và điều trị kịp thời.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao
Sun Life nhận giải dịch vụ khách hàng tốt nhất