Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nói về việc Đà Nẵng vượt qua “nguy cơ trở thành như Vũ Hán”!
Từ ngày 15/9, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận người bệnh đến khám và điều trị đầy đủ các chuyên khoa / Đà Nẵng ban hành Kế hoạch phối hợp ứng phó tai nạn tàu thuyền trên sông, biển
Đà Nẵng đã làm gì để vượt qua “nguy cơ trở thành như Vũ Hán”?
Như tin đã đưa, sáng 12/9, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã trực tiếp đến chào hỏi, cám ơn và chia tay những đoàn cán bộ y tế cuối cùng rời Đà Nẵng sau khi đã cùng hàng trăm y, bác sĩ khác trong cả nước đến chi viện cho TP này chống dịch Covid-19 trong suốt một tháng rưỡi qua.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại buổi chia tay các đoàn cán bộ y tế cuối cùng rời Đà Nẵng ngày 12/9 sau khi đến hỗ trợ TP này phòng, chống dịch Covid-19(Ảnh: HC)
Tại đây, ông Huỳnh Đức Thơ nhắc lại, ngày 4/8, ông gửi thư đề nghị TP Hải Phòng và tỉnh Bình Định cử cán bộ y tế tham gia hỗ trợ Đà Nẵng chống dịch Covid-19 tái bùng phát đợt thứ hai. Khi đó, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tuy chưa tới đỉnh dịch song cũng đã bước vào lúc cao điểm. Số ca mắc Covid-19 tăng nhanh mỗi ngày, có ngày lên tới 45 ca.“Tình hình gay cấn đến nỗi Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cũng hết sức sốt ruột. Thậm chí có những đồng chí lãnh đạo lo lắng sẽ xảy ra kịch bản Đà Nẵng dần dần sẽ trở thành giống như Vũ Hán ở Trung Quốc. Phải nói tình hình lúc đó hết sức đáng lo và rất nguy cấp!”- Ông Huỳnh Đức Thơ nói.
Ông cho hay, theo thống kê mới nhất, tổng số ca mắc Covid-19 mà Bộ Y tế công bố tại TP Đà Nẵng là 389 trường hợp, còn số ca nhiễm ở các địa phương khác nhưng có liên quan Đà Nẵng thì nhiều hơn nữa, khoảng gần 600 trường hợp. Đây là con số chưa từng có trên cả nước kể từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19 đến nay.
Qua truy xét kháng thể cho phép dự đoán đợt dịch Covid-19 thứ hai đã bắt đầu xuất hiện tại Đà Nẵng từ đầu tháng 7/2020, nhưng phải tới ngày 27/7 TP mới thực hiện cách ly xã hội. Như vậy là có gần 1 tháng dịch bệnh nguy hiểm này gần như tự do lây lan trong cộng đồng qua tới 6 chu kỳ lây nhiễm. Nếu tính theo hệ số lây nhiễm từ 2,5 – 3 thì ước tính trong cộng đồng có khoảng 500 – 600 người mắc.
Ông Huỳnh Đức Thơ nêu rõ: “Nếu 500 – 600 người đó không có biện pháp quyết liệt kiểm soát ngay từ đầu thì sẽ cứ thế tăng lên theo cấp số nhân, và nguy cơ Đà Nẵng cũng trở thành giống như Vũ Hán là có thật. Tuy nhiên bằng tất cả các biện pháp, bằng mọi sự nỗ lực, tôi cho rằng đến thời điểm này có thể nói Đà Nẵng đã kiểm soát được dịch bệnh một cách rất nhanh chóng!”.
Về các biện pháp Đà Nẵng đã thực hiện, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết, đầu tiên là đã cách ly xã hội một cách kịp thời, quyết liệt trên toàn TP để chuẩn bị cho phương án truy vết, phong tỏa, cách ly và dập dịch. Trong những ngày đầu, tâm trạng chung là rất lo lắng nhưng chỉ khoảng mười mấy ngày sau thì tình hình dần dần ổn định, cho phép nhận định đã đạt đỉnh dịch và “làm phẳng” được đường cong của dịch bệnh rất sớm.
Theo ông Huỳnh Đức Thơ, so với quy mô dịch bệnh đã lây nhiễm ra cộng đồng thì việc kiểm soát được như thế là rất sớm. Đến ngày 12/9, Đà Nẵng đã có ngày thứ 16 không có ca mắc Covid-19 do lây lan trong cộng đồng và là ngày thứ 14 không có trường hợp mắc Covid-19 mới. Trong 389 ca mắc Covid-19 trước đó, hiện chỉ còn 29 bệnh nhân đang điều trị. Toàn bộ 31 trường hợp tử vong đều có bệnh nền quá nặng như suy thận mạn, tiểu dường, tim mạch…
Trên toàn TP có hơn 60 “điểm nóng” đã phải thực hiện cách ly y tế, triển khai hàng loạt biện pháp thần tốc trong việc truy vết, xét nghiệm. Đến nay tất cả các “điểm nóng” đều đã được gỡ bỏ cách ly. TP đã xét nghiệm cho trên 320.000 lượt người, chiếm gần 1/3 dân số. Gần đây nhất là xét nghiệm gần 14.000 người tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020; xét nghiệm cộng đồng gần 72.500 người đại diện các hộ gia đình chưa được lấy mẫu xét nghiệm và tất cả đều âm tính.
“Những con số này cho phép Đà Nẵng khẳng định hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh, và từ 0h ngày 11/9 đã chuyển sang trạng thái có nguy cơ thấp nhất của Chỉ thị 19/CT-TTg. Rất vui là sức sống của Đà Nẵng sau hơn một tháng rưỡi bị “giam hãm” bởi dịch Covid-19 thì bây giờ được trở lại một cách mạnh mẽ. TP bắt đầu vui vẻ, quán xá, phố phường được phép hoạt động, người dân lại bắt tay vào làm ăn, ổn định và phát triển đời sống!” – Ông Huỳnh Đức Thơ nói.
Truyền thống dân tộc giúp Đà Nẵng không đơn độc, tự tin và kiểm soát được dịch bệnh
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho nay, khi đợt dịch thứ hai bùng phát trên địa bàn, lãnh đạo TP đã thấy lực lượng của ngành y tế địa phương sẽ đến lúc không thể gánh nổi mà nhất thiết phải có sức mạnh chi viện của các địa phương khác cùng với sự hỗ trợ của Bộ Y tế và các bệnh viện tuyến Trung ương.
Do vậy, lúc đầu lãnh đạo TP Đà Nẵng dự kiến gửi thư kêu gọi sự hỗ trợ của nhiều tỉnh, thành; tuy nhiên qua bàn bạc thì thống nhất trước mắt “chọn” một số địa phương không có hoặc ít bị ảnh hưởng dịch bệnh, đồng thời ngành y tế có điều kiện về nhân lực để giúp đỡ Đà Nẵng. Và nơi đầu tiên mà Đà Nẵng trông cậy là TP kết nghĩa Hải Phòng, tiếp đó là tỉnh Bình Định.
“Ngay sau khi thư của chúng tôi gửi đi đã nhận được sự hưởng ứng, phản hồi rất tích cực không chỉ của Hải Phòng, Bình Định mà còn từ Thừa Thiên – Huế, Nghệ An, TP.HCM… Điều đó giúp chúng tôi tự tin trong suốt quá trình chỉ đạo chống dịch vừa qua, rằng Đà Nẵng không bao giờ đơn độc, khi Đà Nẵng cần, khi Đà Nẵng kêu gọi, tôi tin là cả nước sẽ ủng hộ.
Và không chỉ Đà Nẵng, nếu mai này có nơi nào đó trên đất nước ta lâm vào tình cảnh như Đà Nẵng vừa rồi thì chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh chia sẻ, sẵn sàng lên đường giúp đỡ, hỗ trợ nhau. Hơn một tháng rưỡi qua, chúng tôi đã giữ niềm tin này một cách sâu sắc, đem lại động lực và lạc quan. Cho nên các bạn thấy, thời gian qua mặc dù vất vả như thế nhưng Đà Nẵng vẫn rất lạc quan, rất tự tin. Đó là điều phải khẳng định!” – ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.
Theo ông, tuy Đà Nẵng hiện vẫn còn tiếp tục áp dụng một số hạn chế nhất định để phòng chống dịch trong cộng đồng, nhưng với những kết quả đạt được tới thời điểm này đã có thể làm cho các đoàn cán bộ y tế đến hỗ trợ, giúp đỡ TP thời gian qua yên tâm đã hoàn thành sứ mệnh và trở về với vị trí công tác của mình tại các địa phương.
“Nhân dịp này tôi cũng suy ngẫm nhiều về truyền thống của đất nước, dân tộc mình, lịch sử của mình và thấy thật tự hào. Những lúc có nguy cơ, những lúc xảy ra hoạn nạn thì tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, nhường cơm xẻ áo, chia ngọt xẻ bùi của người dân, của các tỉnh, thành với nhau lại sâu sắc hơn bao giờ hết. Qua cuộc chiến đấu chống lại Covid-19 này thì những giá trị truyền thống đó lại càng biểu hiện cao độ.
Các đoàn cán bộ y tế từ các tỉnh, thành đã tự nguyện đến với Đà Nẵng lúc lâm nguy mà không hề lo sợ đến nguy hiểm đối với bản thân. Và không chỉ các bạn ở đây mà còn rất nhiều y, bác sĩ khác trên cả nước cũng sẵn sàng lên đường đến Đà Nẵng góp phần dập dịch. Chắc chắn khi đến đây, các bạn đã phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả, nguy hiểm nhưng chắc chắn các bạn cũng đã có những trải nghiệm đẹp nhất trong cuộc đời người chiến sĩ áo blouse trắng luôn nhiệt huyết và sẵn sàng hiến dâng!” – ông Huỳnh Đức Thơ bày tỏ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mức phạt áp dụng từ ngày 1/1/2025 với việc đeo tai nghe khi đi xe máy, ai cũng nên biết
Sáu nhiệm vụ trong tâm của ngành Nông nghiệp trong năm 2025
Dự báo thời tiết miền Bắc ngày mai 4/1: Vùng núi phía Bắc rét đậm, rét hại, có nơi dưới 11 độ
Ngành Thuế công bố 10 sự kiện nổi bật, trong đó có eTax Mobile
Hai tuyến cáp biển gặp sự cố, ảnh hưởng đến tốc độ internet Việt Nam đi quốc tế
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Quý I/2025 phải hoàn thành phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước