Tin tức - Sự kiện

Chủ tịch Quốc hội: Ngân sách thì vơi, các quỹ thì nhiều

Ngân sách nhà nước như dòng sông thì vơi mà các hồ (quỹ tài chính) thì giữ nhiều. Điều này đã làm phân tán nguồn lực nhà nước.

Bình Dương: Gần 100 người nhập viện nghi ngộ độc thuốc diệt mọt / Đắk Lắk: Vỡ đê, 1.000 ha lúa chìm trong biển nước

Toàn cảnh phiên thảo luận chiều 13/8. Ảnh: VGP/Lê Sơn.

Đây là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên thảo luận chiều 13/8 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Báo cáo của Đoàn giám sát về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách (QTCNNS) nhà nướcgiai đoạn 2013 – 2018.

Nhiều chủ thể được thành lập quỹ nhưng không độc lập với ngân sách

Đánh giá những tồn tại, hạn chế trong việc ban hành văn bản pháp luật quy định việc quản lý, sử dụng các QTCNNS, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính và ngân sách Nguyễn Đức Hải – Trưởng đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng các QTCNNS khá phức tạp, chưa rõ ràng, chưa có một văn bản pháp luật để thống nhất quản lý các quỹ. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý quỹ chậm được ban hành hoặc chậm được sửa đổi, không phù hợp với thực tiễn gây khó khăn trong việc quản lý, sử dụng ở một số quỹ

Theo Đoàn giám sát, giai đoạn trước khi sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) vào năm 2015 chưa có một khái niệm thống nhất để luật hóa về nội hàm QTCNNS và không có quy định về thẩm quyền thành lập các QTCNNS. Đến năm 2015, Luật NSNN (sửa đổi) đã quy định: “Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước là Quỹ do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập, hoạt động độc lập với NSNN, nguồn thu, nhiệm vụ chi của Quỹ để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, việc quy định như Luật NSNN năm 2015cũng chưa thực sự rõ ràng, chưa làm rõ được cơ quan có thẩm quyền thành lập quỹ, dẫn đến có rất nhiều cách hiểu khác nhau về QTCNNS.

“Hiện nay chưa có một văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa các quy định tại Luật NSNN 2015 nhằm điều chỉnh các nguyên tắc chung về QTCNNS”, ông Hải nêu rõ.

Báo cáo của Đoàn giám sát cũng chỉ rõ: Mặc dù nhiều quỹ thành lập với mục tiêu là huy động nguồn lực khác ngoài NSNN, nhưng kết quả cho thấy, nguồn lực tài chính của một số quỹ về cơ bản được hình thành từ nguồn NSNN cấp. Trong khi, theo quy định của Luật NSNN năm 2015, từ năm ngân sách 2017, NSNN không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các QTCNNS. Theo đó, đối chiếu với các quỹ được NSNN hỗ trợ kinh phí hoạt động hiện nay có rất nhiều quỹ chưa phù hợp với quy định của Luật NSNN năm 2015, ngoại trừ các quỹ được NSNN cấp kinh phí để thực hiện nghĩa vụ của Nhà nước.

Đề xuất ban hành Pháp lệnh về quản lý các quỹ

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằngcâu chuyện đặt ra là hiện nay có bao nhiêu quỹ, tại sao cứ ban hành một luật thì lại lập một quỹ trong khi hành lang pháp lý còn chung chung, chưa rõ ràng, chặt chẽ. Nhiều quy định việc thành lập quỹ nói là độc lập với ngân sách nhà nước nhưng thực tế nguồn thu có từ ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ và nguồn đóng góp. “Như vậy, có đóng góp của ngân sách nhà nước thì có độc lập không?”, bà Nga đặt câu hỏi.

Do vậy, bà Nga cũng kiến nghị cần làm rõ hoạt động của các quỹ hiện nay ra sao, đã xảy ra bao nhiêu sai phạm, nguyên nhân là gì? Việc để xảy ra các sai phạm có trách nhiệm của cơ quan thành lập quỹ, có trách nhiệm của Quốc hội trong việc xây dựng hành lang pháp lý đủ tầm để kiểm soát hoạt động của các quỹ này.

“Tôi đề xuất ban hành Pháp lệnh về quản lý các quỹ sao cho hiệu quả. Trong đó, chỉ rõ từng cơ quan nào được thành lập quỹ, cơ quan nào quản lý, độc lập với ngân sách thế nào, xử lý sai phạm ra sao nếu có”, bà Nga kiến nghị.

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng băn khoăn với đề nghị của Đoàn giám sát trong việc xem xét giải thể một số quỹ.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, phải rà soát, đánh giá lại toàn bộ hoạt động của các quỹ, nhất là quản lý đồng tiền và tính hiệu quả của các quỹ này như thế nào.

Ông Phan Thanh Bình tán thành việc cần ban hành một văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và hoạt động của các loại quỹ này.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo. Ảnh: VGP/Lê Sơn.

"Quỹ nào hoạt động không hiệu quả thì thôi"

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao Báo cáo của Đoàn giám sát đối với các QTCNNS này. Qua đó, cho thấy bức tranh tổng thể về hoạt động của các quỹ hiện nay.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc thành lập các quỹ do nhiều cơ quan, chủ thể quyết định với hơn 100 văn bản cho phép với chức năng, nhiệm vụ khác nhau, nguồn vốn, chế độ chi thực hiện nhiệm vụ cũng khác nhau… Vì thế, phải chấn chỉnh, rà soát lại. "Quỹ nào hoạt động không hiệu quả thì thôi", Chủ tịch Quốc hội nói

“Việc hình thành các quỹ chưa thống nhất, thiếu rõ ràng, không minh bạch với quá nhiều quỹ làm phân tán nguồn lực. Dòng sông (ngân sách nhà nước) thì vơi, mà các hồ (quỹ tài chính) thì vẫn giữ nhiều nước”, Chủ tịch Quốc hội ví von.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về đánh giá hoạt động của các QTCNNS, đưa ra định hướng, đề nghị Chính phủ có lộ trình rà soát, sắp xếp, đánh giá, tổ chức lại hoạt động của các quỹ này sao cho hiệu quả. Từ nay, khi ban hành văn bản pháp luật chuyên ngành thì không được quy định thành lập quỹ trong đó.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, trên cơ sở ý kiến phát biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí ban hành Nghị quyết giám sát về quản lý hoạt động của các QTCNNS. Giao Chính phủ rà soát, đánh giá tác động, báo cáo Quốc hội để xem xét những quỹ thuộc thẩm quyền Quốc hội. Chính phủ đánh giá các quỹ thuộc thẩm quyền Chính phủ. Đồng thời kiên quyết loại bỏ các quỹ hoạt động kém hiệu quả. Tiến tới giảm dần hỗ trợ từ ngân sách cho các quỹ và kiên quyết không thành lập các quỹ mới.

Theo Lê Sơn/Báo Chính phủ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm