Tin tức - Sự kiện

Chưa xong nghĩa vụ thi hành án sẽ không được xuất cảnh

Tổng cục Thi hành án dân sự đề xuất, bổ sung trong quyết định thi hành án dân sự nội dung “người phải thi hành án khi chưa thi hành xong nghĩa vụ thì chưa được xuất cảnh” và gửi quyết định thi hành án này cho cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh.

Quảng Bình: Rừng bị phá nghiêm trọng / Phải chấm dứt thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ tại chùa Ba Vàng

Chưa thi hành xong nghĩa vụ thi hành án sẽ không được xuất cảnh - 1

Tại cuộc họp về xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 62/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự vừa diễn ra, đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết một trong những vấn đề đáng quan tâm liên quan đến việc tạm hoãn xuất cảnh đối với người phải thi hành án.

Theo quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh, người đang có nghĩa vụ thi hành án thì chưa được xuất cảnh. Còn trong lĩnh vực thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền quyết định chưa cho người phải thi hành án xuất cảnh.

Cơ quan thi hành án phải ra quyết định cấm xuất cảnh đối với người phải thi hành án chưa thi hành xong nghĩa vụ theo bản án, quyết định. Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự không kịp thời ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh, người phải thi hành án xuất cảnh ra nước ngoài dẫn đến khiếu nại, tố cáo.

Do đó, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung trong quyết định thi hành án nội dung “người phải thi hành án khi chưa thi hành xong nghĩa vụ thì chưa được xuất cảnh” và gửi quyết định thi hành án này cho cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh. Quy định như vậy sẽ giảm bớt trình tự, thủ tục cũng như trách nhiệm cho cơ quan thi hành án dân sự nhưng cần có sự thống nhất với cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh.

Bà Lê Thị Kim Dung- Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1 (Tổng cục Thi hành án dân sự) phân tích, nếu bổ sung trong quyết định thi hành án nội dung “người phải thi hành án khi chưa thi hành xong nghĩa vụ thì chưa được xuất cảnh” sẽ phát sinh trách nhiệm rà soát của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh nên cần nghiên cứu kỹ lưỡng.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho rằng, quy định theo hướng này không những sẽ giảm bớt thủ tục hành chính cho cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, giúp quyết định thi hành án mang tính răn đe hơn mà còn giúp bản thân người phải thi hành án nắm rõ được nghĩa vụ của mình.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long yêu cầu phạm vi sửa đổi nghị định cần được đánh giá tác động với các văn bản luật khác có liên quan; đánh giá sự ảnh hưởng tới các chủ thể, đặc biệt là hệ thống cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên.

Ông Long yêu cầu nghiên cứu thêm một số quy định về xử lý nợ xấu, pháp nhân thương mại, phần dân sự trong bản án hình sự... Đặc biệt, dự thảo nghị định phải đảm bảo hướng tới sự công bằng cho người được thi hành án, siết chặt trách nhiệm của người phải thi hành án và giảm bớt một số quyền chưa phù hợp với năng lực và thẩm quyền của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự.

Đối với quy định người phải thi hành án khi chưa thi hành xong nghĩa vụ thì chưa được xuất cảnh là đúng nguyên lý, phù hợp với pháp luật về xuất, nhập cảnh song cũng cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm các nước để đảm bảo tính khả thi.

Theo dantri.com.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm