Tin tức - Sự kiện

Cục Di sản văn hóa lên tiếng về hai pháp khí còn thiếu của Bảo vật quốc gia Tượng Bồ tát Tara

DNVN - Sau loạt bài về hai pháp khí quan trọng của Bảo vật quốc gia Tượng đồng Bồ tát Tara bị thiếu, Doanh nghiệp Việt Nam được tin Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) đã có văn bản đề nghị Sở VH-TT-DL Quảng Nam tham mưu UBND tỉnh cho phép Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng tiếp nhận 02 hiện vật này từ tổ chức, cá nhân hiến tặng hoặc chuyển giao.

Bài 1: Bảo vật quốc gia Tượng Bồ tát Tara đang bị thiếu hai pháp khí quan trọng / Bài 2: Hai pháp khí quan trọng của Bảo vật quốc gia Tượng Bồ tát Tara đang ở đâu?

Như tin đã đưa, sau khi có văn bản đề nghị của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam, ông Nguyễn Thanh Hồng đã có báo cáo 554/SVHTTDL-QLVH (ngày 20/5/2020) cho biết đã vận động cộng đồng nhân dân thôn Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình) giao nộp và đã đưahai pháp khí Hoa sen và Con ốc là hai chi tiết còn thiếu của Bảo vật quốc gia Tượng Bồ Tát Tara về bảo quản tạm thời tại Bảo tàng tỉnh Quảng Nam.

Bảo vật quốc gia Tượng Bồ tát Tara tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng thu hút đông đảo khách tham quan (Ảnh: Ngọc Hà)

Bảo vật quốc gia Tượng Bồ tát Tara tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng thu hút đông đảo khách tham quan (Ảnh: Ngọc Hà)

Trong báo cáo 554/SVHTTDL-QLVH (ngày 20/5/2020), Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam cũng đề nghị UBND tỉnh Quang Nam, Bộ VH-TT-DL “theo thẩm quyền để xem xét quyết định giao 2 di vật, cổ vật trên cho Bảo tàng công lập có chức năng thích hợp để bảo vệ và phát huy giá trị, được quy định tại khoản 2, Điều 41 Luật Di sản văn hóa”.

Theo thông tin Doanh nghiệp Việt Nam nhận được, chưa đầy 1 tuần sau khi tiếp nhận báo cáo 554/SVHTTDL-QLVH (ngày 20/5/2020) của Sở VH-TT-DL Quảng Nam, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) Lê Thị Hiền đã có Văn bản số 328/DSVH-BT ngày 26/5/2020 hồi đáp Sở VH-TT-DL Quảng Nam “về hai hiện vật là chi tiết của Bảo vật quốc gia Tượng Bồ tát Tara”.

Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Hiền nêu rõ, Tượng Bồ tát Tara được phát hiện và khai quật trên địa bàn thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (nay thuộc tỉnh Quảng Nam) vào năm 1978, hiện được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Năm 2012, Tượng Bồ tát Tara được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia với hiện trạng không có 02 hiện vật Hoa sen và Con ốc.

“Việc xét công nhận Bảo vật quốc gia đối với Tượng Bồ tát Tara được thực hiện theo đúng quy định và trong các tiêu chí công nhận Bảo vật quốc gia không có yêu cầu phải còn nguyên vẹn (trên thực tế nhiều hiện vật khảo cổ tiêu biểu khác dù bị thiếu các thành phần hợp thành nhưng vẫn đảm bảo giá trị của Bảo vật quốc gia)” – Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Hiền nêu ý kiến tại Văn bản 328/DSVH-BT ngày 26/5/2020.

Cũng theo Cục trưởng Cục Di sản Lê Thị Hiền, 2 hiện vật Hoa sen và Con ốc (được xác định là chi tiết của Tượng Bồ tát Tara) do cộng đồng nhân dân thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình lưu giữ từ năm 1978 (trước thời điểm Luật Di sản văn hóa có hiệu lực gần 23 năm), nên việc xử lý không thể áp dụng theo quy định tại Điều 41 Luật Di sản văn hóa ngày 29/6/2001 (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 20 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18/6/2009).

Vì vậy, để Bảo vật quốc gia – Tượng Bồ tát Tara được hoàn chỉnh và phát huy tốt nhất giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, tại văn bản 328/DSVH-BT ngày 26/5/2020, lãnh đạo Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở VH-TT-DL Quảng Nam nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh cho phép Bảo tàng Điêu khắc Chăm được thực hiện sưu tầm 2 hiện vật nêu trên bằng phương pháp tiếp nhận hiện vật từ tổ chức, cá nhân hiến tặng hoặc chuyển giao.

Trong trường hợp này, tổ chức, cá nhân hiến tặng hoặc chuyển giao hiện vật là cộng đồng nhân dân thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Việc hiến tặng hoặc chuyển giao thực hiện theo thủ tục, trình tự quy định tại Điều 9 Thông tư 11/2013/TT-BVHTTDL ngày 16/12/2013 của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL quy định về sưu tầm hiện vật của bảo tàng công lập.

Vấn đề là vì sao Cục Di sản văn hóa đã có văn bản hướng dẫn từ hồi tháng 5/2020, đến nay đã tháng 1/2021, tức đã hơn 7 tháng trôi qua mà việc tiếp nhận hai pháp khí Hoa sen và Con ốc để “Bảo vật quốc gia – Tượng Bồ tát Tara được hoàn chỉnh và phát huy tốt nhất giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học” như ý kiến của lãnh đạo Cục Di sản văn hóa vẫn chưa được thực hiện?

Điều 9 Thông tư 11/2013/TT-BVHTTDL ngày 16/12/2013 về tiếp nhận hiện vật do tổ chức, cá nhân hiến tặng hoặc chuyển giao cho bảo tàng:

Việc tiếp nhận hiện vật do tổ chức, cá nhân hiến tặng hoặc chuyển giao cho bảo tàng thực hiện theo các bước sau:

1. Tổ chức khảo sát, nghiên cứu, thu thập thông tin về hiện vật của tổ chức, cá nhân có dự định hiến tặng hoặc chuyển giao hiện vật cho bảo tàng.

2. Lập Danh sách hiện vật dự kiến sưu tầm theo Mẫu số 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Hội đồng khoa học tổ chức xem xét, lựa chọn hiện vật có đủ tiêu chí theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.

4. Lập kế hoạch tiếp nhận hiện vật được hiến tặng hoặc chuyển giao trình Giám đốc bảo tàng hoặc cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

5. Tiếp nhận hiện vật, tài liệu có liên quan đến nguồn gốc hiện vật, quyền sở hữu và bản quyền đối với hiện vật (nếu có) từ chủ sở hữu hiện vật; lập Biên bản giao, nhận hiện vật theo Mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư này;

6. Thực hiện việc khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân đã hiến tặng hoặc chuyển giao hiện vật cho bảo tàng theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, pháp luật về tài chính và pháp luật về thi đua, khen thưởng.

7. Hoàn thiện hồ sơ sưu tầm hiện vật theo quy định của bảo tàng.


Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm