Văn hóa

Hai bảo vật quốc gia mới được công nhận tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng có gì đặc biệt?

DNVN - Ngày 5/1/2021, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho hay, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 2283/QĐ-TTg (ngày 31/12/2020) công nhận Bảo vật Quốc gia (đợt 9) năm 2020 gồm 24 hiện vật, nhóm hiện vật. Trong đó có hai hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Lễ hội “Chào năm mới 2021”: Đà Nẵng đã sẵn sàng chào đón du khách trở lại bình an và ấn tượng! / Sân bay quốc tế Đà Nẵng đảm bảo phục vụ khách chu đáo, an toàn phòng chống dịch trong dịp Tết

Hai hiện vật tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng mới được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2283/QĐ-TTg (ngày 31/12/2020) gồm Tượng Ganesha (chất liệu: Sa thạch; ký hiệu BTC 5; cao 95cm, dài 48cm, rộng 34cm) và Tượng Gajasimha (chất liệu: Sa thạch; ký hiệu BTC 221; cao 215cm, dài 100cm, rộng 84cm). Đây là các hiện vật độc bản, có hình thức độc đáo và giá trị đặc biệt tiêu biểu cho nền nghệ thuật tôn giáo của Champa qua các thời đại.

Tượng Ganesha được đưa về lưu giữ và giới thiệu tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng từ năm 1918

Tượng Ganesha được đưa về lưu giữ và giới thiệu tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng từ năm 1918 (Nguồn ảnh: Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng)

Tượng Ganesha được Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) phát hiện vào năm 1903 khi tiến hành khảo cổ tại đền-tháp E5 thuộc nhóm E (theo cách phân nhóm của các nhà khảo cổ học người Pháp) tại di tích Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam. Sau đó, tượng được đưa về lưu giữ và giới thiệu tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng từ năm 1918.

Theo thần thoại Ấn Độ, Ganesha là vị thần may mắn, tri thức và văn học; là con trai của thần Shiva và nữ thần Parvati. Ganesha là một trong những vị thần cổ xưa nhất của các ngôi đền Hindu và cũng là một trong số những vị thần được yêu mến nhất với khả năng dẹp bỏ những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.

Hình ảnh hiện vật được phát hiện tại di tích năm 1903 (ảnh trái) và bản vẽ của nhà khảo cổ học Henri Parmentier, in trong ấn phẩm “Inventaire descriptif des monument cams de l’Annam: Tome I. Description des monuments” năm 1909 (ảnh phải). Nguồn ảnh: Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng

Hình ảnh hiện vật được phát hiện tại di tích năm 1903 (ảnh trái) và bản vẽ của nhà khảo cổ học Henri Parmentier, in trong ấn phẩm “Inventaire descriptif des monument cams de l’Annam: Tome I. Description des monuments” năm 1909 (ảnh phải). Nguồn ảnh: Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng

Trong nghệ thuật điêu khắc tôn giáo, thần Ganesha thường được thể hiện trong hình dạng một người đàn ông thấp béo, bụng phệ, có đầu voi với hai tay, hoặc bốn tay hoặc nhiều hơn. Thần được thờ cúng rất rộng rãi trong cộng đồng những người theo Hindu giáo, có thể bắt gặp ở Ấn Độ, Sri Lanka, Bangladesh, Nepal và nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Ở Việt Nam, các tác phẩm thể hiện thần Ganesha có thể thấy trong nền văn hóa Champa và văn hóa Óc Eo (Phù Nam).

Chủ đề về thần Ganesha không thể hiện nhiều trong các tác phẩm điêu khắc Champa còn được lưu giữ đến ngày nay. Đây là một trong những tượng tròn hiếm hoi thể hiện vị thần ở dạng thức đứng, còn tương đối nguyên vẹn, có kích thước lớn, và mang nhiều đặc điểm độc đáo về phong cách trong giai đoạn sớm - khoảng thế kỷ VII – VIII, của nền nghệ thuật điêu khắc cổ này.

Tổng thống Ấn Độ và phu nhân dừng chân thưởng lãmTượng Ganesha trong chuyến thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng vào tháng 11/2018 (Ảnh: Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cung cấp từ nguồn Hoàng Vinh)

Tổng thống Ấn Độ và phu nhân dừng chân thưởng lãmTượng Ganesha trong chuyến thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng vào tháng 11/2018 (Ảnh: Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cung cấp từ nguồn Hoàng Vinh)

Năm 2014, tác phẩm đã vinh dự được giới thiệu trong trưng bày với chủ đề “The Lost Kingdoms – Hindu-Buddhist sculpture of early Southeast Asia”, tổ chức tại Bảo tàng Metropolitant, New York. (Ảnh: Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cung cấp từ nguồn ảnh: Suzanne DeChillo -The New York Times)

Năm 2014, tác phẩm đã vinh dự được giới thiệu trong trưng bày với chủ đề “The Lost Kingdoms – Hindu-Buddhist sculpture of early Southeast Asia”, tổ chức tại Bảo tàng Metropolitant, New York. (Ảnh: Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cung cấp từ nguồn ảnh: Suzanne DeChillo -The New York Times)

Tượng Gajasimha cũng được EFEO tìm thấy khi thực hiện cuộc khai quật tại Tháp Mẫm (Bình Định) năm 1933-1934. Sau đó, tượng được đưa về lưu giữ và giới thiệu tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng từ năm 1935.

Gajasimha (hay Voi – Sư tử) là một hình tượng linh thú trong thần thoại Ấn Độ với đầu voi và thân sư tử. Hình tượng đầu voi biểu trưng cho quyền năng của thần linh và thân hình sư tử là biểu trưng chiến thắng, uy quyền của một vị vua. Tại các đền-tháp, tượng Gajasimha sẽ được đặt trước cửa với vai trò bảo vệ sự tôn nghiêm cho công trình.

Tượng Gajasimha được đưa về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng từ năm 1935

Tượng Gajasimha được đưa về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng từ năm 1935 (Nguồn ảnh: Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng)

Trong nghệ thuật điêu khắc Champa, hình tượng này xuất hiện khá phổ biến qua nhiều giai đoạn với chất liệu đa dạng như sa thạch, đất nung; loại hình có thể là tượng tròn hay phù điêu trang trí,…

So sánh với các nhóm tượng cùng chủ đề đã được phát hiện, tác phẩm hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm là hiện vật có kích thước lớn nhất và còn nguyên vẹn, thể hiện hầu như đầy đủ các đặc điểm tiếu tượng của linh thú Gajasimha.

Ngoài ra, tác phẩm còn là minh chứng cho sự thuần thục và sáng tạo trong nghệ thuật tạc tượng động vật của cư dân Champa cổ, với sự kết hợp khéo léo giữa những hình tượng động vật trong tự nhiên cùng các con linh vật trong thần thoại, tôn giáo.

Di chuyển Tượng Gajasimha vào phòng trưng bày ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng những năm 1934-1935. (Ảnh: bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cung cấp từ nguồn ảnh: EFEO)

Di chuyển Tượng Gajasimha vào phòng trưng bày ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng những năm 1934-1935. (Ảnh: bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cung cấp từ nguồn ảnh: EFEO)

Tượng mang những nét đặc trưng về phong cách nghệ thuật của một trong những giai đoạn muộn nhất – đã được các nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật có uy tín xếp vào một phong cách riêng là phong cách Tháp Mẫm, khoảng thế kỷ XII – XIII, trong tiến trình phát triển của nền nghệ thuật điêu khắc Champa.

Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho hay, tính đến tháng 01/2021, Bảo tàng hạng 1 quốc gia này đang lưu giữ và giới thiệu tổng cộng 06 hiện vật điêu khắc đã được công nhận Bảo vật Quốc gia. Bao gồm Đài thờ Trà Kiệu (ký hiệu BTC 95), Đài thờ Mỹ Sơn E1 (ký hiệu BTC 6), Tượng Bồ tát Tara (ký hiệu 535/KL103), Đài thờ Đồng Dương (ký hiệu BTC 168), tượng Ganesha (ký hiệu BTC 5), tượng Gajasimha (ký hiệu BTC 221).

Tượng Gajasimha được giới thiệu tại Bảo tàng Mỹ thuật Houston (Texas) và Bảo tàng Hội Châu Á (New York) năm 2009, 2010. Ảnh do Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cung cấp từ nguồn sưu tầm

Tượng Gajasimha được giới thiệu tại Bảo tàng Mỹ thuật Houston (Texas) và Bảo tàng Hội Châu Á (New York) năm 2009, 2010. Ảnh do Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cung cấp từ nguồn sưu tầm

Hải Châu
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm