Giải ngân đầu tư công - Bài cuối: Linh hoạt cơ chế vốn đầu tư công
Sử dụng rượu bia, dắt xe máy qua chốt kiểm tra nồng độ cồn bị phạt không? / Tầm soát hiện đại và điều trị toàn diện ung thư vú cho người trẻ
Nếu tính theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì còn trên 247 nghìn tỷ đồng cần giải ngân và với thực trạng này, mục tiêu giải ngân đạt tối thiểu 95% được Thủ tướng Chính phủ giao sẽ rất khó khăn. Vì vậy rất cần sự vào cuộc quyết liệt và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, của các cấp, ngành, địa phương. Xung quanh vấn đề này, ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) đã có cuộc trao đổi với báo chí về những giải pháp thúc đẩy hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao.
Ông đánh giá như thế nào về tình hình giải ngân vốn đầu tư công đến thời điểm hiện nay?
Theo Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 30/11 là 460.980 tỷ đồng, đạt 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 6,77% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này cho thấy sự chuyển biến rất đáng khích kệ. Đó là nhờ sự chỉ đạo rất quyết liệt của các cấp, tháo gỡ từ Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cho tới triển khai của các bộ ngành, địa phương. Chính phủ đã liên tục có các Nghị quyết để tháo gỡ các vấn đề cụ thể liên quan đến triển khai dự án như vấn đề nguyên vật liệu, thủ tục, thẩm quyền quy định …
Đặc biệt, Thủ tướng đã có 2 chỉ thị, 2 công điện, thành lập 6 tổ công tác do 4 Phó Thủ tướng và 2 bộ trưởng của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm trưởng đoàn để làm việc với tất cả các địa phương, đánh giá, kiểm điểm tiến độ giải ngân từng tháng với từng địa phương, nhất là với địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn trung bình cả nước. Các bộ, các địa phương cũng quyết liệt, phân công, phân nhiệm vụ rõ ràng, thành lập các tổ công tác để làm việc với từng ban quản lý, từng dự án thúc đẩy tiến độ giải ngân.
Tuy nhiên, so với tổng kế hoạch vốn cần giải ngân trong năm 2023 thì tỷ lệ giải ngân 11 tháng qua vẫn đạt thấp. Bên cạnh đó, vẫn còn sự chênh lệch về tiến độ giải ngân giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Một số bộ, địa phương có tiến độ giải ngân cao như Ngân hàng Nhà nước đạt 94,74%, Bộ Giao thông Vận tải đạt 73,42%, Bộ Công an 71,61%, Bộ Quốc phòng 70%, tỉnh Vĩnh Phúc 98,97%, Đồng Tháp 95,19%..., nhưng vẫn còn 15 bộ, cơ quan Trung ương, địa phương chỉ giải ngân được dưới 15% và 2 địa phương dưới 35%.
Tình trạng này đã đặt ra vấn đề là cùng một cơ chế nhưng có đơn vị thực hiện rất tốt nhưng cũng có những đơn vị thực hiện chưa tốt. Điều này cần phải tìm nguyên nhân để có cái giải pháp ngắn hạn cũng như dài hạn cho năm kế hoạch tới.
Đến gần giữa tháng 11 mà tỷ lệ giải ngân của cả nước mới đạt một nửa kế hoạch. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, kết quả kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, của Tổ công tác số 5 do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm tổ trưởng tại các địa phương cho thấy, có rất nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của cả nước.
Cụ thể, là những vướng mắc về quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng cần có hướng xử lý như: chuyển đổi đất rừng, đất lúa, khai thác khoáng sản, các vướng mắc trong thực hiện các dự án thuộc chương trình mực tiêu quốc gia. Tình trạng thiếu nguyên liệu thi công tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (bị thiếu hụt cát sử dụng trong đắp nền để thi công các dự án giao thông trọng điểm).
Bên cạnh đó, đến tháng 9/2023 mới có hướng dẫn vốn chuẩn bị đầu tư, hướng dẫn điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được bố trí vốn trong dự toán năm 2023.
Hơn nữa, các vướng mắc trong tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng vướng quy hoạch sử dụng đất, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư... dẫn đến chậm thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng, thi công.
Việc phân bổ vốn còn bình quân, thiếu trọng tâm, trọng điểm; chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra... còn có tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Các chủ đầu tư thường dồn khối lượng hoặc tập trung thanh toán các hợp đồng vào mỗi cuối quý.
Một số các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn nên đến thời điểm báo cáo chưa thể giải ngân. Một số dự án đã phân bổ nhưng chưa giải ngân nên ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp.
Với kết quả giải nhân còn khá thấp, ngành tài chính đã có các giải pháp gì để gỡ khó cho giải ngân vốn đầu tư công và để đẩy nhanh tiến độ thời gian tới, thưa ông?
Ngành tài chính có hai chức năng chính là đảm bảo cân đối đủ nguồn vốn để thanh toán cho các nhiệm vụ chi ngân sách; trong đó có chi đầu tư và thực hiện thủ tục thanh toán. Về mặt nguồn vốn, chúng ta không bị áp lực về điều này. Về vấn đề thủ tục, trong năm 2021, Bộ Tài chính đã ban hành cơ chế mới về thanh toán, quyết toán dự án đầu tư công và bắt đầu thực hiện từ niên độ 2022. Với cơ chế mới này, đã giảm thiểu hồ sơ, rút ngắn thời gian xem xét thánh toán và đã ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình thanh toán thực hiện giao dịch trực tuyến.
Theo đó, ngay khi các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phân bổ chi tiết kế hoạch, Bộ Tài chính đã kiểm tra phân bổ, có ý kiến ngay về tính hợp lý trong kế hoạch năm để các bộ, địa phương có sự điều chỉnh, đảm bảo vốn bố trí được đúng cho các công trình cần.
Đặc biệt trong năm 2023, Bộ Tài chính đã tổ chức 3 tọa đàm ở 3 miền với các cán bộ làm trong lĩnh vực quản lý tài chính, kho bạc, ban quản lý dự án để cùng nhau trao đổi thống nhất về cơ chế thanh toán giải đáp cũng như tổng hợp những vướng mắc phát sinh trong quá trình thanh toán vốn đầu tư tại các bộ, ngành địa phương.
Cùng với đó, hàng tháng thực hiện theo nhiệm vụ được giao cũng như trách nhiệm của Tổ trưởng tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm tổ trưởng, Bộ rất sát sao tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công của các đơn vị, có những kiến nghị cụ thể tháo gỡ cũng như có những giải pháp hướng dẫn đơn vị trong quá trình thực hiện.
Bộ thường xuyên kiểm tra trực tiếp và trực tuyến với các địa phương và căn cứ vào những khó khăn thực tế Bộ đưa ra những kiến nghị, giải pháp để tháo gỡ kịp thời. Thực tế cho thấy, tại các địa phương được kiểm tra, đôn đốc đều có tỷ lệ giải ngân cao hơn thời điểm chưa được kiểm tra.
Trước thực trạng tỷ lệ giải ngân còn thấp như hiện nay, Bộ Tài chính tiếp tục kiến nghị các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc để triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về giải ngân vốn đầu tư công theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tại các nghị quyết, chỉ thị, công điện về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Đồng thời, Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc điều chỉnh, điều hòa các dự án giải ngân chậm hoặc không có khả năng giải ngân sang dự án có khả năng để đẩy mạnh giải ngân, lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ kế hoạch giải ngân theo từng tuần; đánh giá khả năng thực hiện trong năm 2023 (số vốn phải kéo dài, số vốn sẽ bị hủy).
Bộ Tài chính cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương làm rõ lý do, trách nhiệm trong việc đề xuất việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm sau nhưng khả năng giải ngân chậm làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo