Hà Nội dự thảo 3 kịch bản tăng trưởng GRDP năm 2020 trước tác động của Covid-19
DNVN - Trên cơ sở phân tích chi tiết tác động của dịch Covid-19 tới các ngành hàng, lĩnh vực sản xuất, thu hút đầu tư, thu ngân sách với các tình huống giả định dịch được khống chế ở các thời điểm khác nhau, UBND thành phố Hà Nội đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 của thành phố.
Rà soát, xác minh 76 hành khách trên cùng chuyến bay QR974 với ca nhiễm Covid-19 thứ 34 / Phụ huynh và học sinh thích thú với cách dạy học trên truyền hình khi có dịch Covid-19
Sáng 12/3, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Ban Cán sự đảng UBND Thành phố về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, trong đó tập trung đánh giá tác động dịch COVID-19 tới phát triển kinh tế-xã hội; tiến độ triển khai các dự án trọng điểm và giải pháp tháo gỡ khó khăn. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy chủ trì Hội nghị.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay, Thủ đô Hà Nội và cả nước đang thực hiện “nhiệm vụ kép”, trong đó nhiệm vụ trọng tâm đột xuất hàng đầu là phòng, chống dịch Covid-19, đi đôi với việc ngăn chặn suy giảm kinh tế và thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà thành phố đã đặt ra trong năm 2020, qua đó góp phần hoàn thành các mục tiêu của Thủ đô trong cả nhiệm kỳ.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: HNO)
Hà Nội hiện đóng góp 17% GDP và gần 20% tổng thu ngân sách của cả nước, cũng là địa phương có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Việc Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên (GRDP) sẽ góp phần quan trọng nhằm tạo công ăn việc làm, giữ ổn định đời sống, bảo đảm sinh kế cho người dân; giữ vững an ninh quốc phòng và tạo nguồn lực để thực hiện các chính sách an sinh xã hội của Thủ đô.
Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội thành phố, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, trong 2 tháng đầu năm, tình hình sản xuất, kinh doanh chịu ảnh hưởng kép của dịch bệnh COVID-19 và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm an toàn giao thông. Theo đó, một số sản phẩm công nghiệp giảm mạnh như bia, rượu giảm 23,2%... Kim ngạch xuất khẩu giảm 19%, kim ngạch nhập khẩu giảm 20,7%; khách du lịch giảm mạnh: trong đó khách Trung Quốc giảm 93,5%, Hàn Quốc giảm 51,4%,… khách nội địa giảm 27%.
Các ngành hàng sẽ chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19 khiến tốc độ tăng trưởng giảm là: Sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất đồ uống; may mặc; da giày; sản xuất xe có động cơ...
Đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Doãn Toản cho biết, lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng mạnh nhất vì 3 thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản chiếm 37% lượng khách du lịch đến Hà Nội. Sản xuất công nghiệp trong chuỗi giá trị bị ảnh hưởng trực tiếp khi 15% kim ngạch xuất khẩu, 40% kim ngạch nhập khẩu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc. Ngoài ra, vốn đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc chiếm khoảng 41,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài của Hà Nội dự báo sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt, thu ngân sách dự báo cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Trên cơ sở kết quả 2 tháng đầu năm, kịch bản tăng trưởng của cả nước và đánh giá sơ bộ tác động của dịch bệnh đến phát triển các ngành, lĩnh vực, Hà Nội cũng đã dự thảo 3 kịch bản tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020.
Cụ thể như sau: Kịch bản 1: quý I hết dịch, quý II lấy lại đà tăng trưởng và quý III, IV bứt tốc để GRDP năm 2020 tăng 7,51%, đạt kế hoạch đề ra (từ 7,5% trở lên). Kịch bản 2: quý I kiểm soát được dịch nhưng vẫn ảnh hưởng sang các quý sau, tăng trưởng không thể bứt tốc và cả năm 2020 GRDP tăng 6,93%, không đạt kế hoạch. Kịch bản 3: dịch bệnh kéo dài đến quý II và còn ảnh hưởng sang các quý tiếp theo, GRDP năm 2020 tăng 6,42%, không đạt kế hoạch.
Thành phố đã lựa chọn kịch bản 1 để tập trung chỉ đạo, điều hành nhằm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng từ 7,5% trở lên, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của cả nước. Để thực hiện được điều này, Hà Nội sẽ tập trung nắm vững tình hình, kịp thời tuyên truyền, ổn định tâm lý để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; kiểm soát tốt dịch bệnh; đẩy mạnh cải cách hành chính…
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định không điều chỉnh các mục tiêu kinh tế-xã hội trong năm nay mà quyết tâm thực hiện theo đúng kịch bản 1 đã đưa ra.
Bí thư Thành ủy cũng cho biết, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư và chỉ thị 11 của Thủ tướng, Hà Nội đặt mục tiêu phòng chống dịch COVID-19 lên hàng đầu. Đây là giải pháp giúp nhanh chóng tạo môi trường và điều kiện ổn định cho sản xuất và kinh doanh, phục hồi nền kinh tế Thủ đô.
Đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND TP sớm hoàn thiện, ban hành kế hoạch hành động, cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Các sở, ban ngành, quận huyện thị xã triển khai các giải pháp cụ thể trong từng ngành, địa phương đơn vị.
Đồng thời, yêu cầu Thành phố chủ động linh hoạt trong điều hành ngân sách; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tránh tập trung vào chống dịch mà chậm giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt với dự án lớn liên quan đến doanh nghiệp, người lao động...
PV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo