Tin tức - Sự kiện

Huế xây dựng đề án Festival bốn mùa để đa dạng sản phẩm du lịch

DNVN – Thừa Thiên Huế đang hoàn thiện đề án tổ chức Festival bốn mùa để đa dạng hoá sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách đến Huế. Trong năm 2021 tỉnh sẽ chọn triển khai một vài mùa Festival nhằm thử nghiệm mô hình tổ chức, để có điều chỉnh phù hợp, rút kinh nghiệm khi Festival chính thức diễn ra vào năm 2022.

Festival Huế lần đầu có nhà tài trợ Bạch Kim / Festival Huế 2020 có gì đặc sắc?

Mỗi mùa một Festival
Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đang xây dựng và hoàn thiện Đề án tổ chức Festival bốn mùa. Đề án dựa trên các sinh hoạt văn hóa, các lễ hội dân gian, các lễ hội mới du nhập có ý nghĩa cộng đồng trong một khung thời gian hợp lý để xâu chuỗi thành những hoạt động cộng đồng hưởng ứng làm vệ tinh, từ đó phát triển hoặc xây dựng mới một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật chính, làm “xương sống” cho lễ hội của mỗi mùa.
Chương trình khai mạc Festival Huế lần thứ X – năm 2018.

Chương trình khai mạc Festival Huế lần thứ X – năm 2018.

Đề án được xây dựng với mục tiêu tổ chức các chuỗi lễ hội, Festival phân bố cả 4 mùa trong năm nhằm thu hút du khách, phát triển kinh tế - xã hội, để Huế thực sự là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.
Trên cơ sở kết nối, khai thác thế mạnh các sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa dân gian diễn ra quanh năm trên địa bàn tỉnh, làm cho Huế thực sự trở thành một thành phố lễ hội với các hoạt động chuyên nghiệp, đa dạng, đa lĩnh vực trải suốt bốn mùa trong năm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách cũng như đời sống văn hóa của cư dân Huế và khai thác thế mạnh các di tích, điểm du lịch, các giá trị văn hóa lịch sử trên địa bàn.
Mùa Xuân sẽ có Festival Dân gian Huế. Đây là giai đoạn có sẵn nhiều sinh hoạt lễ hội truyền thống nhất trong năm, một trong những điểm mạnh cần khai thác để phục vụ du khách tìm hiểu về nét văn hóa truyền thống dân tộc của địa phương. Cao điểm của chuỗi hoạt động từ lễ hội đền Huyền Trân Công chúa ngày 9 tháng Giêng đến Tết Nguyên tiêu nhằm ngưỡng vọng tiền nhân.
Các hoạt động trước Festival sẽ diễn ra từ lúc Khai hội hoa Xuân: Hội vật, hội đu tiên, hội đua thuyền… cùng với đó là chuỗi hoạt động ở trung tâm TP. Huế, các sân khấu dành cho nghệ thuật dân gian truyền thống; không gian ẩm thực, trưng bày, triển lãm, không gian văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Mùa Hạ sẽ có Festival Huế (năm chẵn) và Festival Nghề truyền thống Huế (năm lẻ). Nội dung chính vẫn lấy Festival Huế và Festival Nghề truyền thống Huế làm trục chủ đạo.
Du khách mùa này chủ yếu là khách nội địa, do đó việc giới thiệu các loại hình nghệ thuật tổng hợp trong nước và thế giới (đối với Festival năm chẵn) và tôn vinh các làng nghề truyền thống (Festival năm lẻ) vẫn là yếu tố tạo nên sự khác biệt của điểm đến để thu hút du khách. Tức là vẫn duy trì tính chất của một Festival nghệ thuật quốc tế như lâu nay với các loại hình nghệ thuật kết hợp với các lễ hội đường phố, lễ hội áo dài, lễ hội cung đình và dạ tiệc Hoàng cung…
Festival Nghề truyền thống Huế được tổ chức vào các năm lẻ.

Festival Nghề truyền thống Huế được tổ chức vào các năm lẻ.

Mùa Thu sẽ có Festival Ẩm thực quốc tế Huế. Lễ hội ẩm thực sẽ lấy lễ Quốc Khánh làm thời điểm tổ chức với chủ trương đẩy mạnh quảng bá Huế - Kinh đô ẩm thực. Không gian tổ chức sẽ được chia thành các loại hình và đối tượng khác nhau. Xen kẽ với đó là các hội thi về ẩm thực, chế biến món ăn và chương trình liên hoan các nhóm dân vũ, hip- hop…
Mùa Đông sẽ có Festival Âm nhạc Huế, được tổ chức từ giữa tháng 12 đến Tết Dương lịch với cao điểm từ Lễ Giáng sinh đến lễ chào đón năm mới nhằm tạo điểm nhấn. Festival Âm nhạc mùa đông hướng đến xây dựng một lễ hội âm nhạc mang tính quốc tế định kỳ. Tùy vào điều kiện thực tế, tỉnh có thể tổ chức các cuộc thi về âm nhạc mang tính quốc tế tại Huế.
Tùy vào từng mùa để Ban tổ chức có thể điều phối và sắp xếp thời gian, không gian, địa điểm, chương trình, nội dung phù hợp nhất nhằm thu hút du khách, kích cầu du lịch.
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch
Qua 20 năm tổ chức Festival, một điểm dễ nhận thấy là các kỳ Festival được tổ chức trong phạm vi thời gian rất ngắn, hầu như tất cả sự phong phú, những gì tinh túy về di sản văn hóa - nghệ thuật, nghệ thuật sống, sinh hoạt cộng đồng, đời sống tâm linh, ngành nghề truyền thống của cư dân bản địa từ cung đình, bác học đến dân gian, truyền thống, từ cổ điển đến đương đại đều cùng góp mặt, phô diễn với du khách thập phương. Điều này minh chứng cho sự phong phú, đa dạng của văn hóa Huế, tạo sức hút tốt cho các kỳ Festival, khẳng định vị thế và xây dựng thương hiệu cho Festival Huế.
Tuy nhiên, việc có quá nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa được tổ chức đồng thời trong một thời gian ngắn của kỳ Festival gây không ít khó khăn, thậm chí quá tải trong công tác tổ chức, chưa thuận lợi cho việc thưởng ngoạn của công chúng. Trong khi đó, thời gian còn lại trong năm chưa có nhiều hoạt động thu hút du khách.
Thực tế này đòi hỏi cần có kế hoạch nghiên cứu, khai thác một cách toàn diện các tài nguyên văn hóa và cảnh quan, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị riêng có, phân bổ hợp lý trải dài quanh năm, tạo không khí năng động cho thành phố, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút du khách.
Lễ hội đường phố trong mỗi kỳ Festival luôn thu hút đông đảo người dân và du khách.

Lễ hội đường phố trong mỗi kỳ Festival luôn thu hút đông đảo người dân và du khách.

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho rằng, Festival là hoạt động phi lợi nhuận, tổ chức hoạt động Festival không nhằm mục đích kinh doanh nghệ thuật phục vụ giải trí, mà thực chất là hướng đến mục tiêu bảo tồn, phát huy thế mạnh về tầm vóc giá trị di sản văn hóa Huế; kích thích sự phát triển các ngành kinh tế, du lịch, dịch vụ; tăng cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân.
Do đó, hoạt động Festival đang được tỉnh từng bước xã hội hóa theo hướng mở ra nhiều cơ hội để người dân địa phương tham gia tích cực, chủ động với tư cách là chủ thể đầu tư, thực hành và thụ hưởng các thành quả của Festival. Cùng với đó, tỉnh kêu gọi nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, người dân, tìm kiếm đối tác xã hội hóa các chương trình, hoạt động tại các kỳ Festival.
“Festival bốn mùa dự kiến tổ chức vào năm 2022. Tuy nhiên, ngay từ năm 2021 tỉnh sẽ chọn triển khai một vài mùa Festival nhằm thử nghiệm mô hình tổ chức, khả năng phối kết hợp, quản lý các hoạt động giữa các đơn vị để có điều chỉnh phù hợp, rút kinh nghiệm khi Festival chính thức diễn ra”, ông Thọ cho biết thêm.
Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm