Tin tức - Sự kiện

Ngành bán lẻ đang phục hồi mạnh mẽ

Hơn 3.200 nghìn tỷ đồng là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước 7 tháng đầu năm. Con số này đã tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.

Sóc Trăng: Dự kiến vận hành xử lý vi phạm giao thông qua camera giám sát từ ngày 15/8 / Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Cần Thơ làm chủ đầu tư dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1

Hàng hóa, dịch vụ tiếp tục giảm giá theo giá xăng

Từ 15h ngày 11/8, mỗi lít xăng giảm thêm hơn 900 đồng, dầu cũng hạ 1.000 - 1.210 đồng (trừ dầu mazut). Đây là lần giảm giá thứ năm liên tiếp từ cuối tháng 6 đến nay của mặt hàng này.

Giá xăng giảm liên tiếp đã giúp giá cả nhiều hàng hoá và dịch vụ giảm theo. Đại diện Sở Công Thương TP Hà Nội cho biết, trên thị trường hiện có duy nhất mặt hàng trứng tăng nhẹ, 1.000 - 2.000 đồng/chục quả do đang là cao điểm sản xuất bánh kẹo phục vụ Tết Trung Thu. Còn các mặt hàng khác đã đồng loại giảm giá như thịt lợn giảm 15 - 20% các loại rau quả, đặc biệt là trái cây giảm sâu hơn, có loại giảm 30%. TP Hà Nội đã triển khai chương trình bình ổn giá để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

"Hà Nội đã triển khai chương trình bình ổn thị trường từ tháng 6/2022 để chỉ đạo các doanh nghiệp đăng ký đăng ký giá 12 mặt hàng thiết yếu và chỉ tăng giá khi đã có sự cho phép của Sở Công Thương và Sở Tài chính", bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay.

Ngành bán lẻ đang phục hồi mạnh mẽ - Ảnh 1.

Hàng hóa, dịch vụ tiếp tục giảm giá theo giá xăng. Ảnh minh họa.

Còn với lĩnh vực dịch vụ vận tải, sau khi giá xăng giảm, Hiệp hội taxi Hà Nội đã có văn bản đề nghị các hãng taxi trên địa bàn thực hiện việc giảm giá cước từ 500 đến 1.000 đồng/km.

Ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết: "Nếu so với giá xăng ở cái thời điểm này với thời điểm tháng 1/2022 ở mức 23.000 đồng thì vẫn đang tăng khoảng 7%. Chúng tôi đã có tính toán để giảm 1.000 đồng, tương đương với 7%".

Hiện Hiệp hội đang xây dựng kịch bản giá cước khi giá xăng giảm xuống dưới 23.000 đồng/lít để có những điều chỉnh kịp thời.

Thị trường bán lẻ khởi sắc

Việc giá cả nhiều loại hàng hoá, dịch vụ giảm sẽ giúp người tiêu dùng giảm bớt áp lực chi tiêu, cùng túi tiền đó họ sẽ mua được nhiều hàng hơn. Sau dịch COVID-19, thị trường bán lẻ đã bắt đầu sôi động trở lại.

 

Hơn 3.200 nghìn tỷ đồng là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước 7 tháng đầu năm. Con số này đã tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.

Một khảo sát của PwC ở 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam, chỉ ra rằng trên 75% người được hỏi sẽ duy trì hoặc tăng mức chi tiêu trong 6 tháng tới. Khảo sát nhanh của phóng viện tại một siêu thị cho thấy, hầu hết người tiêu dùng đã thoải mái hơn trong việc chi tiêu của mình, không quá "thắt lưng buộc bụng" như năm trước.

Sự chịu chi của người tiêu dùng đã mang đến sự tăng trưởng doanh thu cho các nhà bán lẻ. Hệ thống bán lẻ Winmart với 127 siêu thị và hơn 2.000 cửa hàng tiện lợi, trong 6 tháng đầu năm 2022, đạt đạt doanh thu hơn 14.000 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2021. Theo họ, giỏ hàng của người tiêu dùng đã đầy hơn so với năm ngoái.

"Mức chi cho mỗi giỏ hàng của người tiêu dùng đã tăng từ 10 - 20% sau dịch COVID-19. Người tiêu dùng hiện tại sẽ có xu hướng mua online hoặc đến các siêu thị, trung tâm thương mại ít hơn nhưng chi tiêu cho mỗi giỏ hàng cao hơn", ông Nguyễn Trọng Tuấn - Giám đốc Chuỗi siêu thị Winmart cho hay.

Ngành bán lẻ đang phục hồi mạnh mẽ - Ảnh 2.

Hiện hầu hết người tiêu dùng đã thoải mái hơn trong việc chi tiêu của mình. Ảnh minh họa.

 

Còn với hệ thống siêu thị BigC&Go, họ lên kịch bản cho nhóm những sản phẩm dễ biến động giá, từ đó có cam kết thương lượng ổn định giá với nhà cung cấp, nhờ đó mà mặc dù giá thị trường tăng cao nhưng họ vẫn giữ ổn định về giá.

"Với hệ thống của chúng tôi luôn duy trì có trên 1.000 sản phẩm khuyến mãi mỗi thời điểm. Với các giai đoạn biến động mạnh chúng tôi lại đưa ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn hơn với người tiêu dùng", ông Lê Mạnh Phong - Giám đốc Điều hành khối Cửa hàng BigC&Go Miền Bắc cho biết.

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, bên cạnh các chương trình kích cầu do thành phố tổ chức như: Chương trình khuyến mại tập trung năm 2022, Tuần hàng Việt… các doanh nghiệp bán lẻ, siêu thị lớn cũng liên tục triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại lớn thu hút người tiêu dùng, đẩy mạnh mua sắm.

"6 tháng cuối năm nhu cầu tiêu dùng của người dân bao giờ cũng tăng cao hơn so với 6 tháng đầu năm, đặc biệt dịp Tết Trung thu, mùng 2/9, Tết Dương lịch, Tết Âm lịch", bà Trần Thị Phương Lan cho biết.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng năm 2022 có quy mô cũng như tốc độ tăng đều cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng ước đạt hơn 2.500 nghìn tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước.

 

Nhiều yếu tố quyết định "danh mục" trong giỏ hàng của người tiêu dùng

Dù sẵn lòng chi tiêu nhiều hơn nhưng sự lựa chọn của người tiêu dùng đã có phần khắt khe hơn và không phải sản phẩm nào cũng được họ cho vào giỏ hàng. Theo NielsenIQ Việt Nam, đại dịch COVID-19 đã khiến xu hướng tiêu dùng các sản phẩm có yếu tố sức khỏe tăng vượt trội. 77% người được hỏi sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để mua những sản phẩm này. Xu hướng này đang định hình chiến lược sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cũng theo Kantar, thị trường đang chứng kiến sự thay đổi lớn về lực lượng người tiêu dùng chính - Gen Z (thế hệ được sinh từ năm 1995) và dần tiếp cận với Gen Alpha (sinh từ năm 2010) - nhóm đối tượng đang có tác động không nhỏ đến tiêu dùng.

Ông Peter Christou - Tổng Giám đốc Kantar Vietnam cho biết: "Gen Z đang trở nên ngày càng quan trọng trong thị trường, họ lớn lên cùng với Internet nên họ sẽ có khác biệt là cảm thấy thoải mái hơn để mua hàng online, thanh toán online và họ sẵn sàng thử những cái mới nên các nhãn hàng sẽ dễ dàng lấy được cảm tình hay sự chú ý của họ ngay lập tức, nhưng đồng thời cũng khó hơn để giữ họ trung thành với nhãn hiệu của bạn".

Khi đại dịch COVID-19 được ổn định, người tiêu dùng hiện đang dần chi tiêu nhiều hơn vào mặt hàng phi thực phẩm như thời trang, gia dụng, hoá mỹ phẩm. Theo đại diện của một số siêu thị, tỷ lệ sản phẩm phi thực phẩm từ 10% tăng lên 30% trong cơ cấu giỏ hàng của người tiêu dùng.

 

Cũng theo đại diện Kantar, thời gian tới, thu nhập trung bình của người Việt Nam sẽ tăng lên, sức mua và tinh thần mua cũng cao lên. Với đà phục hồi mạnh mẽ của ngành bán lẻ sẽ là động lực cho tăng trưởng GDP những tháng cuối năm khi mà tiêu dùng cuối cùng là bộ phận chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm khoảng 70% của GDP.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm