Nghị quyết 13: Phát huy vai trò “thủ lĩnh”, tạo liên kết, phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long
ĐBSCL: Thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, 486 ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt do tác động của môi trường và con người / ĐBSCL: Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và đầu tư công năm 2022
Mới đây, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 13. Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2001-2020.
Nghị quyết 13 đã đề ra 6 quan điểm chỉ đạo quan trọng và mới mẻ. Theo đó, Nghị quyết tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Tăng cường và đổi mới liên kết vùng, hoàn thiện thể chế, chính sách điều phối phát triển vùng hiệu quả, thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng với TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; mở rộng kết nối với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông.
Nghị quyết số 13 giao nhiệm vụ cho TP Cần Thơ đến năm 2030 trở thành trung tâm phát triển vùng.
Về nhiệm vụ và giải pháp, Nghị quyết đề ra đầy đủ, đồng bộ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, bao gồm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; về phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng.
Xác định “thủ lĩnh”, giải quyết điểm “nghẽn” liên kết vùng
Khi nhắc đến vùng ĐBSCL thường gắn với những cụm từ trù phú, lợi thế tài nguyên, thiên nhiên ưu đãi, nguồn lao động dồi dào nhưng thực tế thì lại khác. Hạ tầng giao thông vùng thiếu và yếu, đây là điểm nghẽn mà các bộ, ngành, địa phương trong vùng đều thấy rõ, chính giao thông kết nối yếu kém dẫn đến tăng chi phí trong các chuỗi giá trị sản xuất, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và kinh tế toàn vùng ĐBSCL.
Ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho biết: Nghị quyết số 13 giao nhiệm vụ cho TP Cần Thơ đến năm 2030 trở thành trung tâm phát triển vùng, có dịch vụ, thương mại, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, văn hoá xã hội, công nghiệp chế biến hiện đại. Đảng bộ TP Cần Thơ xác định đây là niềm tự hào, cũng là trọng trách, thách thức lớn đòi hỏi toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố quyết tâm triển khai thắng lợi Nghị quyết số 13.
Tuy nhiên, việc phát huy vai trò trung tâm của Cần Thơ bị mờ nhạt bởi hạ tầng giao thông bị kìm hãm, thiếu những tuyến đường giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và những tuyến đường để hàng hóa có thể xuất khẩu đi các nước trên thế giới. Chính điều này đã khiến cho Cần Thơ chưa thực sự trở thành một trung tâm kinh tế lớn để dẫn dắt các địa phương trong vùng cùng phát triển trong thời gian qua.
“Chúng ta ở vị trí trung tâm nhưng chúng ta không phát huy được vai trò trung tâm, không phải là một trung tâm kinh tế lớn thực sự để có thể dẫn dắt các địa phương khác đi theo cùng. Vì chúng ta thiếu sự kết nối, chúng ta ở giữa nhưng mà chúng ta không có các con đường để kết nối xung quanh, không có trục giao thông để về TP Hồ Chí Minh, không có đường để hàng hóa có thể xuất được đi các nước trên thế giới, như vậy không phát huy được vai trò lợi thế, đặc điểm và cái ưu việt của chúng ta so với các địa phương khác”, Bí thư Cần Thơ Lê Quang Mạnh nêu những vướng mắc.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chia sẻ, để vùng ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững cần xác định những khâu đột phá và giải quyết được điểm “nghẽn” về hạ tầng giao thông, nếu như không giải quyết được hạ tầng giao thông thì vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục tụt hậu sâu so với các vùng khác trên cả nước.
Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, hệ thống hạ tầng giao thông, một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của vùng ĐBSCL. Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành 5 quy hoạch chuyên ngành và được Thủ tướng phê duyệt 4, còn 1 đang chờ ký. Quy hoạch xác định phát triển hướng kết nối giao thông từ ĐBSCL đến TP Hồ Chí Minh thông qua các tuyến cao tốc, tuyến đường thủy làm cho việc đi lại thuận lợi hơn, phát triển hết tiềm năng lợi thế của vùng.
Bộ GTVT cũng đang triển khai tuyến cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc, cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, từ đó hoàn chỉnh kết nối trục dọc - ngang. Nếu thực hiện đúng kế hoạch thì 5 năm tới, ĐBSCL sẽ có đến 448 km đường cao tốc, tăng gấp 10 lần so với hiện nay.
“Đường rộng, vận chuyển hàng hoá lưu thông thuận lợi thì thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn. Tôi tin rằng toàn bộ khu vực ĐBSCL sẽ chuyển động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo công ăn việc làm cho người lao động, phát triển thương mại”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.
Hệ thống hạ tầng giao thông, một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của vùng ĐBSCL.
Mặc dù đang nắm giữ nhiều lợi thế để bứt phá, phát triển nhưng vùng ĐBSCL đang phát triển phân tán, quy mô nhỏ lẻ, giá trị thấp, chủ yếu phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên. Vấn đề liên kết vùng, liên kết với vùng Đông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh để cùng phát triển vẫn đang là điểm nghẽn chưa thể gỡ nút thắt, khiến cho sự phát triển của vùng ĐBSCL không thực sự bền vững.
Có một thực tế cần nhìn nhận rằng, các địa phương trong vùng ĐBSCL đang bị tách rời bởi địa giới hành chính, chưa có sự liên kết chặt chẽ để tạo động lực phát triển chung cho cả vùng. Ngoài ra, nhiều công trình, dự án có tính liên vùng, liên ngành, có quy mô lớn nhằm thay đổi bức tranh phát triển bền vững ĐBSCL vẫn còn chậm triển khai thực hiện. Cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư từ khối tư nhân và xã hội còn gặp nhiều khó khăn, chưa tạo được đột phá, đặc biệt là sau tác động của dịch COVID-19.
Theo TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực của ĐBSCL từ lâu luôn là vùng trũng của cả nước nhưng vẫn chưa được khắc phục. Ngoài ra, thách thức kinh tế càng trở nên bức xúc khi ĐBSCL tụt hậu ngày càng xa so với vùng Đông Nam Bộ, thậm chí cảm nhận bị “bỏ rơi” trong sự phát triển chung của cả nước.
“Ưu tiên về đường cao tốc nối liền giữa TP Hồ Chí Minh đến Cà Mau hết sức quan trọng. Thứ hai nữa cái sự tập trung này cũng liên quan đến phát triển giá trị và phát triển các cụm ngành, tạo ra một cơ chế hợp tác và liên kết vùng, thay vì mạnh ai người nấy chạy. Và cuối cùng là cái điều kiện cương quyết của điều này là chúng ta phải thay đổi cơ chế khuyến khích, vì với cơ chế khuyến khích hiện nay thì quy hoạch rất bị phá vỡ cũng như các tỉnh vẫn có động cơ để chạy theo lợi ích của riêng mình”, TS Anh nêu quan điểm.
Phát triển ĐBSCL: Hướng đến lợi ích chung và bền vững
ĐBSCL là một trong sáu vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, hàng năm xuất khẩu thủy sản, trái cây, lúa gạo đóng góp hàng tỷ USD, là một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước. Và điều quan trọng là ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực của quốc gia.
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn - Chuyên gia nghiên cứu Biến đổi khí hậu, vai trò liên kết vùng ĐBSCL chưa được thể hiện rõ, việc mạnh địa phương nào địa phương đó sản xuất và câu chuyện chạy theo số lượng đã khiến cho người dân chịu ảnh hưởng nặng nề khi dịch bệnh xảy ra thời gian qua. Một số địa phương đã nhận thức rõ được vấn đề, đảo chiều ưu tiên thủy sản, trái cây rồi mới đến lúa gạo. Những địa phương ven biển đã tập trung vào mô hình tôm - lúa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với thuần túy trồng lúa.
Ông Tuấn cho rằng, để ĐBSCL phát triển bền vững cần thể hiện rõ được tính liên kết vùng và liên kết các nhà liên quan trong phát triển ĐBSCL. Đồng thời, phát huy các tiềm năng, lợi thế của vùng, biến thách thức thành cơ hội, hướng tới mục tiêu phát triển vùng bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Chúng ta quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL theo hướng tích hợp tất cả các ngành khác để chúng ta phát triển lâu dài, bền vững chung vùng ĐBSCL. Điều nữa chúng ta phải tiếp tục trong vấn đề liên kết vùng với nhau và liên kết các nhà liên quan trong việc phát triển ĐBSCL, cái này phải tiếp tục trong giai đoạn tới”, ông Tuấn nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu Tư chia sẻ: ĐBSCL là vùng có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, không chỉ là trụ đỡ, bảo đảm an toàn, an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản, mà còn là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, vùng ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức do tác động của biến đổi khí hậu, các hoạt động phát triển ở thượng nguồn châu thổ, mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, khai thác sử dụng tài nguyên với cường độ cao, thiếu bền vững, gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng.
Phát triển đô thị và kết cấu hạ tầng của vùng ĐBSCL hiện nay chưa tương xứng với yêu cầu phát triển, việc kết nối hạ tầng giao thông nội vùng, liên vùng, đặc biệt là việc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ còn kém phát triển, tạo rào cản trong việc kêu gọi vốn đầu tư trong và ngoài nước.
“Chúng ta đã lập ra Hội đồng vùng rồi, lập ra cơ chế điều phối vùng rồi, quyết định những vấn đề của vùng. Như vậy mà chúng ta đồng thuận, thống nhất đấy thì chúng ta phải đặt lợi ích của vùng lên trên, chứ không phải đặt lợi ích cục bộ của từng địa phương. Phải đặt lợi ích chung của đất nước, lợi ích chung của vùng lên trên sau mới đến lợi ích của từng tỉnh, mà địa phương mình phải nằm trong lợi ích chung của vùng”, ông Dũng nhấn mạnh.
Là một trong sáu vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, nắm giữ nhiều tiềm năng, thế mạnh về xuất khẩu nông sản của đất nước. Tuy nhiên, việc liên kết, kết nối nội vùng với TP Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ chưa đạt kỳ vọng. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chi phí logistics tăng khi hàng hóa đều phải thông qua TP Hồ Chí Minh và vai trò điều phối của Hội đồng Điều phối (HĐĐP) vùng ĐBSCL còn mờ nhạt.
Thấy rõ điểm nghẽn trong liên kết, vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức mở văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL. Văn phòng với nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, liên kết khoa học công nghệ, thị trường, nguồn lực, đào tạo lao động nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao để đáp ứng yêu cầu phát triển vùng ĐBSCL.
Hiện, ĐBSCL đang đứng trước những thách thức, cơ hội đan xen, vì vậy cần phải phát huy hơn nữa vai trò HĐĐP vùng, đặc biệt trong đề xuất các giải pháp mang tính tổng thể liên ngành, kết nối vùng, các chương trình, dự án trọng điểm mang tính động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL trong thời gian tới.
Câu chuyện rõ nhất có thể thấy trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, mỗi địa phương đưa ra biện pháp phòng, chống dịch và quy định khác nhau, khiến cho giao thông đi lại gặp muôn vàn khó khăn, chính sự thiếu thống nhất dẫn tới hàng hóa, nông sản bị đứt gãy từ cánh đồng đến nhà máy. Điều này đã khiến cho nhiều nông sản của người dân không thể tiêu thụ, thiệt hại lớn về kinh tế. Rõ ràng, vùng ĐBSCL muốn phát triển nhanh, bền vững thì không thể đi một mình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh