Những hình ảnh đầu tiên về tiêm vaccine COVID-19 tại Việt Nam
Nữ sinh viên nghi nhiễm Covid-19 ở TP Hải Dương âm tính nCoV khi xét nghiệm lại / Mong muốn Anh tạo thuận lợi cho Việt Nam trong cung ứng vaccine COVID-19
Các cán bộ y tế, những người trực tiếp tham gia công tác tiếp nhận, chăm sóc, điều trị bệnh nhân hoặc có tiếp xúc với các nguồn nguy cơ lây nhiễm COVID-19 sẽ tiêm đợt này.
Chị Đỗ Thị Nhài, cán bộ trạm y tế phường Tân Hưng là người tiêm vaccine COVID-19 thứ 2 tại Hải Dương. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trực tiếp tiêm vaccine phòng COVID-19 cho chị Nhài. |
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên trực tiếp tiêm vaccine cho cán bộ y tế
Đúng 8h sáng, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương, Bộ Y tế và UBND tỉnh Hải Dương đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19.
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết đến nay dịch COVID-19 tại nước ta đang được kiểm soát và khống chế tốt. Đối với các dịch bệnh do virus thì vaccine là giải pháp quan trọng để kiểm soát, khống chế dịch.
Thứ trưởng đề nghị tỉnh rà soát lại kế hoạch tiêm chủng, UBND tỉnh ban hành để triển khai đồng bộ trong toàn tỉnh việc tiêm vaccine. Đối tượng tiêm chủng tuân theo Nghị quyết 21 của Chính phủ. Đồng thời bố trí các điểm tiêm tuân thủ nguyên tắc phòng chống dịch: khẩu trang, khoảng cách, sát khuẩn...
Tất cả chất thải sau tiêm chủng phải được xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, cần tổ chức sàng lọc rất kỹ trước khi tiêm vì đây là vaccine mới. Thứ trưởng lưu ý “5 K+ vaccine”, không quá dựa vào vaccine khi mà tình hình sản xuất vaccine trên thế giới chưa đáp ứng được nhu cầu, sản xuất vaccine trong nước đang trong giai đoạn thử nghiệm.
“Không vì tiêm vaccine mà lơ là công tác phòng chống dịch”- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Hình ảnh tiêm vaccine COVI-19 tại Hải Dương. - Ảnh: VGP |
Ngay tại buổi lễ triển khai chiến dịch, 50 cá nhân sẽ tiêm vaccine COVID-19 sáng ngày 8/3 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương đã lần lượt tiến hành thực hiện các quy trình thăm khám sức khỏe trước khi vào tiêm vaccine.
Trong số 50 người này, ngoài đa số là cán bộ y tế, sinh viên tham gia chống dịch còn có cả lao động tự do, công nhân, Bí thư Đoàn Thanh niên... là những thành viên của tổ COVID-19 cộng đồng.
Người đầu tiên tiêm mũi văc xin phòng COVID-19 là chị Phạm Thị Tuyết Nhung, 40 tuổi là nhân viên y tế TTYT TP Hải Dương, thuộc tổ lấy mẫu COVID-19 tại cộng đồng là người đầu tiên được tiêm vaccine COVID-19.
"Trước khi đến tiêm, tôi cảm thấy hồi hộp, hơi lo lắm nhưng khi đến đây thấy công tác chuẩn bị chu đáo tất cả các phương án, kể cả đội cấp cứu cơ động, nên nếu có xảy ra tình huống gì thì cũng kịp thời xử lý, nên tôi cảm thấy yên tâm hơn"- chị Nhung nói.
Chia sẻ thêm với phóng viên, chị Nhung bày tỏ: Là nhân viên y tế nên tôi hiểu khi tiêm bất kỳ vaccine nào vào cơ thể cũng có thể có những phản ứng xảy ra, nhưng tôi cũng biết vaccine COVID-19 có vai trò quan trọng trong phòng chống COVID-19, nên là người đầu tiên được tiêm văc xin này, tôi rất mong nhiều người dân Hải Dương sẽ được tiêm vaccine để nhanh chóng tăng bao phủ phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh.
Đào Văn Giáp thuộc Tổ COVID-19 cộng đồng của TP Hải Dương đến từ sớm để thăm khám sức khỏe trước khi tiêm vaccine. Giáp cho biết, địa phương nơi Giáp cư trú có 6 bệnh nhân COVID-19, nên Giáp đã cùng nhiều người khác trên địa bàn tham gia Tổ COVID-19 để góp phần chung tay vào công gác phòng chống dịch.
Chị Đỗ Thị Nhài, cán bộ trạm y tế phường Tân Hưng là người tiêm vaccine COVID-19 thứ 2 tại Hải Dương. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trực tiếp tiêm vaccine phòng COVID-19 cho chị Nhài.
Tiêm vaccine cho 900 nhân viên của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trực tiếp tham gia giám sát tại đây. 900 nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM được tiêm chủng vaccine phòng phòng COVID-19 trong đợt đầu, trong ngày đầu tiên, có khoảng 100 nhân viên y tế của bệnh viện được tiêm vaccine, dự kiến thời gian tiêm phòng vaccine COVID-19 sẽ kéo dài trong vòng 1 tuần. Đây cũng là bệnh viện đầu tiên tại TPHCM được tiêm tiêm vaccine COVID-19.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM thông tin về đợt tiêm vaccine tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim |
Xe chở vaccine COVID-19 về đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM khoảng gần 7h sáng 8/3 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim |
Nhân viên Công ty cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC) chuyển vaccine vào kho của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim |
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn giám sát Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim |
7 đối tượng được tiêm trong đợt này, gồm: khoa nhiễm D, khoa cấp cứu, khoa khám bệnh, phòng công tác xã hội, phòng xét nghiệm sinh học phân tử, hồi sức tích cực chống độc người lớn và các trưởng, phó phòng chức năng cùng Ban Giám đốc bệnh viện.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM là nơi tiếp nhận điều trị ca nghi nhiễm, nhiễm COVID-19 và nghiên cứu về COVID-19. Ngoài điều trị bệnh nhiễm khu vực phía Nam, bệnh viện còn thực hiện tiêm chủng ngừa một số loại vaccine nên có kinh nghiệm trong tiêm và xử lý các tình huống sau tiêm. Trước khi thực hiện tiêm vaccine COVID-19, bệnh viện đã xây dựng kịch bản, tình huống và có thông tin đầy đủ cho nhân viên.
Những hình ảnh đầu tiên về vaccine COVID-19 tại BV Bệnh Nhiệt đới TW
Theo kế hoạch, sẽ có 100 cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện được tiêm vaccine AstraZeneca ngừa COVID-19 trong sáng nay.
Buổi tiêm dự kiến bắt đầu diễn ra từ 8h. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Trưởng đoàn kiểm tra công tác triển khai tiêm phòng COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương sẽ trực tiếp có mặt giám sát buổi tiêm.
Để việc triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho cán bộ, nhân viên Y tế diễn ra an toàn và đạt hiệu quả cao, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã bố trí 3 bàn tiêm tại Trung tâm Phòng chống dịch với đầy đủ các phương tiện, kỹ thuật cần thiết để theo dõi sát người được tiêm.
Trước khi tiêm, các cán bộ, nhân viên y tế sẽ được khám sàng lọc kỹ lưỡng. Nếu bị ho, sốt, khó thở sẽ không tiến hành tiêm. Sau khi tiêm, người được tiêm phải ở lại theo dõi 30 phút và theo tiếp tục theo dõi tại nhà trong 24h. Đối với trường hợp cấp cứu phải theo dõi tiếp 24h tại Bệnh viện.
Ảnh: VGP |
Những hình ảnh đầu tiên về vaccine COVID-19 tại BV Bệnh Nhiệt đới TW |
Những hình ảnh đầu tiên về vaccine COVID-19 tại BV Bệnh Nhiệt đới TW |
Những hình ảnh đầu tiên về vaccine COVID-19 tại BV Bệnh Nhiệt đới TW |
Thông cáo báo chí của Bộ Y tế
Theo thông cáo báo chí vừa được Bộ Y tế phát đi, đại dịch COVID-19 lây lan trên toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống của nhân loại và các nền kinh tế. Ngăn chặn đại dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường là nhu cầu bức thiết của mỗi quốc gia và cả cộng đồng quốc tế. Tiêm vaccine phòng COVID-19 là biện pháp quan trọng, hiệu quả, chủ động và không thể thiếu trong tiến trình này.
Thực hiện Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế đã khẩn trương, minh bạch thực hiện công tác đàm phán, mua vaccine cũng như chuẩn bị hậu cần để nhanh chóng cung ứng vaccine vào triển khai tiêm chủng. Ngày 05/3/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1467/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 giai đoạn 2021 – 2022. Theo đó, Việt Nam bắt đầu triển khai đợt tiêm vaccine đầu tiên từ ngày 8/3/2021 tại 13 tỉnh/thành phố đang là điểm nóng về phòng chống dịch (Hải Dương, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai, Quảng Ninh, Điện Biên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Giang, Bình Dương) và 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19.
Sáng 8/3, Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia phối hợp với hệ thống tiêm chủng VNVC bắt đầu thực hiện tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương dưới sự giám sát của các đoàn công tác của Bộ Y tế do các Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Đỗ Xuân Tuyên và Trần Văn Thuấn dẫn đầu.
Đối tượng được ưu tiêm trong đợt tiêm đầu tiên này là lực lượng chủ chốt ở tuyến đầu thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn bệnh, bao gồm nhân viên y tế đang điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên làm công tác truy vết, xét nghiệm, người làm việc tại khu cách ly, tổ COVID-19 cộng đồng, Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, lực lượng công an, quốc phòng tại các địa phương trên.
Vaccine phòng COVID-19 sử dụng trong đợt tiêm đầu tiên này là vaccine của AstraZeneca, một trong ba vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và được sử dụng tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số lượng 117.600 liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca được Bộ Y tế phối hợp với VNVC (đơn vị cung ứng, tiếp nhận lô vaccine này) khẩn trương vận chuyển từ đơn vị cung ứng đến các địa phương ngay sau khi vaccine được rà soát hồ sơ và kiểm định tính an toàn. Vaccine được bảo quản trong dây chuyền lạnh từ 2-8 độ C và được giám sát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận bàn tiêm, sẵn sàng đưa vào sử dụng.
Trong thời gian qua, hệ thống dây chuyền lạnh trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng đã được tăng cường, kho vaccine tuyến tỉnh, huyện được trang bị mới tủ lạnh chuyên dụng TCW4000AC với trung bình 5-6 tủ/tỉnh và 1-2 tủ/huyện có thể bảo quản vaccine cho các chiến dịch quy mô lớn. Với vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca sử dụng lần này, mỗi người trên 18 tuổi sẽ được tiêm 2 mũi vaccine, mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 12 tuần với liều lượng 0,5ml, tiêm bắp.
Hiện nay, do nguồn cung vaccine trên toàn cầu rất hạn chế, để triển khai sớm vaccine phòng COVID-19 trên diện rộng, Bộ Y tế đang tích cực thúc đẩy đàm phán để nhập khẩu vaccine từ các nguồn, đồng thời khẩn trương đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vaccine trong nước để đảm bảo tự chủ nguồn vaccine phòng COVID-19 bền vững. Ngay sau khi về đến Việt Nam, vaccine sẽ được nhanh chóng cung ứng để triển khai tiêm chủng cho người dân theo quy định tại Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ, hướng đến mục tiêu mở rộng độ bao phủ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam, sớm đẩy lùi đại dịch COVID-19.
Trước đó, ngày 6/3/2021, Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn trực tuyến triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và xử trí sốc phản vệ cho nhân viên y tế các tuyến tỉnh, huyện, xã trên cả nước và nhân viên hệ thống tiêm chủng VNVC. Với kinh nghiệm hơn 30 năm triển khai công tác tiêm chủng, hệ thống của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng các tuyến cùng với hệ thống tiêm chủng của VNVC sẽ góp phần quan trọng cho việc triển khai thành công tiêm chủng vaccine COVID-19 lần này.
Vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca sử dụng lần này là vaccine mới, vì vậy ngành y tế các cấp cũng đã chuẩn bị tốt nhất cho tình huống có thể xảy ra. Tại tất cả các điểm tiêm, công tác chuẩn bị đã được thực hiện chu đáo, hộp chống sốc được trang bị đầy đủ để xử trí tại chỗ kịp thời. Các bệnh viện cũng đã sẵn sàng tổ chức các đội cấp cứu lưu động hỗ trợ các điểm tiêm. Do yêu cầu của công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong quá trình triển khai tiêm chủng lần này, ngoài đảm bảo an toàn tiêm chủng, các địa phương phải tuân thủ nghiêm các quy chuẩn kỹ thuật phòng lây nhiễm SARS-COV-2.
Hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn cho người được tiêm vaccine phòng COVID-19 là ưu tiên cao nhất, Bộ Y tế sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát cùng với các địa phương về thực hiện nguyên tắc “4 tại chỗ”, đảm bảo sẵn sàng các phương tiện phòng chống sốc và xử trí kịp thời, yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc đúng đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo công bằng trong tiếp cận vaccine. Bên cạnh đó, các tuyến thực hiện giám sát hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật và rút kinh nghiệm cụ thể, từ đó chia sẻ cho các cán bộ y tế tại các tuyến để triển khai tiêm chủng an toàn, đạt tỷ lệ cao.
Cũng như bất kỳ một loại thuốc hay vaccine nào khác, vaccine COVID-19 có thể gây nên một số phản ứng không mong muốn sau khi tiêm, từ mức độ nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, bồn chồn đến nghiêm trọng như sốc phản vệ. Sau khi tiêm vaccine, người được tiêm chủng cần ở lại cơ sở y tế 30 phút để được nhân viên y tế theo dõi tình trạng sức khỏe; và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe bản thân trong vòng 1-2 ngày tiếp theo. Khi gặp các dấu hiệu bất thường, hãy đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Vaccine là biện pháp phòng dịch thiết yếu, chủ động, hiệu quả, song không có vaccine nào đạt hiệu quả phòng bệnh 100%, nhưng chắc chắn 100% người được tiêm vaccine sẽ giảm nhẹ tình trạng bệnh nếu mắc phải. Theo các dữ liệu đến tháng 2/2021, vaccine của AstraZeneca có hiệu quả phòng lây nhiễm SARS-COV-2 là 76% sau mũi tiêm thứ nhất và 81% sau mũi tiêm thứ hai, chưa ghi nhận trường hợp mắc phải nhập viện do COVID-19 trong nhóm những người đã tiêm chủng.
Người đi tiêm chủng cần đeo khẩu trang, thực hiện Thông điệp 5K phòng lây nhiễm dịch COVID-19, trong buổi tiêm chủng phải thông báo cho nhân viên y tế tiền sử tiêm chủng, phản ứng với các loại vaccine đã từng được tiêm trước đây và tình trạng sức khỏe của bản thân (như: bệnh nền, bệnh mạn tính đang điều trị, các thuốc và liệu trình điều trị dùng trong thời gian gần đây, các biểu hiện sức khỏe bất thường gần đây…) để được chỉ định tiêm chủng phù hợp và an toàn.
Để tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận thông tin tiêm chủng cá nhân vaccine COVID-19, giảm thiểu các thủ tục hành chính, Bộ Y tế và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) phối hợp nghiên cứu, xây dựng ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trên 2 nền tảng: (1) Nền tảng web tại địa chỉ: http://hssk.kcb.vn (2) Ứng dụng trên điện thoại thông minh (Android và IOS).
Đối với cơ sở y tế: Cơ sở y tế đã sử dụng Hệ thống tiêm chủng quốc gia được cấp đồng bộ tài khoản để truy cập hệ thống. Cơ sở y tế chưa có tài khoản sẽ được cấp tài khoản mới.
Đối với người dân: Hệ thống chủ động gửi tin nhắn tới số điện thoại di động của cá nhân đăng ký với đơn vị tiêm chủng, có chứa đường dẫn tải ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” và thông báo lịch tiêm chủng.
Thông qua Sổ sức khỏe điện tử, cơ quan quản lý sức khỏe các cấp có thể nhanh chóng phân tích, theo dõi các thông tin số liệu cho việc triển khai chương trình tiêm vắc-xin phòng COVID-19 trên toàn quốc như: xây kế hoạch tiêm vaccine theo từng nhóm đối tượng, địa bàn và thời gian; quản lý và theo dõi toàn bộ quá trình tiêm vaccine đồng bộ, chính xác, cập nhật. Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử giúp mỗi người dân theo dõi lịch sử tiêm vaccine phòng COVID-19 và các tình trạng sức khỏe liên quan của bản thân, chủ động phản hồi thông tin về phản ứng sau tiêm và tình trạng sức khỏe với cơ quan y tế.
Sổ sức khỏe điện tử được xây dựng dựa trên công nghệ bảo mật nhiều lớp và hạ tầng kỹ thuật của Viettel, đảm bảo bảo mật tuyệt đối toàn bộ thông tin cá nhân, lịch sử tiêm chủng, tình trạng tiêm chủng và tình trạng sức khỏe theo các quy định bảo mật của Nhà nước.
Đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 lần này là khởi đầu cho chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với hơn 100 triệu mũi tiêm được thực hiện trên toàn quốc, với nguồn lực đầu tư rất lớn của Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân trên cả nước. Khi đến lượt mình, hãy đi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 để bảo vệ cho cá nhân, người thân và vì một cộng đồng khỏe mạnh.
HÃY CHUNG TAY ĐỂ ĐƯỢC TIÊM VACCINE PHÒNG COVID-19 AN TOÀN VÀ ĐẨY LÙI ĐẠI DỊCH COVID-19!
Thông tin thêm xin liên hệ: Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia: 0981480480
"Anh em nhân viên y tế rất vinh dự"
TS.BS Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch và tiêm chủng vaccine, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, trong đợt tiêm đầu tiên này, toàn Bệnh viện sẽ có 420 nhân viên y tế được tiêm vaccine COVID-19, trong đó chủ yếu là cán bộ y tế trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19 tại cơ sở 2 của BV và một số nhân viên khoa khám bệnh, làm nhiệm vụ sàng lọc bệnh nhân tại cơ sở 1.
Trong hôm nay 8/3, Bệnh viện sẽ tiêm cho 100 nhân viên y tế đầu tiên, chia thành 2 buổi. 320 nhân viên còn lại dự kiến sẽ tiêm trong ngày mai 9/2. "Hiện tại, tâm lý anh em nhân viên y tế rất thoải mái và vinh dự khi là những nhân viên y tế đầu tiên được tiêm vaccine COVID-19", TS Điền chia sẻ.
Ảnh: Vận chuyển vaccine COVID-19 đến Trung tâm Y tế TP Hải Dương để chuẩn bị tiêm. Ảnh: VGP/Ngọc Thắng |
Ảnh: Vận chuyển vaccine COVID-19 đến Trung tâm Y tế TP Hải Dương để chuẩn bị tiêm. Ảnh: VGP/Ngọc Thắng |
Ảnh: Vận chuyển vaccine COVID-19 đến Trung tâm Y tế TP Hải Dương để chuẩn bị tiêm. Ảnh: VGP/Ngọc Thắng |
Ảnh: Vận chuyển vaccine COVID-19 đến Trung tâm Y tế TP Hải Dương để chuẩn bị tiêm. Ảnh: VGP/Ngọc Thắng |
Tại điểm tiêm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội), sẽ tiêm cho khoảng 100 người.
Tại Hải Dương, theo kế hoạch Trung tâm Y tế TP Hải Dương sẽ tiêm vcccine COVID-19 cho 50 người và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành tiêm cho 30 người.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, dự kiến nữ bác sĩ trẻ của Khoa cấp cứu Hồi Sức tích cực chống độc người lớn là người được tiêm đầu tiên.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trò chuyện với cán bộ y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM về công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 khi đi kiểm tra công tác chuẩn bị tiêm vaccine COVID-19 tại Bệnh viện này chiều ngày 7/3 |
Hải Dương được phân bổ 33.000 liều vaccine ngừa COVID-19 gồm: Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương được cấp 300 liều, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cơ sở 2 là 500 liều; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Hải Dương và Trung tâm Y tế TP Chí Linh đều được phân bổ 100 liều. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hải Dương cũng được phân bổ 32.000 liều
Tỉnh Hải Dương yêu cầu phải rà soát thật kỹ lưỡng, nhất quán, xác định các trường hợp ưu tiên tiêm vaccine chính xác, dân chủ, công khai, không để xảy ra tiêu cực, dư luận không tốt trong quá trình thực hiện. Việc tổ chức tiêm chủng phải bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở 2 được phẩn bổ 450 liều vaccine. Để việc triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho cán bộ, nhân viên Y tế diễn ra an toàn và đạt hiệu quả cao, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã bố trí 3 bàn tiêm tại Trung tâm Phòng chống dịch với đầy đủ các phương tiện, kỹ thuật cần thiết để theo dõi sát người được tiêm.
Trước khi tiêm, các cán bộ, nhân viên y tế sẽ được khám sàng lọc kỹ lưỡng. Nếu bị ho, sốt, khó thở sẽ không tiến hành tiêm. Sau khi tiêm, người được tiêm phải ở lại theo dõi 30 phút và theo tiếp tục theo dõi tại nhà trong 24h. Đối với trường hợp cấp cứu phải theo dõi tiếp 24h tại Bệnh viện.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM được phân bổ 900 liều. Trước khi tiêm các nhân viên y tế sẽ được kiểm tra, tư vấn và sàng lọc theo quy định; sau tiêm sẽ được theo dõi tại điểm tiêm theo quy định và đồng thời được hướng dẫn, tư vấn về việc tự theo dõi tại nhà sau tiêm.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ và kỹ lưỡng các kịch bản liên quan đến quá trình tiếp nhận, lưu trữ bảo quản vaccine, tư vấn, theo dõi quá trình tiêm… cũng như sẵn sàng các phương án cho các trường hợp khẩn cấp; đội ngũ nhân viên tham gia công tác tiêm vaccine được tập huấn, huẩn luyện, cập nhật các kiến thức liên quan đến việc tiêm vaccine COVID-19 nói riêng và quy định tiêm chủng nói chung.
Các phản ứng có thể xảy ra sau tiêm chủng vaccine phòng COVID-19
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW, Phó trưởng Ban điều hành Dự án Tiêm chủng rộng cho biết vaccine được sử dụng trong đợt tiêm đầu tiên này là vaccine AstraZeneca, do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất bởi SK Bioscience (SKBio) Hàn Quốc.
Vaccine được Tổ chức Y tế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 15/2/2021. Đến ngày 25/2, vaccine này đã được 25 quốc gia chấp thuận lưu hành và sử dụng, trong đó có Việt Nam.
Vaccine ở dạng dung dịch, đóng 10 liều/1 lọ, sẽ sử dụng tiêm chủng mỗi liều 0,5 ml. Vaccine được yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C, cũng giống như các vaccine khác trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, song nhà sản xuất cũng lưu ý tuyệt đối không được để đông băng vaccine.
Vaccine chỉ hạn sử dụng 6 tháng từ ngày sản xuất. Lọ vaccine đã mở chỉ sử dụng trong vòng 6 giờ.
Các phản ứng có thể xảy ra sau tiềm gồm: phản ứng phổ biến đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt.., và có thể có các phản ứng hiếm gặp khác như phản ứng phản vệ, dị ứng.
Theo PGS. TS Dương Thị Hồng, đây là vaccine rất mới, các thông tin về tai biến, biến cố bất lợi sau tiêm chủng cũng chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cung cấp đầy đủ.
Cũng như tất cả các vaccine khác, vaccine này khi đưa vào cơ thể cũng có thể xảy ra phản ứng nghiêm trọng như phản ứng sốc (trong vòng 30 phút sau tiêm hoặc phản ứng quá mẫn muộn trong 1-2 ngày đầu sau tiêm). Cũng vì thế, để đảm bảo cho đợt tiêm chủng này, ngoài các quy định đảm an toàn tiêm chủng, đối tượng tiêm sẽ được khám sàng lọc cẩn thận trước khi tiêm.
Tại các điểm tiêm chủng phải bố trí để đảm bảo giãn cách, bố trí hộp chống sốc, thường xuyên có cán bộ y tế theo dõi sát sức khỏe của các đối tượng được tiêm. Đồng thời, sắp xếp không quá 100 đối tượng/điểm tiêm chủng/buổi tiêm chủng.
Vaccine AstraZeneca có hiệu lực bảo vệ 76% sau mũi 1 và 84% sau mũi 2. Do hiệu lực bảo vệ không đạt 100% nên song song tiêm vaccine, người dân vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt tuân thủ tốt thông điệp 5K.
Hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vaccine COVID-19
Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) vừa có hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vaccine COVID-19.
Cục Quản lý môi trường y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ sở tiêm chủng thực hiện nghiêm túc việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh trong hoạt động tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 theo đúng hướng dẫn.
Hưỡng dẫn nêu rõ: Chất thải phát sinh trong tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là chất thải y tế và phải được phân loại, thu gom, lưu giữ, xử lý theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế và các văn bản có liên quan.
Đảm bảo không rơi vãi, phát tán chất thải trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế; đảm bảo an toàn cho người thực hiện tiêm chủng, người tham gia quản lý chất thải y tế, người đến tiêm chủng và cộng đồng.
Tính từ 18h ngày 07/3 đến 6h ngày 08/3, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Cả nước hiện vẫn có 2.512 bệnh nhân COVID-19, trong đó có tổng cộng 1585 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, riêng số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 892 ca.
Trong đó, riêng Hải Dương có 708 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP. Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (3 ca).
10 tỉnh, thành phố đã qua23 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới COVID-19 trong cộng đồng gồm: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh.
Hà Nội, đã 20 ngày không có ca bệnh COVID-19 mắc mới tại cộng đồng.
Hải Phòng, tính từ ca bệnh mắc gần nhất đến nay đã 13 ngày thành phố này không có ca bệnh COVID-19 mắc mới tại cộng đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo