Tin tức - Sự kiện

Nông sản biên mậu: Cần tiến đến sự chuyên nghiệp

Tính đến hết tháng 7/2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 4,64 tỷ USD, giảm 7,9% so cùng kỳ năm 2018. Liên tiếp những thay đổi trong chính sách kiểm soát nhập khẩu trong thời gian qua đã khiến nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam gặp khó ở thị trường Trung Quốc...

Thiện nguyện Từ Tâm mang Trung thu đến với trẻ kém may mắn / Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIII

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đối thoại về chính sách xuất khẩu nông sản Trung Quốc. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đối thoại về chính sách xuất khẩu nông sản Trung Quốc. Ảnh: VGP/Đỗ Hương.

Nhiều thay đổi trong chính sách

Chiều 13/9, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị phát triển xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá: “Bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản những tháng đầu năm 2019 đã cho thấy những dấu ấn của sự khó khăn do những hàng rào kỹ thuật các thị trường dựng lên. Thời gian qua cũng chứng kiến những biến động của nền kinh tế thế giới, sự xung đột lợi ích của các siêu cường kinh tế, cộng với những thay đổi trong chính sách kiểm soát nhập khẩu đã khiến xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn”.

Những thay đổi từ phía thị trường Trung Quốc cho thấy, đã đến lúc các doanh nghiệp không thể chậm trễ mà phải thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh ngay từ hôm nay, vì bất kỳ thị trường nào cũng có những hàng rào kỹ thuật dựng lên liên quan đến an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Theo bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), đã đến lúc phải thay đổi suy nghĩ coi thị trường Trung Quốc là chợ biên giới, chỉ cần mang hàng lên biên giới bán những gì mình có rồi tìm người mua mà không quan tâm đến thị hiếu, nhu cầu của người mua.

 

“Cần phải thay đổi tư duy, giảm dần tiến tới xóa bỏ thương mại tiểu ngạch, tập trung xuất khẩu chính ngạch để giảm thiểu rủi ro pháp lý cũng như từng bước xây dựng thương hiệu; sản xuất phải theo quy hoạch, căn cứ, nhu cầu dung lượng của thị trường, mùa vụ”, bà Oanh nhấn mạnh.

Là nơi tiếp giáp tuyến biên giới nhộn nhịp nhất với Trung Quốc, tỉnh Quảng Ninh nắm bắt khá rõ các chính sách biên mậu của quốc gia này. Cuối tháng 8/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh đã gửi Công văn số 5388 đến các địa phương, ngành chức năng về những thay đổi trong chính sách biên mậu của Trung Quốc.

Theo ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, chưa bao giờ hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay do phía Trung Quốc thực hiện hàng loạt biện pháp kiểm soát hàng hóa từ Việt Nam như kiểm nghiệm, kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm...; phải có mã số doanh nghiệp; yêu cầu cách bảo quản, đóng gói hàng hóa và tăng cường quản lý kiểm tra, giám sát chặt chẽ đường biên giới nhằm ngăn chặng hàng hóa không đảm bảo các yêu cầu trên.

“Đã có thời điểm hàng hoá nông lâm thuỷ sản của ta bị ứ đọng cục bộ không xuất khẩu sang phía bạn do hàng hoá chưa đáp ứng được các yêu cầu nhập khẩu của phía Trung Quốc”, ông Khắng nêu một thực tế.

Cũng theo ông Khắng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều doanh nghiệp vẫn có tâm lý coi thị trường Trung Quốc là thị trường dễ tính, hàng hoá từ nội địa ra cửa khẩu biên giới là có thể xuất khẩu ngay được. “Mặc dù tỉnh Quảng Ninh đã có thông báo của về việc áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và nguồn gốc hàng hóa nông sản nhập khẩu vào Trung Quốc nhưng các doanh nghiệp, hộ dân còn chủ quan, chưa thực hiện; chưa kịp thời cập nhật thông tin về hàng hóa của phía Trung Quốc, chưa kịp đáp ứng với yêu cầu của Trung Quốc nhưng vẫn đưa hàng ra cửa khẩu, dẫn tới thiếu thủ tục, không có bao gói, nhãn mác nên không thông quan được. Bên cạnh đó, chưa áp dụng quy trình nuôi trồng để đảm bảo các điều kiện chất lượng nên khi thông quan, phía Hải quan Trung Quốc kiểm dịch lại và trả lại hàng dẫn đến thiệt hại và nguy cơ doanh nghiệp được cấp mã có lô hàng thông quan đó sẽ bị đưa vào danh sách đen. Thậm chí, còn có hiện tượng giả mạo nơi cấp chứng thư với một số hàng hóa nhập khẩu”, ông Khắng nói.

 

Còn theo báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai, trong 1 năm trở lại đây, phía Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hơn về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa nông sản nhập khẩu từ Việt Nam. Nếu như trước đây các loại nông sản như hạt tiêu, thảo quả,... được cư dân biên giới phía bạn nhập khẩu theo hình thức mua bán, trao đổi qua biên giới không cần chứng minh nguồn gốc xuất xứ thì hiện tại các mặt hàng này đã thực hiện truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói bao bì, hàng hóa phải được cấp C/O từ phía Việt Nam.

Nâng dần xuất khẩu chính ngạch

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, năm 2019, vải thiều Bắc Giang tiếp tục có một mùa vụ thành công, sản lượng toàn tỉnh đạt 147.000 tấn, tiêu thụ thuận lợi cả thị trường trong và ngoài nước. Để đạt được kết quả này, tỉnh Bắc Giang đã chủ động triển khai xúc tiến thương mại với nhiều hình thức ở các thị trường trọng điểm, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Hiện nay, vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ tại 6 quốc gia (Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore) và đang tiến hành xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp tại Mỹ, Australia, Malaysia và một số nước khác trên thế giới.

Vải thiều Bắc Giang là minh chứng của sự chuyên nghiệp hóa sản xuất, kinh doanh nông sản sẽ đạt hiệu quả kinh tế cao tại thị trường Trung Quốc. Ảnh: VGP/Đỗ Hương.

Như vậy nếu tiến một bước chuyên nghiệp hóa sản xuất và thương mại có thể thu về giá trị cao ngay tại thị trường láng giềng.

Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trong bức tranh xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tương đối ảm đạm, vẫn có những điểm sáng. Theo đó, các loại quả xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc tăng một cách đáng kể, đạt hơn 2,2 triệu tấn, tăng 676.500 tấn so với 6 tháng đầu năm 2018. Đến nay, Trung Quốc đã cho phép 9 loại quả tươi được xuất khẩu chính ngạch gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Phía Trung Quốc cũng đã cấp tổng số hơn 1.309 mã số vùng trồng trên 42 tỉnh, thành phốvà 1.435 mã số cơ sở đóng gói trên 32 tỉnh, thành phố cho 8 loại quả tươi.

 

TS. Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nhìn nhận: “Xuất khẩu một số mặt hàng rau quả đã vượt, thậm chí tăng gấp 2 lần so với cả năm 2018 như vải đã xuất khẩu được 111.100 tấn (cả năm 2018 là 95.300 tấn), chuối đã xuất khẩu được 257.240 tấn (năm 2018 là 128.500 tấn), dưa hấu đã xuất khẩu được 311.789 tấn (năm 2018 là 306.273 tấn), xuất khẩu thanh long 6 tháng đầu năm 2019 cũng tăng hơn so với cùng kỳ năm 2018 đạt gần 1 triệu tấn (tăng 345.000 tấn). Con số này cho thấy, nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thị trường Trung Quốc, nông sản của Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu”.

Theo ông Bùi Văn Khắng, việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát chất lượng và nguồn gốc hàng hóa thủy sản, nông sản, hoa quả, trái cây nhập khẩu cho thấy Việt Nam chưa có sự chuẩn bị kỹ cho việc xuất khẩu các mặt hàng này. Vì vậy, cả nông dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần phải chuyển đổi để bắt kịp thị trường, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm và có giải pháp quy hoạch vùng nuôi trồng, đầu tư công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản.

Đồng quan điểm này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, để chiếm lĩnh thị trường này, cần quy hoạch và định hướng lại sản xuất để tạo ra chuỗi giá trị thông suốt, ngành chức năng và các địa phương cần hướng dẫn đầy đủ các quy định, tiêu chuẩn mới của thị trường Trung Quốc; đồng thời đẩy mạnh đàm phán, mở rộng thị trường, định hướng đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch.

“Phải nhìn nhận, những thay đổi của thị trường Trung Quốc là xu thế tất yếu để hướng đến sự kiểm soát đồng bộ về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Dù sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng tôi tin đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt chuyển mình, tự đổi mới để thích ứng với những đòi hỏi mới của thị trường”, ông Hải khẳng định.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Trước hết, phải khẳng định, Trung Quốc là một thị trường cực kỳ tiềm năng cho nông sản Việt Nam. Với dân số đông, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, đây sẽ là một thị trường khổng lồ nếu chúng ta biết đáp ứng các yêu cầu mới của phía bạn. Với các vùng sinh thái đa dạng, Việt Nam có lợi thế trong sản xuất nông sản, chúng ta cũng không có những nhóm nông sản xung đột với Trung Quốc, đây chính là lý do khiến kim ngạch xuất nhập khẩu của hai bên trong năm 2018 đạt con số 9 tỷ USD”.

 

Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, những thay đổi từ phía thị trường này cho thấy đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy, đừng giữ mãi thói quen xuất khẩu tiểu ngạch bởi chính sách kiểm soát nhập khẩu của họ là nhất thể hóa theo chính ngạch. Nếu không thay đổi, bản thân nông dân, doanh nghiệp sẽ gặp khó. “Nhìn từ bài học xuất khẩu vải của Bắc Giang, nhãn của Sơn La hay Hưng Yên, nếu làm chuẩn, đồng bộ, đáp ứng tốt yêu cầu của họ, sẽ thắng, thắng lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Theo Đỗ Hương-Phan Trang/Báo Chính Phủ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm