Đến nay Việt Nam đã chữa khỏi hơn 911.300 bệnh nhân COVID-19, trong số các ca đang điều trị có gần 5.300 trường hợp nặng; TP Hồ Chí Minh quy định 2 điều kiện lâm sàng đối với F0 được cách ly tại nhà...
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.143.967 ca mắc COVD-19, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 150/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 11.607 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.110.836 ca, trong đó có 908.493 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Yên Bái, Bắc Kạn.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (459.123), Bình Dương (277.406), Đồng Nai (83.385), Long An (37.554), Tiền Giang (24.056).
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 911.310 ca
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.295 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 3.647 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.020 ca; Thở máy không xâm lấn: 163 ca; Thở máy xâm lấn: 456 ca; ECMO: 9 ca
- Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 121 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 24.118 ca, chiếm tỷ lệ 2,1% so với tổng số ca nhiễm.
So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 115.555 xét nghiệm cho 244.547 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 25.148.019 mẫu cho 66.370.020 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 110.917.609 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 67.337.689 liều, tiêm mũi 2 là 43.579.920 liều. Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 24/11 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 258.912.113 ca COVID-19, trong đó có 5.181.348 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 496.199 và 6.534 ca tử vong mới. Số bệnh nhân bình phục đã đạt 234.256.902 người, 19.473.863 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 81.286 ca nguy kịch. Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 63.280 ca; Đức đứng thứ hai với 54.268 ca; tiếp theo là Anh (42.484 ca). Nước Nga tiếp tục đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.243 người chết trong ngày; tiếp theo là Mỹ (854 ca) và Ukraine (720 ca tử vong). Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 48.811.860 người, trong đó có 795.834 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 34.533.473 ca nhiễm, bao gồm 466.147 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 22.030.182 ca bệnh và 613.066 ca tử vong.
|
TP Hồ Chí Minh: F0 được cách ly tại nhà khi có đủ 2 tiêu chí
Theo cập nhật "Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0" (phiên bản 1.6) của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh ngày 23/11 nêu rõ, F0 được cách ly tại nhà khi hội đủ 02 tiêu chí lâm sàng: Không triệu chứng hoặc triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ (không có suy hô hấp: SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời, nhịp thở ≤ 20 lần/phút); Độ tuổi từ 01 - 50 tuổi, không có bệnh nền, không đang mang thai, không béo phì.
Đối với những trường hợp không đáp ứng điều kiện này vẫn có thể xem xét cách ly tại nhà nếu có bệnh nền ổn định, bảo đảm tiêm đủ 2 mũi hoặc sau 14 ngày kể từ ngày tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 đầu tiên.
Đồng thời có khả năng tự chăm sóc, trường hợp F0 là trẻ em hoặc người không tự chăm sóc cá nhân được thì cần phải có người hỗ trợ chăm sóc; Trong gia đình không có người thuộc nhóm nguy cơ (người cao tuổi, có bệnh nền, béo phì, có thai...).
Theo Sở Y tế: với những F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà, khi có các triệu chứng sau đây phải báo ngay cho Cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà:
- Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.
- Nhịp thở tăng: ≥ 21 lần/phút đối với người lớn; ≥ 40 lần/phút đối với trẻ từ 01 đến dưới 05 tuổi; ≥ 30 lần/phút đối với trẻ từ 05 đến dưới 12 tuổi.
- Độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi (SpO2) < 96% (nếu đo được).
- Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 nhịp/phút.
- Huyết áp thấp: Huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu đo được).
- Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.
- Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.
- Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
- Không thể uống.
- Trẻ có biểu hiện: Sốt trên 38oC, đau rát họng, ho, tiêu chảy, trẻ mệt, không chịu chơi, tức ngực, cảm giác khó thở, SpO2 < 96% (nếu đo được), ăn/bú kém...
Bà Rịa- Vũng Tàu: Ghi nhận số mắc nhiều nhất trong hơn 1 tháng qua với 709 ca COVID-19
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận 709 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 412 F0 được phát hiện ngoài cộng đồng trong ngày 23/11.
Đây là số lượng ca mới được ghi nhận nhiều nhất tại tỉnh kể từ ngày 16/10.
TP Vũng Tàu vẫn là địa phương ghi nhận cả số ca mắc mới lẫn F0 ngoài cộng đồng cao nhất tỉnh, với 319 ca. Trong đó, 103 ca tại khu cách ly tập trung, khu phong tỏa và 216 ca ngoài cộng đồng, phát hiện nhiều nhất tại xã Long Sơn.
Trong khi đó, huyện Côn Đảo có ca mắc mới COVID-19 thứ 2 trên địa bàn, là trường hợp trở về từ TP Hồ Chí Minh.
Tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, số ca mắc mới trong cộng đồng không ngừng tăng nhanh. Do đó, Ban Chỉ đạo Phòng, chống COVID-19 (BCĐ) tỉnh đề nghị các sở, ngành, BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn, người dân và DN phải cảnh giác, nêu cao vai trò trong phòng, chống dịch và chấp nhận đương đầu với dịch bệnh.
Các địa phương sẵn sàng với các tình huống xấu hơn để không bị động, bất ngờ; luôn duy trì việc ứng trực phòng, chống dịch 24/24 giờ để ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; tiếp tục công tác tuyên truyền cho người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và các biện pháp sống chung an toàn, thích ứng linh hoạt với tình hình dịch…
Bình Định: Thí điểm quản lý và chăm sóc sức khoẻ F0 không triệu chứng tại nhà
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao Sở Y tế căn cứ các quy định của Bộ Y tế để hướng dẫn cụ thể việc thực hiện thí điểm quản lý và chăm sóc sức khỏe người mắc COVID-19 tại nhà và cách ly y tế tại nhà đối với người tiếp xúc gần (F1); chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện;
Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện thí điểm quản lý và chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà và cách ly y tế tại nhà đối với F1 trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý theo đúng hướng dẫn của Sở Y tế, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, mỗi đơn vị y tế cấp phát cho mỗi bệnh nhân đơn thuốc gồm thuốc hạ sốt, dung dịch điện giải kèm theo Vitamin C, nhiệt kế đo thân nhiệt và máy đo nồng độ oxy trong máu SPO2; đồng thời, sẵn sàng bình oxy 10 lít; sẵn sàng xe cứu thương phòng khi người bệnh có diễn biến xấu sẽ chuyển về khu điều trị.
Tính từ ngày 28.6.2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã ghi nhận 3.072 trường hợp mắc COVID-19; trong đó: 2.192 trường hợp đã khỏi bệnh được xuất viện, 20 trường hợp tử vong, 860 trường hợp đang điều trị.
Theo Thái Bình/Sức khỏe & Đời sống