Tin tức - Sự kiện

Thường vụ Quốc hội nhất trí bổ sung 1 dự án luật vào Chương trình làm luật năm 2022

Theo đó, UBTVQH thống nhất bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Nhiều vướng mắc trong việc phát triển nhà ở cho công nhân / Ngày 22/11, thêm 10.321 ca mắc COVID-19 mới

Sáng 23/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất sẽ ban hành Nghị quyết bổ sung đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ thêm đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp cho ý kiến về đề nghị của Chính phủ về bổ sung 2 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 (Ảnh: quochoi.vn)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp cho ý kiến về đề nghị của Chính phủ về bổ sung 2 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 (Ảnh: quochoi.vn)

Theo Tờ trình, đây là 2 dự án luật Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2022 trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Theo hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, có 4 chính sách được đề xuất sửa đổi, bao gồm: Hoàn thiện quy định quản lý tài nguyên tần số vô tuyến điện về cơ chế cấp phép, hạn mức tần số… theo hướng đảm bảo khai thác hiệu quả và tạo sự cạnh tranh lành mạnh; Làm rõ các khoản thu mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; Cải cách hành chính trong công tác đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên; Nâng cao trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình quản lý, khai thác, sử dụng, đảm bảo tính an toàn, không can nhiễu và chủ quyền quốc gia về tần số vô tuyến điện.

Trong Luật Tần số vô tuyến điện 2009, 4 nội dung đề nghị sửa đổi nêu trên được quy định tại 22/49 điều.

Cho rằng, số lượng điều khoản được đề nghị sửa đổi, bổ sung khá nhiều, do vậy Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cân nhắc trình dự án Luật này theo hướng sửa đổi toàn diện Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009.

Cùng với đó, theo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, nhiều nội dung trong các văn bản dưới luật cần phải được rà soát, luật hóa để tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên tần số vô tuyến điện trong tình hình mới; bảo đảm tính thống nhất với nhiều luật khác mới được Quốc hội ban hành (như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Viễn thông, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Phí và lệ phí, Luật Đấu giá tài sản…).

 

Còn theo Ủy ban Pháp luật, số lượng điều luật được đề nghị sửa đổi, bổ sung (22/49 tổng số điều luật - chiếm 44,9 %) không phản ánh bản chất của phạm vi sửa đổi Luật, mà cần làm rõ việc sửa đổi có làm thay đổi cơ bản các chính sách trong Luật năm 2009 không, trên cơ sở đó sẽ quyết định về phạm vi sửa đổi toàn diện hay sửa đổi, bổ sung một số điều và tên gọi của dự án Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. (Ảnh: quochoi.vn)
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. (Ảnh: quochoi.vn)

Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc thay đổi phạm vi từ sửa đổi, bổ sung một số điều sang sửa đổi toàn diện có ảnh hưởng rất lớn đến nội dung hồ sơ, nhất là việc tổng kết, đánh giá tác động chính sách. Ngoài ra, các vấn đề về tăng cường bảo vệ chủ quyền, quyền lợi quốc gia về tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh, tăng cường đảm bảo an toàn bức xạ vô tuyến điện cần được đánh giá đầy đủ hơn để bổ sung, sửa đổi quy định trong dự thảo Luật.

Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ thêm các vấn đề này để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định; trường hợp mở rộng phạm vi sửa đổi toàn diện Luật thì cần phải chuẩn bị lại hồ sơ cho đầy đủ, phù hợp.

Chưa đưa vào Nghị quyết bổ sungdự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chính phủ đề xuất 15 nhóm chính sách lớn nhằm sửa đổi toàn diện Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009. Tuy nhiên, qua thẩm tra, các cơ quan của Quốc hội thấy rằng 8/15 nhóm chính sách cần được nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện thêm nhằm bảo đảm chất lượng dự án Luật trình Quốc hội cũng như tính khả thi của Luật sau khi được Quốc hội thông qua, nhất là các nội dung liên quan đến bổ sung quy định chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề và thời hạn của giấy phép hành nghề; vấn đề thi đánh giá năng lực hành nghề; đổi mới quy định về phân tuyến, phân cấp hệ thống khám, chữa bệnh; về an ninh bệnh viện và an toàn cho người hành nghề; giá dịch vụ khám, chữa bệnh; chính sách liên doanh, liên kết thành lập cơ sở khám, chữa bệnh và cung cấp dịch vụ y tế giữa các cơ sở y tế của nhà nước với cơ sở y tế tư nhân; vấn đề bảo đảm chính sách dân tộc trong dự thảo Luật...

 

Theo ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, chính sách về khám chữa bệnh từ xa và chính sách quy định liên doanh liên kết, cung cấp thành lập cơ sở khám chữa bệnh hoặc cung cấp dịch vụ y tế giữa cơ cở y tế của nhà nước và tư nhân mới được đánh giá tác động nhưng ban soạn thảo không đưa quy định liên doanh liên kết, vì vậy cần phải xem xét để có chỉnh lý phù hợp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện báo cáo tổng kết thi hành Luật khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời đánh giá tổng thể về công tác phòng chống dịch Covid-19 để kiến nghị bổ sung quy định, nhằm đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh và huy động mọi nguồn lực cho công tác khám chữa bệnh khi có dịch bệnh lớn xảy ra.

Ý kiến của Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội cho rằng, hồ sơ dự án Luật còn nhiều vấn đề cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Đồng thời, để nâng cao chất lượng đề nghị xây dựng Luật, hạn chế việc điều chỉnh Chương trình nhiều lần và thực hiện đúng Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2020, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa quyết định bổ sung ngay dự án Luật này vào Chương trình năm 2022 mà yêu cầu Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiên cứu ý kiến của các cơ quan thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chậm nhất tại phiên họp tháng 3/2022.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm