Tin tức - Sự kiện

Sinh viên sẽ chọn ngành sư phạm vì tiền hỗ trợ?

Nhiều sinh viên cho rằng mức tiền hỗ trợ “khủng” của Nghị định 116 chắc chắn sẽ tác động tới người học, khả năng những năm tới học sinh lại đổ dồn vào ngành sư phạm, nhưng chưa chắc đã vì đam mê mà để được miễn học phí và nhận tiền hỗ trợ hàng tháng.

Kè biển 35 tỷ ở Quảng Bình bị sóng đánh tan hoang / Thừa Thiên Huế: Học sinh toàn tỉnh tiếp tục nghỉ học do mưa lũ

Theo Nghị định 116,sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học. Ảnh minh họa

Nghị định 116 chắc chắn sẽ tác động lớn

Chính phủ vừa ban hành quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên sư phạm. Theo đó, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học. Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học.

Kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm chi cho giáo dục, đào tạo tại các địa phương, bộ, ngành theo các quy định hiện hành.

Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ GD&ĐT) Trần Tú Khánh, Nghị định sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 15/11 tới, nhằm giúp người học yên tâm học tập tốt, đồng thời thu hút sinh viên giỏi vào học ngành sư phạm và nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, cần phải sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước, đảm bảo cấp đúng đối tượng và mục tiêu hỗ trợ đào tạo sư phạm.

Thực tế, việc miễn 100% học phí cho sinh viên sư phạm đã không còn quá hấp dẫn để thu hút người học. Tuy nhiên, nhiều sinh viên cho rằng mức tiền hỗ trợ “khủng” của Nghị định 116 chắc chắn sẽ tác động tới người học, khả năng những năm tới học sinh lại đổ dồn vào ngành sư phạm, nhưng chưa chắc đã vì đam mê mà để được miễn học phí và nhận tiền hỗ trợ hàng tháng. Mức hỗ trợ này còn cao hơn lương giáo viên vừa tốt nghiệp đại học (khoảng 3,5 triệu đồng/tháng).

Để đảm bảo việc sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước, cấp đúng đối tượng và đúng mục tiêu hỗ trợ đào tạo sư phạm, Nghị định cũng hướng dẫn chi tiết về các trường hợp sinh viên sư phạm không phải bồi hoàn kinh phí và sinh viên sư phạm phải bồi hoàn kinh phí.

Theo đó, 3 đối tượng phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ đóng học phí và chi phí sinh hoạt gồm: Sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp; Sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách và công tác trong ngành giáo dục nhưng không đủ thời gian công tác (tối thiểu gấp 2 lần thời gian đào tạo tính từ ngày được tuyển dụng); Sinh viên sư phạm được hưởng chính sách đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học.

Cần sự phối hợp tốt của địa phương

Những năm qua, tình trạng sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm đã được báo chí phản ánh khá nhiều. Địa phương nào cũng có sinh viên sư phạm thất nghiệp nhiều bởi có những tỉnh hàng chục năm không có chủ trương tuyển dụng giáo viên.

Chính vì thế, sinh viên sư phạm ra trường phải dạy hợp đồng theo tiết, theo tháng và không có quyền lợi như giáo viên được biên chế hoặc ký hợp đồng không xác định thời hạn. Đồng lương thấp, ngày hè, ngày Tết không có lương dẫn đến tình trạng ngày càng ít học sinh giỏi xét tuyển vào các trường sư phạm.

Bên cạnh đó, chính Bộ GD&ĐT cũng đã thừa nhận thực trạng thời gian qua số sinh viên sư phạm ra trường không thể xin được việc, phải làm trái nghề vẫn là bài toán khó. Đây cũng chính là băn khoăn lớn nhất của các sinh viên sư phạm.

Tuy nhiên, theo Nghị định mới: “UBND cấp tỉnh quyết định giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên với cơ sở đào tạo giáo viên theo quy định chung tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và các quy định cụ thể tại Nghị định này.

Hợp đồng đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên giữa địa phương với các cơ sở đào tạo giáo viên phải căn cứ trên cơ sở nhu cầu và kế hoạch đào tạo giáo viên theo từng năm của địa phương”.

Tại điều 4 thì cũng đã nêu cụ thể: “Căn cứ vào nhu cầu sử dụng giáo viên tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể cơ chế tuyển dụng học sinh, sinh viên sư phạm tốt nghiệp theo quy định của pháp luật để tuyển dụng công chức, viên chức và người lao động làm việc trong ngành giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương”.

Như vậy, nếu các địa phương có sự phối hợp tốt với trường sư phạm về nhu cầu thực tế của địa phương để đặt hàng thì sẽ tạo ra những thuận lợi cho cả người học và sự chủ động trong tuyển dụng của địa phương. Ngân sách nhà nước sẽ không bị lãng phí, sinh viên ra trường không phải sống trong cảnh thất nghiệp và rơi vào cảnh phải bồi hoàn học phí và chi phí hỗ trợ. Và trên thực tế, khi không có việc làm thì người học lấy tiền đâu mà bồi hoàn?

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay: “Riêng ngành sư phạm, từ năm 2018 đến các năm tiếp theo, việc giao chỉ tiêu còn dựa trên nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương. Như vậy trong tương lai, tỉ lệ sinh viên ngành sư phạm có việc làm sau khi ra trường sẽ cao hơn tỉ lệ được các trường đang thống kê hiện nay (81%)”.

Nỗi lo thất nghiệp vẫn thường trực

Ngay cả chính sách miễn học phí đối với sinh viên sư phạm trước đây cũng có quy định sau khi tốt nghiệp sinh viên phải công tác trong ngành giáo dục, nếu không phải bồi hoàn học phí. Nhưng đến nay, sinh viên sư phạm không tìm được việc làm đúng chuyên môn nên không thể buộc họ bồi hoàn học phí. Điều này gây nên sự lãng phí rất lớn.

Chính vì thế, theo các chuyên gia giáo dục, Bộ GD&ĐT cần tính đến nhiều phương án chặt chẽ và có cam kết rõ ràng. Nếu không được quy định rõ ràng, không có những cam kết, ràng buộc chặt chẽ thì sinh viên sư phạm ra trường vẫn thất nghiệp như tình trạng “đến hẹn lại lên” sau mỗi mùa sinh viên tốt nghiệp.

Theo một phụ huynh có con vừa vào lớp 12, sinh viên sư phạm ra trường được sắp xếp công việc ngay thì sẽ có nhiều người giỏi vào ngành sư phạm. “Nhưng thực tế hiện nay có những giáo viên hợp đồng cả hơn chục năm mà còn có nguy cơ bị thôi việc, chính vì vậy tôi có con sắp học xong THPT nhưng cũng không muốn hướng vào sư phạm vì sợ ra trường thất nghiệp”.

Thuý Hiền, học sinh lớp 12 trường THPT Trần Phú (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi nghĩ đây không phải là nỗi lo của riêng ai mà ngay chính bản thân tôi còn đang gặp trường hợp này. Nhiều khi tâm sự với bố mẹ rằng học sư phạm và làm giáo viên chính là ước mơ của con nhưng bị bố mẹ phản đối vì cho rằng học sư phạm thì khó xin việc, phải có quen biết thì mới có... Tôi nghĩ câu chuyện trên luôn là vấn đề nhức nhối đối với những bạn học sinh mà có ước mơ làm giáo viên”.

Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến ủng hộ Nghị định và những điều khoản cam kết của sinh viên sư phạm khi được miễn học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt. Rõ ràng, cam kết phải được thực hiện từ hai phía.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm