Thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long
EVNCPC triển khai chương trình ‘Tháng tri ân khách hàng 2024’ / Đề xuất giải pháp phát triển cảng biển khu thương mại tự do Đà Nẵng
Ngày 16/11, trong khuôn khổ diễn đàn khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (Mekong Startup) lần II năm 2024, diễn ra phiên toàn thể, với chủ đề "Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển". Tại đây, các chuyên gia đã cùng thảo luận về cơ chế, chính sách, phương thức kích hoạt năng lực đổi mới sáng tạo và cộng hợp nguồn lực hiệu quả nhằm phát triển kinh tế xanh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhìn nhận, Mekong Startup đã đánh dấu bước đi đầu tiên trong việc mở rộng không gian kết nối các nhà quản lý, nhà đầu tư, doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong nước và quốc tế.
Hướng đến Net Zero
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, đây là diễn đàn thường niên vùng ĐBSCL, được thực hiện nhằm hướng đến mục tiêu làhiệu triệu, tập hợp, thúc đẩy khí thế, hành động của cả hai khu vực công - tư, nhất là lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về phát triển ĐBSCL theo hướng "phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, đảm bảo hài hòa các lợi thế tự nhiên đồng thời tạo nên những dấu ấn riêng".
Năm 2022 với chủ đề là “Nông nghiệp hiện, đại, tuần hoàn, phát thải thấp”, Mekong Startup đã đánh dấu bước đi đầu tiên trong việc mở rộng không gian kết nối các nhà quản lý, nhà đầu tư, doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong nước và quốc tế. Từ đó đến nay, những mô hình nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị, thuận thiên đã được triển khai ở nhiều địa phương, như các mô hình kinh tế dưới tán rừng, tôm - lúa ở bán đảo Cà Mau, chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh, xen canh của Đồng Tháp, Tiền Giang, Cà Mau..
Đặc biệt, mô hình trồng lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh thuộc đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao của 12 tỉnh ĐBSCL, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn, nhờ đó diện mạo vùng đã thay đổi, đời sống người dân được cải thiện và góp phần tích cực thực hiện cam kết của Chính phủ về chuyển đổi hệ thống lương thực minh bạch, trách nhiệm, bền vững và cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025.
Tại diễn đàn, ông Huỳnh Lê Ngọc Viễn - Giám đốc Phát triển Kinh doanh Công ty TNHH Nông trại 123, chủ dự án "Nâng cao giá trị trái tắc, trái bưởi và trái mãng cầu xiêm" (giải nhất cuộc thi khởi nghiệp Xanh - Phát triển bền vững lần thứ 10 năm 2024) cho rằng, với vai trò là chủ doanh nghiệp, ngoài việc chú trọng phát triển kinh doanh, còn phải quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, giảm tác động khí hậu và nâng cao sức khỏe con người.
Để thúc đẩy nông nghiệp, khởi nghiệp xanh, ông Viễn đưa ra 3 kiến nghị: cần đặt trọng tâm canh tác theo hướng nông nghiệp tuần hoàn; chú trọng hơn trong đầu tư các hạ tầng mềm đặc biệt ứng dụng công nghệ số và dữ liệu lớn trong nông nghiệp và cần đặc biệt quan tâm việc tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức cho các bên liên quan.
“Thách thức đặt ra là chuyển đổi xanh từ các mô hình canh tác truyền thống không phải điều dễ dàng, nhất là khi các yêu cầu kỹ thuật của các thị trường lớn mà Việt Nam xuất khẩu ngày càng khắt khe. Chúng ta không thể chuyển đổi lớn nếu không có cùng nhận thức, không có hiểu biết đủ", ông Viễn nói.
Ông Võ Văn Phong - Giám đốc điều hành Công ty Du lịch C2T cho biết, vấn đề cấp bách thế giới đang đối mặt là biến đổi khí hậu, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế nông nghiệp.
Chia sẻ về mô hình du lịch cộng đồng tác động thấp, hướng đến phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu, ông Võ Văn Phong - Giám đốc điều hành Công ty Du lịch C2T cho biết, vấn đề cấp bách thế giới đang đối mặt là biến đổi khí hậu, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế nông nghiệp, vườn cây ăn trái, cây dừa… Ngoài ra, hạn mặn, sạt lở bờ sông nghiêm trọng cũng gây giảm năng suất, ảnh hưởng đến trải nghiệm du lịch.
“Sản phẩm du lịch giữa các tỉnh ĐBSCL có nhiều sự tương đồng, đơn cử như ở Bến Tre, quảng bá du lịch gắn với văn hóa, hình ảnh cây dừa, tài nguyên bản địa để tạo sự khác biệt. Trong đó, lãnh đạo tỉnh nhận thấy xu hướng phát triển bền vững đang được quan tâm, đẩy mạnh. Vì vậy những năm gần đây, C2T đã tập trung phát triển mô hình du lịch tác động thấp, hướng đến Net Zero tour”, ông Phong kỳ vọng.
“Đói” môi trường, chính sách
Tại diễn đàn, bà Cao Thị Cẩm Nhung - người sáng lập thương hiệu Lemit foods, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Thực phẩm Sáng tạo nêu quan điểm, để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh như Lemitfoods và góp phần xây dựng một nền kinh tế xanh bền vững, cần có sự hỗ trợ từ nhiều phía. Theo bà Nhung, về khía cạnh chính sách, nhiều ý kiến đề cập tới các ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh. Đây là những nội dung cần thiết trong giai đoạn đầu cần thúc đẩy chuyển đổi.
“Cơ chế hỗ trợ hình thành các mô hình hỗ trợ khởi nghiệp hay trung tâm trợ giúp khởi nghiệp xanh để giúp doanh nghiệp tiếp cận các ưu đãi xanh. Bên cạnh đó, rất cần xây dựng khung pháp lý hay tiêu chuẩn rõ ràng về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xanh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa sản phẩm ra thị trường”, bà Nhung mong muốn.
Bà Cao Thị Cẩm Nhung - người sáng lập thương hiệu Lemit foods, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Thực phẩm Sáng tạo.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trung Tính - đại diện Công ty TNHH SX TM Alpha Amin nêu, đơn vị phát triển dự án "Chuỗi giá trị tuần hoàn giảm phát thải ngành Thủy sản", vừa vào chung kết cuộc thi Sáng kiến Mekong 2024 trong khuôn khổ Mekong Startup năm nay, về dự án này không chỉ là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng đầu vào cho ngành thủy sản mà còn mang lại những giá trị thiết thực cho cộng đồng.
Bằng cách giảm ô nhiễm môi trường nước nuôi thủy sản, dự án tạo điều kiện cho tuần hoàn nguồn nước và gia tăng miễn dịch tự nhiên cho động vật thủy sản, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu của các mặt hàng thủy sản Việt Nam. Qua đó đơn vị kỳ vọng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, đặc biệt các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật…
Theo ông Tính, từ lúc khởi tạo dự án vào 2020, đội ngũ gặp không ít thách thức, từ thiếu hụt kiến thức, kinh nghiệm quản trị, marketing cho đến vấn đề vốn đầu tư. Vì vậy, thông qua diễn đàn này, ông thay mặt cộng đồng đề xuất một số vấn đề trong lĩnh vực kinh tế xanh có thể phát huy và đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững của vùng, của quốc gia giai đoạn tới.
“Cần xây dựng các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp xanh. Các trung tâm này có thể cung cấp dịch vụ tư vấn, đào tạo, và hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh tế xanh; các doanh nghiệp có các sản phẩm hoặc quy trình sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường nên được hưởng các ưu đãi về thuế trong giai đoạn đất nước ta đang thúc đẩy mục tiêu này.
Điều quan trọng nhất là cần có thêm chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi hoặc vốn xanh, tạo điều kiện cho các dự án khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi hoặc các gói hỗ trợ tài chính xanh từ Chính phủ và các quỹ đầu tư xanh vì đầu tư vào xanh và bền vững là đầu tư trung và dài hạn, khác với dòng tín dụng thông thường”, ông Tính đề xuất.
Nói về chính sách, bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban IV cho biết, sau mỗi lần tổ chức diễn đàn, các bộ, ban, ngành, tổ chức và doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều việc phải làm để hiện thực hóa những sáng kiến tiềm năng. Bà Thủy kỳ vọng, nhiều kiến nghị liên quan cơ chế, chính sách, bộ, ngành địa phương đã được đề ra, có thể nhận được sự ủng hộ, thúc đẩy để đưa những tâm tư, nguyện vọng này "đến đích".
“Bên cạnh quan tâm đến các sáng kiến, bộ, ban, ngành, tổ chức và doanh nghiệp lớn cũng cần tạo điều kiện, không gian để các startup cùng kết nối, tạo nên những giá trị tổng hợp to lớn hơn thay vì riêng lẻ. Những mô hình, thiết kế trong khuôn khổ diễn đàn có thể cùng tham gia công tác để khuyến khích tinh thần nhận thí điểm", bà Thủy cho biết thêm.
Kết hợp nguồn lực công - tư
Từ góc nhìn của một quỹ đầu tư lớn, ông Vũ Chí Công - Giám đốc Quỹ đầu tư tác động VinaCarbon, Tập đoàn VinaCapital đã chia sẻ về tiềm năng tín chỉ carbon tại ĐBSCL, dưới tác động của biến đổi khí hậu. Cụ thể, ĐBSCL có tiềm năng lớn nhờ sở hữu 750 km đường bờ biển, 12 triệu tấn trấu, tấn rơm rạ thải ra hàng năm. Khu vực có nhiều tiềm năng về năng lượng gió, năng lượng mặt trời, phân bón hữu cơ, lúa gạo.
Tuy nhiên tiến độ đầu tư của VinaCarbon vẫn chưa đạt kỳ vọng, ông Công cho rằng, cần phát triển dự án lớn, thu hút đầu tư lớn, thúc đẩy startup "thực hiện hóa ước mơ", đi đúng định hướng. Bên cạnh đó, nên có những thỏa thuận, hợp tác từ các quốc gia thiếu tài nguyên như Nhật Bản, nước ta có thể bán tín chỉ carbon cho những thị trường này.
“Nên đẩy mạnh chính sách rừng, sử dụng đất… để thúc đẩy các nhà đầu tư "xuống tiền", với bộ Khoa học Công nghệ, nên phát hành các quy định về chứng chỉ carbon. Điển hình như mô hình than sinh học, phân hữu cơ, thị trường rất được quan tâm nhưng thiếu chính sách. Nếu được quan tâm hợp lý sẽ rất tiềm năng”, ông Công kiến nghị.
Ông Peter Johnson - chuyên gia tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO).
Đại diện các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế góp mặt tại diễn đàn Mekong Startup 2024, ông Peter Johnson - chuyên gia tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) chia sẻ, những xu hướng toàn cầu và các giải pháp thích ứng là nguồn nguyên liệu giúp tạo cơ hội đổi mới trong nông nghiệp xanh. Hệ thống thực phẩm chiếm khoảng một phần ba phát thải toàn cầu. Nông nghiệp công nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng thoái hóa đất, nạn phá rừng và mất đa dạng sinh học.
Để giảm bớt những áp lực kể trên, ông Johnson đề xuất các công ty khởi nghiệp và nhà đổi mới tìm ra những cách thức mới để sản xuất thực phẩm, nguyên liệu. Đơn cử như hình thành hệ thống canh tác hướng đến bền vững, sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn.
“Các doanh nghiệp nên chuyển sang nông nghiệp xanh trên toàn cầu. Ý tưởng này nhận được nhiều sự ủng hộ và đồng tình từ các đại biểu tham dự. Vì các hợp phần trong hệ thống nông nghiệp toàn cầu phụ thuộc vào các yếu tố: hiệu quả chi phí (nông nghiệp chính xác); điều kiện khí hậu thay đổi (suy giảm năng suất); suy thoái tài nguyên nông nghiệp; nhu cầu thị trường…”, ông Johnson nói về xu hướng, giải pháp kích hoạt năng lực đổi mới sáng tạo. Đồng thời, ông cũng đưa những khuyến nghị về kết hợp nguồn lực công - tư hiệu quả, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh khu vực ĐBSCL.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa.
Sau khi nghe các đơn vị thảo luận, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL năm nay là một chương trình rất ý nghĩa, góp phần thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cũng như phát triển kinh tế khu vực.
Theo ông Nghĩa, đây là năm thứ hai chúng ta tổ chức một diễn đàn có tính chất đối thoại công - tư ở quy mô cấp vùng, tập trung thảo luận hai bài toán khó gồm: những xu hướng mới, mô hình và giải pháp mới để phát triển kinh tế xanh, bền vững tại ĐBSCL; bài toán trọng tâm của quốc gia và của vùng về thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo gắn với định hướng xanh hóa nền kinh tế.
“Chủ đề “Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển” được lựa chọn cho diễn đàn năm nay không chỉ là một xu hướng toàn cầu, mà còn là một vấn đề cấp thiết đối với sự phát triển bền vững của khu vực. Đồng thời, góp phần quan trọng để thúc đẩy nhận thức và các mục tiêu đổi mới sáng tạo, tìm lời giải cho các định hướng kinh tế đặc thù và bền vững của vùng”, Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh về nỗ lực và sự hợp tác nguồn lực hiệu quả của cả hai khu vực công - tư.
Kết thúc diễn đàn, Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp đã công bố 6 kết quả, thông điệp chính. Trong đó, diễn đàn thực sự trở thành “địa chỉ đỏ” để hiệu triệu, tập hợp, thúc đẩy khí thế, hành động của cả hai khu vực công - tư và Đồng Tháp là trung tâm giải pháp chuyển đổi xanh khu vực trong tình hình mới. “Sau diễn đàn này, chúng tôi sẽ tập hợp toàn bộ các ý kiến của quý vị tại diễn đàn để xây dựng, hoàn thiện báo cáo đệ trình Thủ tướng và lãnh đạo Chính phủ nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bền vững cho khu vực ĐBSCL”, ông Nghĩa nói thêm.
Ra mắt mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong Mạng lưới chuyển đổi Xanh Mekong là một sáng kiến của sự hợp tác từ của hai khối công - tư nhằm thúc đẩy các giải pháp bền vững, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tại khu vực ĐBSCL. Mạng lưới bao gồm ban cố vấn chuyên môn, ban thư ký và các nhóm công tác chuyên biệt. Các nhóm này gồm: nông nghiệp xanh - phát triển sáng kiến nông nghiệp bền vững và số hóa nông nghiệp; du lịch xanh - thúc đẩy các mô hình du lịch bền vững và trách nhiệm; thanh niên Mekong xanh - hướng đến nâng cao nhận thức và năng lực khởi nghiệp của thanh niên trong lĩnh vực môi trường. Mạng lưới hoạt động theo cơ chế xây dựng kế hoạch hành động định kỳ, tổ chức các buổi họp hàng quý hoặc 6 tháng, xuất bản tin chuyên đề và tổ chức các hoạt động đặc thù khác. Đặc biệt, cơ chế hợp tác công - tư là chìa khóa giúp hiện thực hóa các sáng kiến phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL.
|
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Ngăn ngừa các nguy cơ xảy ra sự cố điện dịp Tết Nguyên đán
Đà Nẵng: Phẫu thuật thành công cho sản phụ mang thai 33 tuần mắc nguy cơ hiếm gặp
FPT mở trường phổ thông liên cấp tại Long An
Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế: Cơ hội vàng cho Việt Nam
Du lịch là cầu nối quan trọng để các nước hợp tác tiến vào kỷ nguyên mới
Kiều hối chuyển về TP Hồ Chí Minh đạt hơn 9,5 tỷ USD