Tin tức - Sự kiện

Đề xuất giải pháp phát triển cảng biển khu thương mại tự do Đà Nẵng

DNVN - Tham dự diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics TP Đà Nẵng” ngày 14/11, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng Lê Quảng Đức đề xuất các giải pháp nhằm thu hút hàng hóa container vận tải biển.

Đà Nẵng đặt mục tiêu 90% doanh nghiệp du lịch ứng dụng công nghệ số vào năm 2030 / Đà Nẵng: Lượng khách du lịch lưu trú qua đêm tăng mạnh

Những kết quả vượt bậc của Cảng Đà Nẵng trong 10 năm qua

Theo ông Lê Quảng Đức, với hơn 123 năm phát triển, Cảng Đà Nẵng là cảng biển lớn và hiện đại nhất miền Trung, giữ vai trò quan trọng trong kinh tế và logistics của khu vực; là cửa ngõ ra Thái Bình Dương và là điểm đầu cũng như điểm cuối của Hành lang kinh tế Đông Tây.

Phó Tổng giám đốc Cảng Đà Nẵng Lê Quảng Đức phát biểu tham luận tại diễn đàn.

Phó Tổng giám đốc Cảng Đà Nẵng Lê Quảng Đức phát biểu tham luận tại diễn đàn.

Trong đó, bến cảng Tiên Sa hiện đóng vai trò là khu bến chính phục vụ trực tiếp TP Đà Nẵng, một phần Bắc Tây Nguyên, các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và cũng là điểm quá cảnh cho hàng hóa từ Lào và Đông Bắc Thái Lan kết nối với Biển Đông.

Với việc nâng cấp và mở rộng, cảng Tiên Sa hiện nay gồm 7 cầu cảng với tổng chiều dài 1.700m, có thể đón tàu hàng đến 50.000 tấn đầy tải, 70.000 tấn giảm tải, tàu container đến 4.000 TEUs, tiếp nhận tàu khách đến 170.000 GT; cùng với nhiều phương tiện thiết bị và công nghệ khai thác cảng hiện đại.

Thông tin đến các đại biểu tham dự diễn đàn, ông Lê Quảng Đức cho biết, 10 năm trở lại đây, Cảng Đà Nẵng đã tạo lập được một thị trường vận tải container đông đúc, sôi động, cạnh tranh, phát triển mạnh mẽ và luôn dẫn đầu về sản lượng, chiếm chiếm khoảng 65% sản lượng container của khu vực miền Trung.

Hiện nay, có hơn 20 hãng tàu container thường xuyên đến ăn hàng tại Cảng Đà Nẵng với trung bình 25 – 30 chuyến tàu container/tuần. Cảng Đà Nẵng phục vụ hơn 2.000 doanh nghiệp sản xuất trong khu vực, tạo thành một mạng lưới kinh tế sôi động.

Tập trung định hướng dịch vụ

Để đạt được kết quả đó, ông Lê Quảng Đức cho biết Cảng Đà Nẵng đã tập trung định hướng dịch vụ và lấy khách hàng làm trung tâm. “Chúng tôi xác định các nhu cầu của khách hàng muốn gì, cần gì, để từ đó làm cơ sở đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh để khách hàng hưởng lợi nhiều hơn từ sự đổi mới và cải tiến của cảng”, ông Lê Quảng Đức nói.

Cùng với đó, Cảng Đà Nẵng có chiến lược giá áp dụng chiến lược giá phù hợp, vừa bảo đảm lợi nhuận vừa nâng cao sức cạnh tranh. Đồng thời tiên phong chuyển đổi số toàn diện, tối ưu hóa quy trình sản xuất và khai thác, đẩy nhanh quá trình giao nhận, nâng cao năng suất; triển khai nhiều phần mềm, giải pháp như cảng điện tử (ePort).

Theo đó, Cảng Đà Nẵng là doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số với việc triển khai lệnh giao hàng điện tử, thông quan hải quan điện tử, hóa đơn điện tử và thanh toán điện tử; sử dụng phần mềm quản lý hoạt động khai thác cảng (TOS), trạm nhiên liệu tự động.

Đặc biệt là vận hành thành công cổng container tự động (Autogate) đầu tiên trong hệ thống cảng biển Việt Nam. Phần mềm canh xe tự động (ECPS) và phần mềm điều xe (ETRACTOR) đã tối ưu hóa quãng đường di chuyển, giảm thiểu thời gian vô ích của các phương tiện trung chuyển container trong cảng.

Cảng Đà Nẵng cũng không ngừng tập trung cho công tác đầu tư nâng cao năng lực, nâng cấp cơ sở hạ tầng, luồng lạch, mở rộng kho, bãi, phương tiện thiết bị hiện có nhằm đáp ứng nhu cầu sản lượng ngày càng tăng, góp phần tăng khả năng giải phóng tàu, luân chuyển dòng hàng hóa qua Cảng Tiên Sa nhanh chóng nhất.

Đặc biệt tháng 6/2024, Cảng Đà Nẵng đã đưa dự án bãi container sau cầu 4,5 có diện tích 3,5ha với 04 cần cẩu bãi chuyên dụng (ERTG) vào khai thác; trong tháng 9/2024 tiếp tục đưa cần cẩu giàn container chuyên dụng vào khai thác trên cầu tàu Tiên Sa 4. Như vậy trên cầu tàu này hiện có thể đưa 3 cẩu vào việc bốc xếp container cùng một lúc.

Điều này mang lại lợi ích cho chủ tàu thông qua một năng suất khai thác tàu cao hơn đáng kể, nhằm đáp ứng theo xu hướng của thế giới hiện nay là các hãng tàu đang đưa vào sử dụng các đội tàu có trọng tải lớn hơn để giảm thiểu và tiết kiệm chi phí.

Dự kiến, trong tháng 11/2024, Cảng Đà Nẵng cũng sẽ triển khai khởi công dự án đầu tư Trung tâm logistics Hòa Vang với diện tích 20ha cùng hệ thống kho bãi rộng lớn, phục vụ cho toàn bộ khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, Cảng Đà Nẵng tập trung xây dựng và quảng bá thương hiệu. Thực hiện đa dạng các hình thức như quảng cáo trên các phương tiện cả offline và online, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp trong cộng đồng thông qua các hoạt động thiện nguyện, tài trợ và tham gia các sự kiện.

“Cảng Đà Nẵng đã xây dựng được hình tượng là một cảng uy tín và số một tại khu vực miền Trung thông qua việc cam kết cung cấp đúng sản phẩm, dịch vụ như hợp đồng đã ký kết, đề cao chất lượng, tính minh bạch và hướng tới lợi ích của khách hàng là trên hết”, ông Lê Quảng Đức nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết, Cảng Đà Nẵng liên tục khảo sát thị trường và tìm kiếm khách hàng mới thông qua chủ động kết nối và tìm kiếm thông tin, đặc biệt là với các sở, ban, ngành của các địa phương trong vùng thị trường trọng điểm để nắm bắt thông tin về khách hàng và các đối thủ cạnh tranh; về các dự án đầu tư mới, dự án mở rộng, từ đó có phương án phát triển thị trường hiệu quả ngay khi từ các dự án còn chưa triển khai.

Đề xuất giải pháp thu hút hàng container

Theo ông Lê Quảng Đức, cảng biển là một trong những điều kiện mang tính quyết sự thành công của một khu thương mại tự do (TMTD). Cùng với xu thế phương thức vận tải hàng hóa bằng container của thế giới, với kinh nghiệm của mình, Cảng Đà Nẵng đưa ra một số đề xuất trong việc thu hút hàng container nhằm phát triển cảng biển Đà Nẵng, qua đó góp phần vào sự thành công của khu TMTD Đà Nẵng.

Cụ thể, cần có cảng biển có thể tiếp nhận tàu container có sức chở đủ lớn với năng suất, chất lượng dịch vụ cao, an toàn, hiện đại, phát triển theo hướng cảng xanh với một hệ sinh thái cho cảng biển có tính đồng bộ, minh bạch, hiệu quả, bao gồm cảng vụ, hoa tiêu, biên phòng, hải quan, kiểm dịch.

Phát triển hệ thống giao thông hiện đại, an toàn kết nối cảng với vùng hậu phương cảng (bao gồm TP Đà Nẵng, các tỉnh miền Trung và Hành lang kinh tế Đông Tây) với nhiều phương thức vận tải như đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Hệ thống giao thông phải bảo đảm kết nối với cảng 24/7 để dòng hàng hóa luôn được thông suốt, nhanh chóng. Trong đó lưu ý việc nâng cấp mở rộng giao thông đường bộ kết nối với Lào qua cửa khẩu Đắc Ốc.

Ông Lê Quảng Đức cũng kiến nghị hải quan tại các cửa khẩu cần thực hiện phương châm “hai cửa khẩu một điểm dừng” với thiết bị hiện đại, con người chuyên nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa qua đây.

Đồng thời ông đề xuất chính quyền TP Đà Nẵng cần có ưu đãi về tiền thuê đất nhằm thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực logistics vì hiện nay giá đất để tính tiền thuê đất quá cao.


Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm