Tin tức - Sự kiện

Thực hiện chưa thống nhất việc bảo lưu đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 12 năm

Việc giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp và bảo lưu thời gian đóng với trường hợp có thời gian đóng trên 144 tháng (12 năm) chưa thống nhất trên toàn quốc.

Sở hữu trí tuệ trong nông nghiệp - Bài cuối: Nghị định 65/2023 - Tạo hành lang pháp lý thông thoáng và hoàn chỉnh / Lần đầu tiên lễ hội bia Đức GBA Oktoberfest đến với Đà Nẵng

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với trường hợp đã đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng.

Chú thích ảnh
Người lao động đến làm thủ tục hưởng Bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Theo quy định của pháp luật, nếu người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng (12 năm), nếu nghỉ việc thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa 12 tháng.

Trước đó, hồi tháng 10/2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã từng có công văn gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xin ý kiến về vấn đề này, song đến nay gần 1 năm nhưng Bộ vẫn chưa có hướng dẫn.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thực tế việc giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với trường hợp có thời gian đóng trên 144 tháng không thống nhất trên toàn quốc.

Cụ thể, có một số Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố chậm triển khai việc thực hiện không bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng khi giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp theo hướng dẫn tại Công văn số 665/CVL-BHTN. Tuy nhiên lại không ban hành quyết định điều chỉnh bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với những trường hợp đã giải quyết trợ cấp thất nghiệp trước đó như: TP Hồ Chí Minh, Hòa Bình (tháng 9/2022); Thái Nguyên, Cà Mau (tháng 10/2022); An Giang, Hậu Giang (tháng 11/2022)...

Bên cạnh đó, một số địa phương điều chỉnh thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đã bảo lưu đối với các trường hợp có thời gian đóng trên 144 tháng được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp từ ngày 1/1/2021 đến khi thực hiện theo Công văn số 665/CVL-BHTN không thống nhất (23 tỉnh, thành phố đã ra quyết định điều chỉnh; 40 tỉnh, thành phố chưa ra quyết định điều chỉnh).

 

Một số tỉnh, thành phố khi ra quyết định chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp có bảo lưu cả thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng đối với các trường hợp khi được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp đã không bảo lưu theo hướng dẫn tại Công văn số 665/CVL- BHTN (TP.HCM, Đồng Nai, Long An).

Sau khi Công văn số 665/CVL-BHTN của Cục Việc làm gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kịp thời điều chỉnh các phần mềm nghiệp vụ đáp ứng việc tổ chức thực hiện chính sách.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đến nay vẫn còn tình trạng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội một số tỉnh, thành phố thực hiện không thống nhất đối với những trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng đã được bảo lưu theo Công văn số 278/CVL- BHTN của Cục Việc làm.

Điều này dẫn đến khó khăn cho cơ quan Bảo hiểm xã hội trong việc thực hiện xác nhận thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên hệ thống phần mềm nghiệp vụ liên thông toàn quốc đối với người hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trong khi đó, việc thực hiện các nghiệp vụ trên phần mềm yêu cầu phải đảm bảo tính thống nhất đối với cùng một nhóm đối tượng có cùng điều kiện.

 

Đối với những trường hợp bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng đã giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo (69 trường hợp), nếu không có hướng dẫn thống nhất trong tổ chức thực hiện sẽ rất khó khăn trong công tác thu hồi tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp.

“Việc không thống nhất trong tổ chức thực hiện như trên gây bất bình đẳng về quyền lợi giữa những người lao động trong cùng nhóm đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp”, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết.

Trước thực tế trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu sớm có hướng dẫn thống nhất về bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp từ ngày 1/1/2021, cho đến khi thực hiện theo Công văn số 665, và việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng.

Trong thời gian chờ ý kiến của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cơ quan Bảo hiểm xã hội tạm thời không bảo lưu đối với tất cả những trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp kể từ ngày 1/1/2021.

Trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 17 và khoản 3 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7, khoản 8 Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

 

Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, từ ngày 1/1/2021 đến ngày 15/8/2022, có hơn 20.700 người lao động đã hưởng hết 12 tháng trợ cấp thất nghiệp và được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng.

Theo Điều 50 của Luật Việc làm, thời gian trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp, tối đa không quá 12 tháng.

Luật Việc làm cũng quy định, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục, hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp, cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm