TP.HCM: Khuyến cáo không nên sử dụng buồng kháng khuẩn vì chưa chứng minh được độ an toàn
Chuyên gia RMIT chia sẻ cách dậy và học trực tuyến hiệu quả / Thủ tướng ra chỉ thị quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19
Sở Y tế TP.HCM vừa có công văn khẩn gửi đến các bệnh viện công lập và ngoài công lập; các Trung tâm Y tế quận, huyện; các Phòng Y tế quận, huyện và các Phòng khám đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn Thành phố để khuyến cáo không sử dụng buồng khử khuẩn toàn thân cho người bước vào.
Nội dung công văn cho biết, hiện nay trên các phương tiện thông tin nêu rất nhiều về buồng khử khuẩn toàn thân di động và thực tế trên địa bàn thành phố đã có một số cơ sở khám chữa bệnh đưa vào sử dụng.
Một buồng khử khuẩn toàn thân di động. (Ảnh: báo Tiền Phong)
Theo nhà sản xuất, hệ thống buồng khử khuẩn được thiết kế dựa trên nguyên tắc sử dụng dung dịch nước muối ion hóa (Anolyte) dạng phun sương toàn thân nhằm sát khuẩn nhanh bề mặt cơ thể con người.
Tuy nhiên, đến ngày 26/3/2020, Bộ Y tế đã có khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên sử dụng buồng khử khuẩn toàn thân khi chưa được Hội đồng Khoa học Công nghệ Bộ Y tế thông qua vì chưa đủ tài liệu chứng minh hiệu quả diệt vi khuẩn và sự an toàn cho người sử dụng.
Đồng thời, ngày 26/3/2020, Sở Y tế thành phố cũng đã nhận được ý kiến chuyên môn của Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Thành phố. Theo đó, tác dụng khử khuẩn của Anolyte chính là nhờ vào thành phần Clo hoạt tính. Trong y tế, anolyte đã được sử dụng chủ yếu để khử khuẩn các dụng cụ, bề mặt buồng bệnh, phòng mổ, máy móc, vật dụng hàng ngày.
Trên cơ sở đó, Sở Y tế Thành phố khuyến cáo các cơ sở khám chữa bệnh, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố không nên sử dụng buồng kháng khuẩn toàn thân do chưa được chứng minh về hiệu quả diệt vi rút và sự an toàn đối với người sử dụng.
Đồng thời, người dân hãy thực hiện những biện pháp dự phòng đơn giản, dễ thực hiện nhưng hiệu quả như không đi ra ngoài nếu không cần thiết, nếu phải đi ra ngoài thì giữ khoảng cách với mọi người ít nhất 2m và đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay có nồng độ cồn ít nhất 60%...
End of content
Không có tin nào tiếp theo