TP Hồ Chí Minh: Siêu thị chỉ phục vụ 5 người cùng lúc, hoặc hẹn giờ khách đến mua sắm
DNVN - Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) vừa cập nhật tình hình cung ứng và giá cả hàng hóa tại các điểm "nóng" COVID-19. Theo đó, với việc áp dụng quy tắc chống dịch 5K, các siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh cùng lúc chỉ phục vụ 5 người hoặc phải hẹn giờ để khách đến mua sắm.
CLIP: Khám phá quy trình sản xuất vaccine Nano Covax của Việt Nam / Vietnam Airlines và Viettel hợp tác cùng chuyển đổi số
Các siêu thị thực hiện nghiêm quy tắc 5K
Đại diện Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) cho biết, đến sáng ngày 11/7/2021, tình hình cung ứng hàng hoá
tại TP Hồ Chí Minh cải thiện nhiều, hàng hoá tại các siêu thị đã tương đối đầy đủ.
Tuy nhiên, do phải áp dụng quy tắc chống dịch 5K của Bộ Y tế, các siêu thị hạn chế người vào mua sắm cùng lúc. Các siêu thị thuộc hệ thống Bách Hoá Xanh và các siêu thị thuộc Coopmart mỗi đợt chỉ phục vụ 5 người vào mua sắm. Trong khi đó, các siêu thị khác phải hẹn giờ để khách đến mua hàng.
Theo đánh giá của đại diện Tổng cục QLTT, dù hàng hoá đầy đủ nhưng TP Hồ Chí Minh chưa thể đáp ứng nhu cầu người dân, nhiều người rất khó mua được rau, củ, quả, cá, thịt.
Người dân chờ tới lượt để được vào mua sắm tại siêu thị Co.op mart Chu Văn An, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: TNO)
Tại chợ truyền thống, các quầy bán thực phẩm tươi sống vẫn hoạt động, nhưng hoạt động rất hạn chế do áp dụng quy tắc 5K. Các mặt hàng thực phẩm chế biến khác nguồn cung đầy đủ, giá ổn định. Giá thực phẩm tươi sống có giảm so với hôm qua nhưng vẫn tăng cao so với trước khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg với mức tăng từ 50%-100%.
Tại các tỉnh khác ở phía Nam cũng đang là điểm "nóng" COVID, do tâm lý lo sợ dịch bệnh nên người dân mua hàng thực phẩm rất nhiều. Các nhà bán lẻ, siêu thị đều tăng lượng hàng cung ứng, dự trữ nên đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, giá cả ổn định. Tại các chợ truyền thống, lượng mua cũng tăng nhưng hàng hoá dồi giàu. Giá trứng tăng, các loại thịt, rau củ, quả tăng nhẹ.
Về tình hình kiểm tra, kiểm soát chống đầu cơ, găm hàng tăng giá, đại diện Tổng cục QLTT cho biết, các cục Quản lý thị trường chưa phát hiện, xử phạt các hành vi vi phạm nào về đầu cơ, găm hàng tăng giá bất hợp lý.
Yêu cầu bán hàng theo giá niêm yết
Liên quan đến tình hình phối hợp với các ngành chức năng chống dịch, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh đã cử kiểm soát viên tham gia 12 chốt kiểm soát người ra, vào TP từ ngày 9/7/2021.
Cục QLTT tỉnh Đồng Nai phối hợp với Ban quản lý các chợ, Đài truyền thanh các huyện, thành phố tuyên truyền trên các loa đài tại các chợ nhiều lần trong ngày với khẩu hiệu “tiểu thương kinh doanh tại các chợ thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết không lợi dụng dịch bệnh tăng giá bất hợp lý” để các tiểu thương thực hiện. Phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện cho các tiểu thương, cơ sở kinh doanh ký cam kết niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết theo chỉ đạo của Cục QLTT.
Cục QLTT tỉnh Bình Phước được tỉnh giao chủ trì việc kiểm tra thị trường, chống đầu cơ, tăng giá bất hợp lý nên đã chủ trì với các ngành kiểm tra thị trường trong tỉnh.
Cục QLTT tỉnh Bình Dương đã cử kiểm soát viên tham gia 3 trạm kiểm soát dịch bệnh cấp tỉnh, 1 chốt kiểm soát dịch bệnh và 2 tổ tuần tra lưu động kiểm soát dịch bệnh cấp huyện.
Trong khi đó, Cục QLTT tỉnh Long An đã cử kiểm soát viên tham gia 9 chốt kiểm soát người ra, vào tỉnh. Cục QLTT tỉnh Tiền Giang cử 28 công chức tham gia 4 đội tuần tra trực 9 chốt kiểm dịch.
Cục QLTT tỉnh An Giang cử công chức tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Trạm thu phí T2, hỗ trợ công tác phòng chống dịch cho tỉnh, phân công 6 công chức tham gia hỗ trợ chốt kiểm soát.
Cục QLTT tỉnh Hậu Giang phối hợp với Sở Công Thương tỉnh kiểm tra, khảo sát nắm bắt tình hình thị trường việc cung cầu hàng hóa tại các điểm Bách Hóa Xanh, các Chợ thị xã Long Mỹ, Chợ thị trấn Cái Tắc và Chợ thị trấn Ngã Sáu thuộc huyện Châu Thành.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo