Tin tức - Sự kiện

Trở lại tuổi thơ nhân dịp 1/6 với bộ tem “Trò chơi dân gian”

Bộ tem “Trò chơi dân gian” như một thước phim đang tua lại để tất cả được trở về với thời non dại của mình.

5 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 1% / Hôm nay (31/5), Thủ đô Hà Nội nắng nóng tới trên 38 độ C

Ngày 01/6/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem "Trò chơi dân gian" gồm 4 mẫu và 01 blốc. Bộ tem được cung ứng trên mạng lưới Bưu chính công cộng đến ngày 31/12/2021.

Trong chúng ta ai cũng đã từng trải qua tuổi thơ, là một đứa trẻ với những trò nghịch ngợm, chơi đùa của trẻ con. Những vòng quay của con quay (chơi cù) hay những bước nhảy lò cò... tất cả như một bức tranh sinh động được phác họa.

Trò chơi dân gian không đơn thuần là một trò chơi của trẻ em mà còn chứa đựng cả một nền văn hóa dân tộc Việt Nam độc đáo và giàu bản sắc. Trò chơi dân gian không chỉ nâng cánh cho tâm hồn trẻ, giúp trẻ rèn luyện kỹ năng sống, giáo dục thể chất, phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, sự khéo léo mà còn giúp các em hiểu thêm về tình bạn, tình yêu gia đình, tình yêu quê hương, đất nước.

Trò chơi dân gian có nhiều thể loại phù hợp với các sở thích, cá tính khác nhau của nhiều đối tượng người chơi như sôi nổi, điềm đạm hay trầm tĩnh. Mỗi trò lại có một quy luật riêng, mang những sắc thái khác nhau khiến trẻ em chơi suốt ngày mà không thấy chán.

Trò kéo co cũng thể hiện tinh thần thượng võ, rèn luyện thể lực và sự nhanh nhẹn, khéo léo. Đánh đáo, chơi chuyền, chơi ô ăn quan lại rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo cá nhân, khả năng tính toán, phán đoán chính xác. Từ chỗ ganh đua mang tính chất tượng trưng, dần dần các trò chơi trở thành những cuộc thi tài, thi khéo, các cuộc thi đấu thể thao như bi sắt, nhẩy ngựa, đá cầu...

Hơn nữa, các trò chơi dân gian Việt Nam thường giản tiện, không cầu kỳ, tốn kém nên có thể dễ dàng chơi mọi lúc, mọi nơi, dụng cụ dễ kiếm, dễ làm, chủ yếu lấy từ trong tự nhiên, thậm chí chỉ là cái gậy, hòn đá, hòn bi chúng có thể nhặt trong vườn, dưới ruộng là có thể lập được một hội chơi.

Người chơi thường là những trẻ chăn trâu lê la túm tụm ngoài bãi cỏ, ngoài việc vui đùa, rèn luyện thân thể, còn thể hiện nỗi khát khao chiến thắng tiềm ẩn trong mỗi đứa trẻ.

Mẫu 4-1: Ô ăn quan.
Trở lại tuổi thơ nhân dịp 1/6 với bộ tem “Trò chơi dân gian” - Ảnh 2.

Mẫu 4-2: Nhảy dây.

Trở lại tuổi thơ nhân dịp 1/6 với bộ tem “Trò chơi dân gian” - Ảnh 3.

Mẫu 4-3: Rồng rắn lên mây.

Trở lại tuổi thơ nhân dịp 1/6 với bộ tem “Trò chơi dân gian” - Ảnh 4.

Mẫu 4-4: Bịt mắt bắt dê.

Trở lại tuổi thơ nhân dịp 1/6 với bộ tem “Trò chơi dân gian” - Ảnh 5.

Blốc: Kéo co.

Bằng bút pháp dân gian mang phong cách tranh dân gian Hàng Trống, hình ảnh các nhân vật trẻ em được vẽ nét to khỏe viền khối hình họa tạo ra một không gian ấn tượng pha chút lập thể với ánh sáng tự thân len lỏi trong từng hình tượng nhân vật. Những chỗ hở của nền giữa nét và hình đã tạo nên một không gian ước lệ mang tính dân gian mà chúng ta thường gặp trong nền văn minh lúa nước. Sự nôm na nhưng biểu cảm của từng nét mặt nhân vật đã tạo nên những dấu ấn thị giác về một thế giới tuổi thơ trong từng thân phận con người đương đại.

 

Bộ tem được thiết kế tràn lề với khuôn khổ tem: 43 x 32 mm; khuôn khổ blốc: 90 x 60mm, do họa sĩ Tô Minh Trang, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thiết kế. Bộ tem được phát hành vào ngày 01/6/2020 và cung ứng trên mạng lưới Bưu chính công cộng đến ngày 31/12/2021.

Thông qua hình ảnh bộ tem, tất cả như được tái hiện, một thước phim đang tua lại, để khi ta nhắm mắt và hồi tưởng, để được trở về với thời non dại của mình, với tình bạn ngây ngô trong sáng, những buổi trốn học đi chơi đánh bi đánh đáo. Chẳng vậy mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" và nhạc sỹ Hoàng Ngọc Quý cũng đã sáng tác bài hát "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" – Tuổi thơ ơi, cho tôi xin một vé để trở về.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm