Viện trưởng CIEM "hiến kế" 3 ưu tiên quan trọng để phục hồi tăng trưởng kinh tế bền vững
DNVN - 3 ưu tiên quan trọng đó là bảo đảm có sự song hành giữa chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách kinh tế vi mô, hướng tới phục hồi xanh và phục hồi bền vững; thúc đẩy phục hồi kinh doanh và nâng cao mức độ tự chủ của nền kinh tế; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ hướng tới kinh tế số...
Đà Nẵng: Lại tạm dừng tắm biển, thể dục, cắt tóc từ 12h ngày 15/7 / Xử phạt, giáo dục 6 đối tượng lan truyền thông tin sai về COVID-19
Nền kinh tế hứng chịu tác động lớn từ đợt dịch COVID-19 thứ 4
Tại Hội thảo trực tuyến “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021: Cải cách để phục hồi tăng trưởng bền vững” do Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 15/7, TS. Trần Thị Hồng Minh cho biết, bối cảnh kinh tế trong 6 tháng vừa qua không dễ dàng hơn so với năm 2020.
Từ đầu năm 2021, Việt Nam trải qua hai đợt bùng phát dịch COVID-19, nhất là đợt dịch từ cuối tháng 4 với những diễn biến khá phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Đợt dịch này đã lan đến các khu công nghiệp, các trung tâm kinh tế lớn, gây ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế.
Rút kinh nghiệm từ ba đợt dịch trước, Chính phủ đã tiếp cận điều hành trong đợt dịch thứ tư đã có sự linh hoạt cần thiết để vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM phát biểu tại hội thảo sáng 15/7.
Chính phủ tiếp tục kiên định với các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các biện pháp hỗ trợ tiếp tục được thực hiện, điều chỉnh nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, qua đó góp phần vào ổn định xã hội.
Đồng thời, nhiều giải pháp, nhiệm vụ hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số để tạo sức bật cho nền kinh tế trong dài hạn và thúc đẩy thực hiện hiệu quả các FTA mới tiếp tục là ưu tiên trong các tháng đầu năm 2021.
Đề cập đến bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cho biết, tốc độ tăng GDP đạt 5,64% trong 6 tháng đầu năm 2021 và đà phục hồi tăng trưởng vẫn hiện hữu. Mặc dù vậy, việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 ở mức 6,5% là thách thức rất lớn.
Cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19. Các doanh nghiệp ít nhiều cũng chủ động cân nhắc điều chỉnh hướng sản xuất kinh doanh. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, có hơn 67 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 8,1% về số doanh nghiệp và tăng 34,3% về vốn đăng ký. Triển vọng và xu hướng kinh doanh được các doanh nghiệp phân ngành chế biến chế tạo nhìn nhận lạc quan hơn.
Trong khi đó, tình hình lao động việc làm cũng chịu những ảnh hưởng đáng kể. Tổng số lực lượng lao động trong độ tuổi giảm 90,8 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp chung của lao động trong độ tuổi trong cả nước 6 tháng đầu năm 2021 là 2,52%.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 1,47%; lạm phát cơ bản bình quân tăng 0,87% trong 6 tháng đầu năm 2021. Theo ông Dương, chênh lệch không nhiều giữa lạm phát cơ bản và lạm phát chung cũng cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong kiểm soát giá cả, qua đó giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Xuất khẩu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 158,3 tỷ USD, tăng 29,0%. Đà tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021 có dấu ấn rõ nét từ sự phục hồi của khu vực FDI (tăng tới 34%). Kết quả này chủ yếu nhờ nhu cầu nhập khẩu tăng trở lại ở một số thị trường trọng yếu của Việt Nam - khi các thị trường này đã có nhiều chuyển biến trong tiêm vaccine cho người dân.
Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ hướng tới kinh tế số
Theo Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Chính phủ mới đã nhanh chóng bắt tay vào điều hành phát triển kinh tế - xã hội, vẫn hướng tới “mục tiêu kép”, đồng thời tiếp tục lắng nghe những đề xuất mới, như đề xuất cho phép các nhà máy trong khu công nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất trong điều kiện bảo đảm phòng chống dịch, đề xuất cho phép doanh nghiệp chủ động nhập vaccine...
Chính phủ vẫn ưu tiên bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội. Để hiện thực hóa những ưu tiên này, kiểm soát lạm phát có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Những ý kiến tranh biện về kịch bản diễn biến giá cả và yêu cầu kiểm soát lạm phát trong những tuần vừa qua cũng phản ánh sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành và doanh nghiệp. Chính phủ tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, trên tinh thần đơn giản hóa điều kiện tiếp cận để các nhóm này trụ vững qua thời kỳ khó khăn.
"Một điểm sáng nữa mà chúng ta hầu như rất ít nói tới trong những tháng vừa qua, đó là việc định hình tư duy cải cách thể chế kinh tế. Ngay trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ tiếp tục đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ cải cách nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, thúc đẩy thực hiện hiệu quả các FTA mới, mô hình phát triển kinh tế bền vững...", TS. Trần Thị Hồng Minh cho biết.
Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, trên thực tế, ngay ở vòng lấy ý kiến cuối cùng trước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn nhận được những đề xuất bổ sung nhiệm vụ mới có tính chiến lược, cấp thiết, dài hạn về phát triển hạ tầng pháp lý và kỹ thuật cho nền kinh tế.
"Sự quyết liệt với cải cách của Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao", Viện trưởng CIEM cho biết.
Tuy vậy, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, Chính phủ cần thúc đẩy các cải cách đủ sâu rộng để phục hồi tăng trưởng một cách bền vững.
Theo bà Minh, cần thực hiện 3 ưu tiên quan trọng trong thời gian tới. Đó là bảo đảm có sự song hành giữa chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách kinh tế vi mô, hướng tới phục hồi xanh và phục hồi bền vững; thúc đẩy phục hồi kinh doanh và nâng cao năng lực nội tại, mức độ tự chủ của nền kinh tế gắn với thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ hướng tới kinh tế số; trang bị kỹ năng mới để cải thiện năng suất.
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Không thiếu vốn để thực hiện đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Cột tin quảng cáo