Tin tức - Sự kiện

Việt Nam - Hàn Quốc thúc đẩy hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng

Ngày 7/12, tại Seoul, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên cùng với Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Bang Moon Kyu đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác thương mại, công nghiệp, năng lượng VN - Hàn Quốc và Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do VN - Hàn Quốc.

Bảo vệ và phát huy đa dạng sinh học vì sự phát triển bền vững / Bến Tre lấy khu lấn biển 50.000ha mở rộng không gian phát triển

Chú thích ảnh
Quang cảnh Kỳ họp. Ảnh: Đức Thắng/Pv TTXVN tại Seoul

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, cùng tham dự các kỳ họp nói trên, về phía Việt Nam có ông Nguyễn Việt Anh, Đại biện Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc; đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương; đại diện một số công ty Việt Nam trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp, năng lượng. Về phía Hàn Quốc có đại diện các đơn vị thuộc Bộ Thương mại, Công nghiệp, Năng lượng Hàn Quốc; Ủy ban Thương mại Hàn Quốc, Bộ Kinh tế và Tài chính; Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn; và một số doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng.

Các kỳ họp Ủy ban hỗn hợp giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp, Năng lượng Hàn Quốc tổ chức tại Seoul lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng khi hai bên cùng nhau cùng rà soát, đánh giá những kết quả đạt được trong hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng kể từ khi chính thức thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện vào tháng 12/2022. Trên cơ sở đó, hai bên thống nhất đề ra phương hướng, kế hoạch cần thúc đẩy triển khai trong thời gian tới để phát triển quan hệ thương mại, công nghiệp, năng lượng, hướng tới mục tiêu kim ngạch đạt 150 tỷ USD vào năm 2030.

Tại Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng, hai bộ trưởng đã thảo luận và thống nhất được những giải pháp sáng tạo, hoạch định các cơ chế hợp tác mới trong các lĩnh vực hai bên phụ trách; ủng hộ và nâng cao vị thế của nhau trong các khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương... qua đó góp phần phục hồi và phát triển kinh tế của mỗi nước.

Cụ thể, trong lĩnh vực thương mại, hai bộ trưởng nhất trí cần quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ phát triển quan hệ thương mại song phương, hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 150 tỷ USD vào năm 2030.

Theo đó, hai bên nhất trí: Triển khai tích cực, hiệu quả cơ chế hợp tác Korea Plus tại Việt Nam và Viet Nam Plus tại Hàn Quốc, trong đó tập trung giải quyết các vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước, phối hợp tổ chức các sự kiện tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên tăng cường trao đổi thương mại, hợp tác kinh doanh và đầu tư; Hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau trong các khuôn khổ đa phương như Khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và hợp tác thực thi hiệu quả các hiệp định thương mại tự do; Phối hợp chặt chẽ vận hành hiệu quả Hệ thống trao đổi dữ liệu xuất xứ điện tử (EODES), tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên trong các hoạt động xuất nhập khẩu; Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng như thực hiện nghiên cứu chung để mở rộng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam về công nghệ thông tin...

 

Trong lĩnh vực công nghiệp, hai bộ trưởng nhất trí sớm thảo luận, lập kế hoạch hành động triển khai Biên bản ghi nhớ thành lập Trung tâm khoáng sản thiết yếu Việt Nam -Hàn Quốc được Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ký ngày 23/6/2023.

Chú thích ảnh
Hai Bộ trưởng ký kết văn kiện Kỳ họp. Ảnh: Đức Thắng/Pv TTXVN tại Seoul

Tại kỳ họp, hai bên cũng đã thảo luận và thống nhất một số nội dung hợp tác quan trọng như: Thúc đẩy hợp tác trong sản xuất nguyên vật liệu và linh kiện trong trung và dài hạn, thông qua hoạt động vận hành Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt Nam (VITASK), qua đó giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của Hàn Quốc; Thúc đẩy hợp tác trong chuyển giao nhân lực ngành đóng tàu vừa đáp ứng nhu cầu cao của phía Hàn Quốc và cũng phù hợp với khả năng cung ứng của Việt Nam;

Tăng cường kết nối đầu tư và hợp tác trong lĩnh vực dệt may, công nghiệp ô tô... nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, tạo cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Hàn Quốc cũng như toàn cầu. Phía Hàn Quốc nhất trí hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính sách trong lĩnh vực khoáng sản, đất hiếm... cũng như hợp tác nghiên cứu, khai thác, chế biến và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

Trong lĩnh vực năng lượng, hai bên ghi nhận những kết quả tích cực trong hợp tác phát triển các nhà máy điện khí LNG, khai thác dầu khí tại Việt Nam cũng như việc trao đổi thông tin về công nghệ năng lượng sạch... Hai bên đã thảo luận và nhất trí hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn và như tạo thuận lợi cho nhà đầu tư Hàn Quốc đang tham gia vào các dự án năng lượng tại Việt Nam.

Trao đổi tại kỳ họp, phía Hàn Quốc nhất trí hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính sách phát triển năng lượng mới, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị phía Hàn Quốc tiếp tục quan tâm, thúc đẩy hợp tác trong một số lĩnh vực tiềm năng như: phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh; chuyển đổi nhiên liệu, xử lý môi trường cho các nhà máy nhiệt điện và tua bin khí đang vận hành; triển khai các dự án nhiệt điện chạy khí và LNG; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng; công nghệ lưu trữ năng lượng, lưu trữ carbon; nâng cao năng lực xây dựng thể chế và quản lý năng lượng trong nền kinh tế...

 

Cùng ngày, tại kỳ họp lần thứ 7 của Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, hai đồng chủ trì hoan nghênh việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam -Hàn Quốc đang được triển khai thuận lợi trong thời gian qua. Sau 8 năm thực thi hiệp định, tổng kim ngạch thương mại song phương đã tăng trưởng ấn tượng, từ 36,5 tỷ USD năm 2015 lên 87 tỷ USD vào năm 2022. Tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng gần 2 lần, từ 43,7 tỷ USD năm 2015 lên trên 84 tỷ USD năm 2023 (tính đến tháng 11/2023).

Hai bộ trưởng đã trao đổi và nhất trí về phương hướng triển khai các nội dung hợp tác trong các lĩnh vực như hải quan và xuất xứ hàng hóa, các biện pháp phòng vệ thương mại, các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), hàng rào kỹ thuật thương mại... nhằm tháo gỡ các khó khăn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc thực thi và tận dụng tối đa những lợi ích mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam -Hàn Quốc mang lại.

Chú thích ảnh
Các đại biểu Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Đức Thắng/Pv TTXVN tại Seoul

Kết thúc hai kỳ họp, bộ trưởng hai bên đã ký kết 2 văn kiện bao gồm: Biên bản kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng Việt Nam - Hàn Quốc; Tuyên bố chung của Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, hai bộ trưởng cũng đã chứng kiến lễ trao 2 văn kiện bao gồm: Bản ghi nhớ về chuỗi cung ứng đàn hồi khoáng sản quan trọng giữa Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Khoáng sản Hàn Quốc và Viện Khoa học, Công nghệ Mỏ - Luyện Kim; Hợp đồng nguyên tắc giữa Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Xanh và Công ty TNHH Star Group Industries/Sunglim Rare Earth Metal về “Hợp tác kinh doanh trong chế biến đất hiếm và đầu tư nhà máy tại Việt Nam”.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm