Xét tuyển học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT có đảm bảo chất lượng đầu vào đại học?
Thêm nhiều chương trình hỗ trợ công tác đoàn và phong trào thanh niên / Công bố đường dây nóng hỗ trợ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm 2020
Ảnh minh họa.
Năm nay, phương án tuyển sinh của nhiều trường đại học có sự thay đổi do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Theo đó, nhiều trường đại học đã bỏ phương án tuyển sinh riêng. Hiện hai phương án đang được hầu hết các trường lựa chọn để tuyển sinh trong năm nay là dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc xét tuyển kết quả học bạ (có trường kết hợp cả hai).
Trả lời về việc các trường đại học dựa vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển có đảm bảo chất lượng đầu vào, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh, việc lựa chọn hình thức tuyển sinh nào là quyền tự chủ của các trường đại học. Và các trường cũng có trách nhiệm giải trình về chất lượng nguồn tuyển, về các phương thức tuyển sinh của mình.
Theo bà Thủy, Luật Giáo dục đại học (GDĐH) đã trao cho các cơ sở GDĐH quyền tự chủ về chuyên môn học thuật, đồng thời gắn với trách nhiệm tự giải trình và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các cơ sở GDĐH phải thực hiện trách nhiệm công khai minh bạch (đăng đề án tuyển sinh lên trang thông tin điện tử của trường), trách nhiệm giải trình với xã hội về chất lượng nguồn tuyển cũng như chất lượng đào tạo dù sử dụng phương thức tuyển sinh nào.
"Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh, đào tạo; đồng thời đẩy mạnh hoạt động kiểm định chất lượng GDĐH. Cơ sở GDĐH vi phạm sẽ có chế tài theo luật định, theo đó có thể bị dừng đào tạo hoặc dừng tuyển sinh 5 năm", Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học lưu ý.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT)
Bà Thủy cho biết thêm: "Bài thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn có độ phân hóa, đánh giá được học sinh đạt chuẩn, trên chuẩn (chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục THPT). Bên cạnh đó, đây sẽ là kết quả của một kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, bài bản, có sự chuẩn bị kỹ càng, rút kinh nghiệm điều chỉnh từng năm với sự giám sát của lực lượng chức năng và toàn xã hội. Vì thế, tôi cho rằng, không nên quá lo lắng với chất lượng nguồn tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp năm nay".
Bên cạnh đó, mặc dù điểm đầu vào cũng là một trong những tiêu chí quan trọng quyết định chất lượng đầu ra, nhưng không phải tất cả. Luật GDĐH đã nhấn mạnh, các cơ sở đào tạo phải chú trọng đến các điều kiện bảo đảm chất lượng của quá trình đào tạo, trong đó có đội ngũ giảng viên, điều kiện cơ sở vật chất, công tác tổ chức, quản lý… Do vậy, song song với quá trình triển khai tự chủ đại học, công tác kiểm định chất lượng GDĐH cũng sẽ được đẩy mạnh, quan tâm.
Bà Thủy nhận định, học sinh đã tốt nghiệp THPT là có thể có cơ hội vào học đại học, hoặc cao đẳng, hoặc học nghề…, nhưng trong quá trình học nếu không đáp ứng được thì cũng sẽ bị đào thải, không thể tốt nghiệp. Cùng với công tác kiểm định cũng như các công cụ quản lý Nhà nước, uy tín, thương hiệu của mỗi trường đã và đang gây dựng sẽ vừa là động lực, vừa là thách thức khiến các trường phải luôn nỗ lực để đáp ứng chuẩn đầu ra phục vụ cho nhu cầu của thị trường lao động (không chỉ trong nước mà cả quốc tế). Cơ sở GDĐH chọn phương án tuyển sinh nào, cách thức tổ chức tuyển sinh ra sao, cũng sẽ phần nào cho xã hội thấy, họ là ai và ở đâu trong hệ thống GDĐH quốc gia.
Bộ GD&ĐT đang khẩn trương xây dựng chuẩn chương trình đào tạo (CTĐT) cho các trình độ của GDĐH, tiếp theo đó là chuẩn CTĐT của các ngành, nhóm ngành để định hướng bảo đảm mặt bằng chung của chất lượng nguồn nhân lực mà hệ thống GDĐH đào tạo nên. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn kiểm định chất lượng GDĐH để góp phần thực hiện tốt các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo.
Nêu quan điểm về việc các trường đại học sử dụng phương thức xét tuyển kết quả học bạ để tuyển sinh, bà Thủy cho rằng: "Các trường đại học đều sử dụng kết hợp nhiều phương thức thi tuyển, xét tuyển để tuyển sinh. Không chỉ sử dụng kết quả học tập ở cấp THPT, các trường đại học còn kết hợp với các phương thức tuyển sinh khác như: Sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, sơ tuyển, phỏng vấn, bài thi đánh giá năng lực, chứng chỉ chuẩn hóa quốc tế… Năm nay, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường công khai kết quả học tập của học sinh cấp THPT. đồng thời, yêu cầu các trường công bố công khai điểm thi và phổ điểm của điểm thi tốt nghiệp THPT để đối chiếu, so sánh".
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mức phạt áp dụng từ ngày 1/1/2025 với việc đeo tai nghe khi đi xe máy, ai cũng nên biết
Sáu nhiệm vụ trong tâm của ngành Nông nghiệp trong năm 2025
Dự báo thời tiết miền Bắc ngày mai 4/1: Vùng núi phía Bắc rét đậm, rét hại, có nơi dưới 11 độ
Ngành Thuế công bố 10 sự kiện nổi bật, trong đó có eTax Mobile
Hai tuyến cáp biển gặp sự cố, ảnh hưởng đến tốc độ internet Việt Nam đi quốc tế