Yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, quyết liệt ứng phó bão chồng bão, lũ chồng lũ
Hà Nội bỏ quy định hành khách đi máy bay từ TP Hồ Chí Minh về phải cách ly tập trung 7 ngày / Đà Nẵng: Không bắt buộc người dân xét nghiệm nhanh tại các chốt kiểm soát ra, vào TP
Báo cáo cho biết, triển khai các biện pháp ứng phó bão số 8, mưa lũ, đến 6h ngày 12/10, đã kiểm đếm, hướng dẫn: 53.944 tàu/233.335 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
Các tỉnh: Quảng Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế duy trì việc cấm biển. Các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nam Định, Hà Tĩnh và từ Đà Nẵng đến Phú Yên kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền (chỉ đánh bắt ven bờ và hoạt động ở các khu vực ngoài vùng dự kiến ảnh hưởng của bão số 8).
Về đê điều, hệ thống đê biển, đê cửa sông từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có tổng chiều dài 950 km (436 km đê biển, 514 km đê sông). Trong đó có 33 trọng điểm, vị trí xung yếu và 07 công trình đê, kè biển, cửa sông đang thi công.
Cần đặc biệt quan tâm đến những tuyến đê, kè trực diện biển hoặc đang thi công như: đê biển Hải Hậu, tỉnh Nam Định; đê biển Bình Minh 4, tỉnh Ninh Bình; đê biển Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa; đê cửa sông tả Thái, tỉnh Nghệ An.
Về thiệt hại, theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Hà Nội, Ninh Bình và Bình Thuận, Lâm Đồng, tính đến 06h/12/10, mưa lũ đã làm 2 người chết tại Yên Bái; 353 ha lúa và hoa màu bị ngập úng, thiệt hại (Lào Cai 14,4ha; Bình Thuận 17,4ha; Ninh Bình 321,2ha);…
Về giao thông, có 19 điểm đường giao thông bị sạt lở (trong đó: 01 điểm quốc lộ tại Lào Cai; 03 điểm tỉnh lộ (Lào Cai: 02, Hòa Bình: 01); 13 điểm liên xã (Lào Cai 3, Yên Bái 1, Hòa Bình 9); 02 điểm đường liên thôn tại Lâm Đồng. Đến 20h ngày 11/10, các điểm sạt lở cơ bản đã được khắc phục để thông tuyến.
Một điểm sạt lở trên quốc lộ 4D qua thị xã Sa Pa, Lào Cai.
Sẵn sàng ứng cứu, xử lý sự cố khi có yêu cầu
Trước diễn biến của mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, gió mùa Đông Bắc và bão KOMPASU vào biển Đông, nguy cơ xảy ra tình huống thiên tai nguy hiểm (bão chồng bão, lũ chồng lũ) trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu lực lượng phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm nội dung Công điện số 1323/CĐ-TTg ngày 10/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung các công việc sau:
Thứ nhất, theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ, thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo để các cơ quan liên quan và người dân biết, chủ động ứng phó.
Thứ hai, tổ chức quản lý chặt chẽ, thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền đảm bảo an toàn.
Thứ ba, tổ chức thu hoạch lúa, hoa màu, thủy hải sản ven biển đã đến kỳ thu hoạch và sẵn sàng phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Thứ tư, kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án bảo vệ các vị trí đê điều, hồ đập xung yếu, đang thi công, vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và hạ du.
Thứ năm, tăng cường thông tin, truyền thông đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động ứng phó bão và dịch COVID-19
Thứ sáu, duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu.
Tăng cường lực lượng, tổ chức trực ban phòng chống thiên tai 24/24h, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Công điện 1323 của Thủ tướng Chính phủ
Ngày 10/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Công điện 1323/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gửi Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Phú Yên về việc chủ động ứng phó với bão, mưa lũ.
Để chủ động ứng phó thiên tai (tình huống thiên tai nguy hiểm, nguy cơ bão chồng bão, lũ chồng lũ), hạn chế thiệt hại, bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ, triển khai kịp thời, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp ứng phó, trong đó tập trung vào các nội dung sau:
Thứ nhất, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng, ngành thủy sản và giao thông kiểm soát, hướng dẫn, chỉ đạo, bảo đảm an toàn cho phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển, cửa sông và tại khu neo đậu; bảo đảm an toàn cho người trên lồng bè nuôi trồng thủy hải sản và trên các đảo.
Chỉ đạo, tổ chức bảo đảm an toàn trên đất liền: Rà soát, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở, nhất là sơ tán dân tại khu vực nguy hiểm (lưu ý phòng chống, dịch COVID-19); chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động ứng phó, nhất là tại các khu vực đã từng xảy ra ngập lụt, sạt lở đất năm 2020, sẵn sàng cho tình huống bị chia cắt, cô lập cục bộ.
Triển khai phương án bảo vệ sản xuất, đê điều, hồ đập; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, khắc phục khi có sự cố.
Kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu vực đã từng xảy ra sự cố năm 2020 để kịp triển khai sơ tán dân cư, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả.
Thứ hai, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan có liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Thứ ba, Bộ Công Thương chỉ đạo công tác vận hành bảo đảm an toàn hồ đập thuỷ điện, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở thông tin kịp thời, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là trong tình huống phải xả lũ khẩn cấp; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản và hệ thống lưới điện.
Thứ tư, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập, công trình thủy lợi, nhất là hồ đập xung yếu, công trình đang thi công sửa chữa; thu hoạch lúa và hoa màu, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Thứ năm, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo việc kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Thứ sáu, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo rà soát phương án ứng phó, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ thu hoạch lúa, hoa màu, sơ tán, di dời dân cư, tìm kiếm cứu nạn, ứng phó và khắc phục hậu quả bão, mưa lũ khi có yêu cầu.
Thứ bẩy, Bộ Công an phối hợp với chính quyền các địa phương và các bộ, ngành có liên quan thông tin kịp thời, khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển qua vùng bị ảnh hưởng của bão, lũ, sạt lở; chỉ đạo, triển khai phương án hỗ trợ, bảo đảm an toàn đối với những người dân đang di chuyển từ các tỉnh phía Nam ra phía Bắc do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Thứ tám, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng, đưa tin kịp thời về diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó để người dân biết, chủ động phòng, tránh.
Thứ chín, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ, chủ động chỉ đạo triển khai biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến thực tế, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại, trọng tâm là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; báo cáo, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những tình huống cấp bách, vượt thẩm quyền.
End of content
Không có tin nào tiếp theo