Tin tức - Sự kiện

"Bộ Y tế rất quan ngại về tình hình Covid-19 của Hà Nội"

DNVN - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nhấn mạnh như vậy trong buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn vào chiều 01/02/2021.

"Chậm một giờ, một ngày nếu không may F1 dương tính thì đã lây ra cộng đồng rất lớn" / Bộ Y tế thông báo khẩn tìm người đến 2 quán ăn ở Quảng Ninh và Hà Nội

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội do ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội trình bày, tính từ ngày 27/1 đến nay, sau khi xuất hiện 2 ổ dịch ở TP Chí Linh (Hải Dương) và Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), trên địa bàn Hà Nội đã có 19 ca dương tính (trong đó Quận Nam Từ Liêm có 9 ca, huyện Đông Anh có 4 ca, huyện Mê Linh có 3 ca, quận Cầu Giấy có 2 ca và quận Hai Bà Trưng có 1 ca).
Trên thực tế, dịch bệnh ở Hà Nội xuất hiện nhanh, trong vòng 5 ngày tính từ ngày 27/1 đến nay đã ghi nhận 19 trường hợp mắc bệnh và chu kỳ lây nhiễm đã sang chu kỳ thứ 4. Hà Nội đã rà soát gần 16.000 trường hợp đi về từ vùng dịch kể từ 15/01/2021 và truy vết 412 trường hợp F1, đã lấy mẫu xét nghiệm và chuyển cách ly tập trung các trường hợp này. Qua rà soát cũng có trên 2.000 trường hợp F2, hiện đang được cách ly tại nhà.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, Bộ Y tế rất quan ngại về tình hình dịch của Hà Nội, bởi đợt dịch lần này sẽ khó khăn hơn, phức tạp hơn và khác hẳn so với đợt dịch bùng phát trước tại Đà Nẵng, do chủng biến thể mới của vi rút có tốc độ lây lan nhanh, chu kỳ lây nhiễm rút ngắn hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi làm việc.
“Bộ Y tế và UBND TP. Hà Nội thống nhất quan điểm: Phải giữ bình yên cho Thủ đô để người dân được đón Tết an toàn", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Theo đó, người đứng đầu Bộ Y tế yêu cầu Hà Nội cần chống dịch quyết liệt hơn, phải hành động nhanh hơn, nếu không thì tốc độ lây nhiễm của vi rút sẽ nhanh hơn chúng ta. Hà Nội phải thay đổi chiến lược đối phó và nâng ứng phó dịch lên 1 mức so với đợt dịch lần trước.
Do vậy, Hà Nội phải vừa thực hiện truy vết, nhưng cũng không chờ truy vết mà phải khoanh vùng ngay. Khoanh vùng càng nhanh càng tốt, càng rộng càng tốt. Phải chặn nguồn lây, nếu không, tốc độ lây nhiễm sẽ gia tăng. Nơi nào có bệnh nhân thì khoanh rộng hơn và lấy mẫu toàn bộ người dân ở đó. Khi khu vực đó tất cả các mẫu có kết quả âm tính thì mới tính đến giãn cách, khoanh hẹp hơn.
Bộ trưởng cho rằng, lần này phải coi các trường hợp F1 là trường hợp nhiễm bệnh. Từ đó truy ra F2 và coi F2 gần như F1. Phải thực hiện cách ly F2 tại nhà nghiêm ngặt và phải có giám sát. Đó là sự thay đổi trong cách thức ứng phó dịch.

Quang cảnh buổi làm việc.
Hà Nội phải ra khuyến cáo mạnh, yêu cầu người dân toàn thành phố bắt buộc phải đeo khẩu trang; hạn chế tập trung đông người ở khu vui chơi, giải trí; khuyến cáo người dân hạn chế đi tới các tỉnh...
Về xét nghiệm, Hà Nội phải xây dựng các tổ đội để lấy mẫu thật nhanh tại một số khu vực trọng điểm, khu vực nghi ngờ. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Y tế sẽ huy động sinh viên các trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y tế công cộng hỗ trợ lấy mẫu. Bộ Y tế sẽ tiến hành tập huấn việc lấy mẫu.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Hà Nội cần khởi động ngay việc thiết lập bệnh viện dã chiến, để hình thành mạng lưới điều trị, phòng trường hợp cần thiết. Bộ Y tế giao Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ việc này. Hà Nội cũng cần đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm cho nhân viên y tế, cho người thực hiện chống dịch.
Tiếp thu các ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, thành phố sẽ nâng cao năng lực xét nghiệm, tăng cường đầu tư năng lực điều trị để nhanh nhất kiểm soát được tình hình dịch bệnh, quyết liệt phối hợp với Bộ trong công tác xét nghiệm.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm